Tiến cầm tay tôi lắc lắc và chỉ ra con sông gần nhà: "Ngày trước cháu chết ở kia kìa". Tuy nhiên, theo TS Vũ Thế Khánh, Tổng giám đốc Liên hiệp Khoa học Công nghệ - Tin học Ứng dụng (UIA), chuyện của Tiến không có gì lạ.
Chúng tôi tìm đến thị trấn Vụ Bản, Nam Định lúc trời đã gần chính ngọ. Không khó để hỏi thăm nhà anh Tân, chị Thuận, bởi dường như câu chuyện “hồi sinh” của cháu Tiến ở cái thị trấn nhỏ này ngay cả cháu bé lên 10 cũng kể rành mạch được.
Cậu bé Nguyễn Phú Quyết Tiến. |
Cổng nhà anh Tân có ba cháu nhỏ khoảng 9-10 tuổi đang nô đùa. Thấy tôi cất lời hỏi thăm, một cháu bé nhìn trắng trẻo, ngôi ngô nhất trong đám trẻ nhanh nhảu: “Cô hỏi bố cháu à! Bố cháu đang ở trong nhà. Cô vào uống nước để cháu gọi bố”. Trong lúc chúng tôi đang ngờ ngợ đoán chừng cậu bé lúc nãy chính là bé Tiến “nổi tiếng” tiêu tốn không ít giấy mực của báo chí, thì anh Tân bước ra.
Bên ấm trà nóng, lim dim nhả làn khói thuốc xám, anh Tân gật gù khi nghe chúng tôi dè dặt nói lý do đến thăm nhà.
Ngẫm nghĩ một lúc, anh Tân dụi tắt điếu thuốc đang cháy dở, thẳng thắn nói: “Nói thật với cô, tôi đã không có ý định tiếp phóng viên nữa. Một phần tôi cũng không muốn mọi người nhắc quá nhiều về chuyện của cháu, tôi muốn mọi người coi cháu như những đứa trẻ bình thường khác. Nhưng vì cô đã lặn lội đường xa đến đây tôi sẽ kể rành mạch không giấu giếm, cũng là để đính chính vài thông tin mà một số báo đã không nói chính xác hoàn toàn khiến tôi rất bức xúc”.
Câu chuyện “tái sinh” kỳ lạ
Anh Tân và chị Thuận cưới nhau được 6 năm mới sinh được cháu Nguyễn Phú Quyết Tiến (28-2-1992). Cháu Tiến lớn lên bụ bẫm, xinh xắn, trong sự yêu chiều hết mực của cả gia đình. Thế nhưng, đến năm cháu 5 tuổi, tai họa bất ngờ ập xuống.
Hôm đó vào buổi chiều tháng Giêng, anh Tiến đang nằm đọc báo bỗng giật nảy mình chồm dậy, ruột gan như lửa đốt. Anh gọi chị Tân bảo: “Thằng Tiến đâu, tìm nó về đi”. Chị Tân tìm gọi mãi nhưng không thấy Tiến đáp lại, ra phía bờ sông gần nhà chị chỉ nhìn thấy đôi dép cháu để trên bờ. Dưới dòng nước xanh ngắt nhìn thấu tận đáy, không thấy điều gì bất thường. Chị chạy về báo anh Tân. Bỏ tờ báo, anh hớt hải ra phía bờ sông thì nhìn thấy xác cháu Tiến nổi cách bờ 3m.
“Tôi lao xuống dòng nước, ôm chặt lấy con nhấc lên bờ. Nhưng tất cả đã quá muộn!”, giọng anh lạc đi, không giấu vẻ kinh hoàng khi nhớ về cái ngày đau thương ấy.
Con sông nơi cháu Tiến chết đuối cách đây 10 năm. |
Cháu Tiến mất đi khiến cả anh Tân, chị Thuận đều như kẻ mất hồn. Nỗi đau càng nhân lên gấp bội khi chị Thuận do vấn đề sức khỏe đã “không còn khả năng làm mẹ” nữa. Trong cơn vật vã, bà cụ hàng xóm mà sau này anh Tân mới biết là “bà mế” có sang vỗ vai anh và bảo: “Con yên tâm, sớm muộn gì nó cũng tìm về với con thôi!”. Khi ấy vì quá đau buồn anh cũng coi lời bà như lời an ủi của những người hàng xóm tốt bụng khác.
Vắng tiếng cười trẻ thơ, căn nhà chỉ còn hai người lớn trở nên hoang lạnh hơn bao giờ hết. Là con một, phải chịu áp lực từ phía gia đình, anh Tân buồn bã chả thiết làm gì, suốt ngày ngơ ngẩn gần như người hóa dại.
Năm 2006, cả hai vợ chồng vẫn chưa nguôi nỗi đau mất con thì nghe có người rỉ tai ở Xóm Cọi, xã Yên Phú, Lạc Sơn, cách nhà anh chị chừng 3km có cháu bé nghi là “con lộn” của Tiến. Cháu tên Bùi Lạc Bình (sinh ngày 6-10-2002) là con một gia đình người Mường nhưng ngay từ khi biết nói đã khăng khăng bảo mình là con người Kinh, nhà trên thị trấn Vụ Bản.
Vốn chưa bao giờ tin có chuyện “đầu thai” như kiếp luân hồi của nhà Phật nhưng hai anh chị vẫn đánh bạo tìm đến nhà cháu bé nọ. Thật bất ngờ khi anh chị đến nơi cháu không hề thấy lạ mà gọi bố mẹ xưng con và quấn quít không rời. Anh chị ngỏ lời mời chị Dự, người sinh cháu Bình, tên bố mẹ “mới” đặt, đến nhà chơi. Nghe thấy thế, Bình vui lắm, trèo phắt lên xe hào hứng như đứa trẻ lâu ngày được về nhà.
Vừa vào nhà, Bình đã chạy quanh nhà tìm đồ chơi mà Tiến trước kia thích. Cháu còn tự nhiên vào giường anh Tân, chị Thuận nằm lên đó rồi bi bô: “Ngày xưa con thường ngủ chỗ này nhỉ bố nhỉ?”. “Ngay khi nhìn thấy cháu, nghe cháu nói, và thấy những hàng động của cháu vợ chồng tôi như chết đứng. Tất cả đều giống hệt như cháu Tiến thủa trước, có khác chỉ là khác về hình hài mà thôi”, anh Tân kể.
Cháu Tiến vui đùa bên những đứa trẻ hàng xóm. |
Kể từ ngày gặp cháu Bình thì ăn ngủ chẳng yên bởi giữa hai người với đứa trẻ xa lạ dường như có mối thâm tình gì đó day dứt lắm. Nhớ cháu, thương cháu nhưng lại sợ người ngoài bảo muốn cướp con. Vợ chồng anh hiếm muộn, nhưng vợ chồng chị Dự, anh Hoan cũng chỉ có duy nhất cháu Bình là con.
Về phần chị Dự, sau lần đến chơi nhà ấy, cháu Bình cứ nằng nặc đòi về “nhà bố mẹ”. Thấy con nhèo nhẹo khóc, chị Dự cũng không biết phải làm sao. Đưa cháu về nhà anh Tân, chị Thuận chơi thì sợ người ta dị nghị là “thấy người sang bắt quàng làm họ”.
Nhưng sau một lần Bình bị ốm nặng, sốt cao, cháu cứ luôn miệng “dọa”: “Mẹ không cho con về, con lại chết lần nữa!”. Hoảng quá, lần này chị đánh liều gọi cho anh Tân đưa cháu về nhà chơi. Cháu Bình về nhà anh thì khỏe khoắn, vui vẻ, không còn đau ốm nữa.
“Thấy cháu tha thiết quá, sau bao đắn đo chúng tôi dè dặt đề nghị gia đình anh Hoan, chị Dự cho cháu về ở với chúng tôi. Thật bất ngờ là cả vợ chồng anh chị và bà nội cháu đều gật đầu đồng ý. Chính bà nội cháu cũng bảo rằng: Ngay từ lúc thằng bé biết nói tôi đã biết nó không phải người Mường rồi”, anh Tân nói.
Theo lời anh Tân, kể từ ngày cháu về với anh chị, hết lần này đến lần khác hai người “thử” cháu. Thậm chí, nhiều người hàng xóm cũng sang nhà để “hỏi chuyện ngày xưa”. Tất cả cháu đều trả lời vanh vách. Từ tên bác hàng xóm, đến cô giáo mẫu giáo rồi bạn bè thân của cháu, cháu đều nhớ tên. Đường về nhà, hay những câu chuyện nhỏ nhặt như ngày xưa bà nội cho cháu uống bia ở đầu làng cháu cũng nhắc lại, ngay cả việc, “cháu đã từng chết như thế nào, bị ngã xuống nước ra sao”…
“Dù trước đó, chưa một lần tin có chuyện “hoang đường” như thế, nhưng đến lúc ấy cả vợ chồng tôi đều hoàn toàn tin rằng Bình chính là cháu Tiến, con chúng tôi 10 năm về trước”, anh Tân kể.
Từ ngày về ở với anh chị Tân, Thuận, Bình nằng nặc đòi gọi tên là Tiến, ngay cả tên đệm cháu cũng đòi giữ.
“Hãy coi con cháu những đứa trẻ bình thường”
Bé Tiến bây giờ đã bước sang tuổi thứ 9. Cháu trắng trẻo, khôi ngô, ngoan và lễ phép nhưng cũng hiếu động hệt như những đứa trẻ cùng trang lứa khác. Khi chúng tôi ngồi nghe anh Tân kể chuyện thì Tiến không ngừng nô đùa trước sân, chọc tổ ong khiến anh Tân mấy bận phải đứng dậy nạt cháu.
Câu chuyện dang dở thì chị Thuận mẹ cháu về, thoáng qua những dè dặt ban đầu, nhắc đến con chị cười nói xởi lởi lắm. Lần dở từng trang sách của cháu, đôi mắt chị vẫn ánh lên niềm hạnh phúc vô hạn: “Cháu đi học mấy năm liền đều đạt học sinh giỏi…”. Rồi chuyện trường, chuyện lớp, chuyện nghịch ngợm của trẻ nhỏ làm bầu không khí rộn ràng hẳn lên.
Mải chuyện đã quá trưa tự lúc nào, chị Thuận giữ chúng tôi ở lại ăn cơm, chúng tôi cũng vui vẻ đồng ý. Khi mâm cơm đã dọn tinh tươm, Tiến vẫn đứng ngoài sân mê mải đọc cuốn Hương Hiếu Hạnh của nhà sư Thích Tâm Hiệp viết về trường hợp “đầu thai” của Tiến.
Nghe anh Tân bảo, nhà sư sau khi nghe câu chuyện của Tiến đã viết một bài in trong tập sách Hương Hiếu Hạnh và tặng anh chị một cuốn. Từ lúc rõ mặt chữ, Tiến lúc nào cũng cầm cuốn sách và đọc đi đọc lại câu chuyện kể về mình. Những câu chuyện ngày xưa cháu cũng dần quên.
Tiến bên bố mẹ "nuôi". |
Tôi đứng dậy gọi Tiến vào ăn cơm thì bất chợt cậu bé nắm tay tôi lắc lắc, chỉ ra phía con sông sau nhà: “Cô ơi, ngày xưa cháu chết ở kia kìa”. Dù đã nghe câu chuyện của cháu nhưng câu nói bất chợt của Tiến vẫn khiến tôi lạnh sống lưng.
Sau bữa cơm đầm ấm, chúng tôi xin phép hai anh chị tiếp tục lên đường. Trước khi đi, anh Tân trầm ngâm: “Nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải, Trung tâm tiềm năng con người đã nhiều lần điện thoại gặp nhưng tôi đều từ chối. Hiện giờ, tôi chỉ muốn mọi người hãy coi cháu như những đứa trẻ bình thường khác. Cháu Tiến giờ ở nhà tôi với tư cách là "con nuôi". Cháu vẫn thường xuyên qua lại nhà mẹ đẻ...".
TS Vũ Thế Khánh, Tổng giám đốc Liên hiệp Khoa học Công nghệ - Tin học Ứng dụng (UIA):
Nếu giải thích theo luật nhân quả, kiếp luân hồi và lý thuyết nhân duyên trong phật giáo thì câu chuyện không có gì lạ cả.
Cá nhân tôi đã tham gia chương trình: “Giao lưu ngoại cảm” để tìm mộ liệt sĩ và các khả năng đặc biệt khác do ba cơ quan hợp tác nghiên cứu (Liên hiệp Khoa học UIA; Viện Khoa học Hình Sự Bộ Công An, Trung tâm bảo trợ Văn hóa Kỹ thuật truyền thống, Hội Khoa học Lịch sử) nghiên cứu nhiều sự vật, hiện tượng lạ, khả năng đặc biệt của con người trong cuộc sống.
Gần 15 năm qua, tôi cùng nhiều giáo sư đầu ngành đã nghiên cứu và ghi nhận nhiều trường hợp tương tự như câu chuyện trên. Thậm chí, trên thế giới cũng có những hiện tượng như thế. Tuy nhiên, cũng như nhiều hiện tượng khoa học chưa thể lý giải trong cuộc sống khác, chúng tôi mới dừng ở bước ghi nhận và đang tiếp tục nghiên cứu phân tích.
Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tổ chức hội nghị Khoa học để lý giải làm rõ một số hiện tượng theo các góc cạnh khác nhau.
Nếu giải thích theo luật nhân quả, kiếp luân hồi và lý thuyết nhân duyên trong phật giáo thì câu chuyện không có gì lạ cả.
Cá nhân tôi đã tham gia chương trình: “Giao lưu ngoại cảm” để tìm mộ liệt sĩ và các khả năng đặc biệt khác do ba cơ quan hợp tác nghiên cứu (Liên hiệp Khoa học UIA; Viện Khoa học Hình Sự Bộ Công An, Trung tâm bảo trợ Văn hóa Kỹ thuật truyền thống, Hội Khoa học Lịch sử) nghiên cứu nhiều sự vật, hiện tượng lạ, khả năng đặc biệt của con người trong cuộc sống.
Gần 15 năm qua, tôi cùng nhiều giáo sư đầu ngành đã nghiên cứu và ghi nhận nhiều trường hợp tương tự như câu chuyện trên. Thậm chí, trên thế giới cũng có những hiện tượng như thế. Tuy nhiên, cũng như nhiều hiện tượng khoa học chưa thể lý giải trong cuộc sống khác, chúng tôi mới dừng ở bước ghi nhận và đang tiếp tục nghiên cứu phân tích.
Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tổ chức hội nghị Khoa học để lý giải làm rõ một số hiện tượng theo các góc cạnh khác nhau.
Theo Bưu điện Việt Nam
Theo đuôi :
ADVERTISEMENT