Chuyện các “teen” hành xử với nhau đậm chất xã hội đen, ghi hình tại chỗ rồi post lên mạng... như một thứ dịch bệnh, đang bùng phát và lây lan đến chóng mặt.
Các đối tượng chỉ vào hiện trường nơi quay Clip trên.
Mặc cho cả xã hội choáng váng, riêng chúng hả hê, bởi không gì có thể...“hot” nhanh đến thế, vụt có tên, có tuổi, thành anh thành chị. Bởi cái “bản lĩnh” đánh người mà chúng được đám lau nhau tuổi... dở hơi nhìn với ánh mắt sờ sợ, nể vì!.
Thú thật, từng ấy năm trong nghề, “va” với đủ loại giang hồ, gặp bao cảnh thương tâm, nhưng khi xem đoạn clip ấy vẫn thấy rùng mình. Hãy thử tưởng tượng nếu đứa bé đang bị vật ra kia, đang bị đạp vào mặt thế này, đang bị xé áo, lột quần… giày vò trước một đám đông vô cảm ấy... là con mình?!. Sợ thật! cha mẹ cả ngày cắm cúi mưu sinh, biết sao được lúc này, ở trường điều gì đang đến với con?. Tôi hoảng hốt, những người có con hoảng hốt, cả xã hội rùng mình vì thế!
Tràn ngập trên các trang mạng là các tin về lũ trẻ xử nhau một cách tàn bạo, vô nhân tính. Còn nhớ hồi nhỏ đi học, đám “trống choai” chúng tôi cũng chẳng ít lần “thượng đài” với nhau. Những lý do khiến trẻ đánh nhau, nhìn chung là giống nhau. Đều do bốc đồng và thiếu suy nghĩ. Đang tuổi học làm người lớn, cần ra dáng người lớn, hay chí ít bộc lộ cái gì đó để “giật le” với đám bạn mình. Có điều ngày xưa, trẻ “uýnh” nhau “hồn nhiên” hơn, mang tính tỷ thí, đọ sức là chính. Giờ đây, nhìn các “teen” nữ phang nhau “nhiệt tình”, lại còn quay phim, ghi hình và bố cáo “thiên hạ”, chợt thấy chúng không còn là “trẻ con” nữa rồi!. Thấp thoáng đâu đó là ý thức “hạ nhục” đối thủ để nâng tầm mình lên. Trẻ có cách hành xử như trong phim găngxtơ, manh nha tính băng nhóm. Hành động đánh người thật quyết liệt, không thương tiếc, đầy chất dằn mặt, phân chia ngôi thứ, đẳng cấp. Nhìn trẻ đánh nhau, người lớn nghĩ gì? Những đoạn clip liên tục phát tán thời gian gần đây, phải chăng là phần nổi của tảng băng trôi trong giáo dục? hay lớn hơn là lỗi trong lời giải bài toán xây dựng con người hiện nay? Ngày xưa tuy không được học nhiều như bây giờ. Xét về lượng kiến thức được trang bị, hẳn là thua xa hiện nay. Nhưng tôi có cảm giác trẻ xưa ngoan hơn, kỹ năng sống nhiều hơn và có tình hơn. Trẻ nay giỏi giang, sành điệu, nhanh nhạy với cái mới. Nhưng bị hổng, mà lại hổng ở nơi thật quan trọng, đó là kỹ năng sống.
Quan sát cách hành xử, thấy trẻ bây giờ ganh đua mạnh mẽ hơn xưa. Cạnh tranh là tốt, vì thúc đẩy sự nỗ lực hoàn thiện mình. Nhưng từ đó mà đẻ ra sự đố kỵ, ganh ghét, hãm hại nhau để vượt lên thì thật đáng sợ. Bởi đó là gốc của cái ác, của những nhân cách lệch lạc trong tương lai.
Người lớn có lỗi không? tôi nghĩ là có. Phải chăng chính vì chúng ta đẻ con ra, chỉ muốn con xuất chúng hơn người. Phải chăng trong cuộc sống hiện đại này, đang dần ít đi những lời răn dạy con cái biết cảm thông, sẻ chia, thương yêu đồng loại?. Rồi chính cuộc mưu sinh vật lộn, ganh đua của chúng ta, đang dần làm hằn lên trong óc trẻ cái ý chí để tồn tại, để chiến thắng, không cần xót thương với đồng loại?. Nếu vậy, việc trẻ lệch lạc về nhân cách chỉ là chuyện thời gian.
Ở trường, có chăng sự mất cân đối giữa dạy chữ và dạy làm người?. Nếu trang bị nhiều quá những công thức, định lý, mà thiếu đi vế dạy cho trẻ kỹ năng sống, hiểu biết luân thường, đạo lý... liệu ngành giáo dục có cho “ra lò” những “sản phẩm” tốt? Người xưa có câu: “Cái gì cũng biết, mà đạo làm người không biết, chưa phải là người hay”.
Phải chăng, mọi chuyện của trẻ, cuối cùng là do người lớn và đều thuộc về người lớn?
Đào Trung Hiếu
(Đội phó Đội Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao,
Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP. Hà Nội)
Theo đuôi :
ADVERTISEMENT