Định níu kéo tình cảm với một người đàn ông đã có vợ nhưng không thành, bị cáo đã nông nổi sát hại nạn nhân. “Con thương anh ấy hết mực... Con đã quá hồ đồ, cầu mong bác tha thứ cho con...”.
“Cháu biết mình đã sai, cháu biết nỗi đau cháu mang đến cho gia đình là không gì bù đắp, cháu biết bác giận và hận cháu lắm. Nhưng xin bác hãy tha thứ và cho cháu một cơ hội đền đáp lỗi lầm…”. Giọng bị cáo run run rồi tiếng nấc chắn ngang... Người mẹ nạn nhân ngồi dưới hàng ghế dự khán khóc khan giọng, còn người cha gục đầu, cắn chặt môi…
1. Trước vành móng ngựa, Trâm khóc kể lại tuổi thơ cơ cực của mình. Cô không giận cha mẹ nhưng cô buồn vì mình sinh ra thiếu vắng tình thương của đấng sinh thành.
Chưa đầy sáu tháng tuổi cha đã bỏ hai mẹ con Trâm để chạy theo mối tình khác. Một thời gian sau mẹ đi thêm bước nữa, để Trâm lại sống cùng bà ngoại. Ba năm sau ngoại cũng qua đời, mẹ phải đón Trâm về ở cùng gia đình. Tuy được cha dượng và mẹ thương yêu nhưng với Trâm tình mẫu tử vẫn không thật thắm thiết. Năm Trâm 13 tuổi, cha dượng rời xa vì căn bệnh hiểm nghèo.
13 tuổi, cái tuổi đang được ăn, được học nhưng Trâm đã phải rời bỏ quê hương đến TP.HCM kiếm sống, phụ mẹ nuôi ba em nhỏ. Đất khách quê người cơ cực trăm bề, càng cơ cực hơn với một bé gái 13 tuổi như Trâm. Hằng tháng, tích góp từ số tiền làm thuê ít ỏi, có tháng vài ba trăm ngàn, Trâm gửi về phụ mẹ...
Rồi Trâm gặp và yêu H. Dù biết rõ H. đã có vợ, có con ở quê nhà nhưng cô vẫn quyết đến với anh dù chỉ vụng trộm. Hai người dắt nhau về quê xin phép mẹ cho cưới. Sợ mẹ phản đối, Trâm giấu không cho mẹ biết chuyện H. đã có vợ, có con và nói dối về gia cảnh của H. là mồ côi cha mẹ. Do tin và yêu H. nên Trâm chấp nhận cưới mà không đăng ký kết hôn. Trâm tâm sự: “Ngày cưới của chỉ vẻn vẹn một mâm cơm cúng tổ tiên. Thế là nên vợ nên chồng…”.
2. Những ngày đầu sau khi kết hôn đáng lẽ phải là những tháng ngày hạnh phúc nhất, đằng này… Trâm ngậm ngùi vứt bỏ giọt máu mình đang mang vì H. không muốn có con. Cuộc sống nhân ngãi không tránh khỏi những khúc mắc khó gỡ của đời thường. Cãi vã thường xuyên xảy ra, hai lần Trâm nghĩ tới cái chết và uống thuốc ngủ tự tử nhưng được mọi người can ngăn kịp thời. Nhưng rồi mối tình đành đứt gánh, Trâm bỏ đi sau hai lần tự tử không thành.
Trâm khóc: “Bị cáo thực lòng rất yêu anh ấy. Vì buồn, vì nghĩ anh ấy không cần tới mình nữa. Như vậy thì cuộc sống của bị cáo còn ý nghĩa gì đâu!”. Suy nghĩ nông cạn. Túng quẫn. Trâm hẹn gặp H. với mong muốn níu kéo H. quay lại nhưng không thành.
Rút con dao mang theo trong người, Trâm nói: “Một là anh tự lấy dao đâm anh, hai là anh đâm chết em đi”. Cả hai xảy ra cự cãi, H. thách thức: “Em có giỏi thì đâm ngay ngực tôi nè”… Trong phút nông nổi Trâm đã gây nên án mạng.
3. Nay đứng trước tòa, Trâm buồn tủi, hối hận thì đã muộn. Chỉ một hành động nông nổi của Trâm mà gieo nỗi đau thương mất mát cho biết bao người, trong đó có cả Trâm.
Mẹ của Trâm lẳng lặng nhìn con gái cúi đầu nhận tội, bà run run đôi gò má: “Nó giấu tôi mọi chuyện. Ngày cơ sự xảy ra, tới thắp hương cho thằng H. tôi mới biết nó đã có vợ có con…”.
Còn cha nạn nhân gục đầu trên ghế xót cho cái chết của đứa con trai: “Chúng nó lén lút cưới nhau mà không hôn thú. Trâm biết rõ con tôi đã có vợ sao còn lao đầu vào?”.
Tòa cũng cho rằng nguyên nhân bị cáo gây án xuất phát từ tình yêu chân thành nhưng lại quá mù quáng. Cả bị cáo và người bị hại đến với nhau quá vội vã và thiếu suy xét. Khi mâu thuẫn xảy ra bị cáo đã không tìm cách giải quyết mà suy nghĩ tiêu cực cầm dao giết chết người mình hết lòng yêu thương.
Cuối phiên tòa, cha của người bị hại xin tòa cho giữ lại chiếc áo mà con trai mình mặc trước khi chết để lưu giữ lại chút kỷ niệm của con. Tuy nhiên, tòa không chấp nhận vì đó là vật chứng của vụ án nên cần tịch thu tiêu hủy...
Lúc tòa nghị án, Trâm xin trò chuyện với cha nạn nhân. Gục đầu chắp tay, Trâm xin cha người bị hại tha thứ: “Con thương anh ấy hết mực. Gây ra cái chết này khiến tim con đau lắm. Con đã quá hồ đồ, cầu mong bác tha thứ cho con”. Nói rồi cô hướng ánh mắt đỏ hoe về phía người mẹ đang rũ rượi: “Mẹ đừng lo cho con, hãy thay con tới thắp hương cho anh H.”…
Một kết thúc buồn của cuộc tình trái ngang. Tuy nhiên, cầu mong cho hai bên gia đình chóng được nguôi ngoai.
Mới đây, TAND TP.HCM đã tuyên phạt Nguyễn Thị Ngọc Trâm tám năm tù về tội giết người.HĐXX nhận định hành vi của bị cáo là hết sức nguy hiểm, chỉ vì mâu thuẫn nhỏ mà bị cáo đã suy nghĩ tiêu cực và cướp đi mạng sống của người khác. Tuy nhiên, xét bị cáo sau khi phạm tội đã tự thú, nhân thân tốt, gia đình có công nên tòa tuyên án như trên.
Trâm và H. chung sống với nhau như vợ chồng. Trong quá trình sống nảy sinh nhiều mâu thuẫn nên Trâm bỏ đi. Ngày 22.7.2009, Trâm hẹn gặp H. với mong muốn hàn gắn tình cảm. Gặp nhau, hai người đã cự cãi và Trâm dùng dao đâm chết H. Sau khi sự việc xảy ra Trâm đã đi tự thú…
Trâm và H. chung sống với nhau như vợ chồng. Trong quá trình sống nảy sinh nhiều mâu thuẫn nên Trâm bỏ đi. Ngày 22.7.2009, Trâm hẹn gặp H. với mong muốn hàn gắn tình cảm. Gặp nhau, hai người đã cự cãi và Trâm dùng dao đâm chết H. Sau khi sự việc xảy ra Trâm đã đi tự thú…
Theo Pháp luật TPHCM
Theo đuôi :
ADVERTISEMENT