Bún muôn đời là món ăn khoái khẩu của người dân Hà thành, được biến hóa với nhiều hương vị đặc biệt, rất dễ ăn, và có thể ăn ngon cả 4 mùa.
1. Bún cá rô đồng
Cá rô đồng làm ra nhiều món ăn dân dã ngon miệng, vị ngọt mát và nhất là ít chất tanh nên rất dễ ăn. Có thể ăn cùng với bún, miến hoặc bánh đa cua. Bún cá ra đồng ăn ngon nhất vào mùa đông và mùa xuân, vì vào mùa này những chú cá rô đồng mới chắc thịt, béo, và cũng đúng mùa rau cần. Chỉ có rau cần, thì là mới tôn lên hương vị đặc biệt của bát bún cá rô đồng.
Ở Hà Nội có rất nhiều nơi thể ăn bún cá rô đồng ngon. Tuy nhiên, có một quán trên đường Đặng Tiến Đông rất ngon và lạ miệng Cá rô được chế biến rất thơm, giòn và béo. Điểm đặc biệt nhất của quán là những con cá rô được lọc thành lát rồi chiên vàng lên, không bao bột bên ngoài lát cá nên khi ăn bạn không cảm giác béo ngậy.
Địa chỉ: Bún cá rô đồng, 25 Đặng Tiến Đông, Hà Nội.
2. Bún dọc mùng
Trên phố cổ Bát Đàn – con phố nổi tiếng đất Hà thành với nhiều món ăn ngon có một quán bún dọc mùng nức tiếng trong giới sành ăn. Quán này mang dáng dấp quán xá xưa của Hà Nội, thấp bé, tuyềnh toàng nhưng lại tấp nập khách ra vào từ sáng tới tối.
Nếu đến đây vào buổi trưa bạn sẽ phải chen chân vào ngồi trong cái hành lang chật chội, hoặc phải ngồi tràn xuống đường để ăn. Nhưng dẫu có chật chội thế nào lượng khách đến quán vẫn không hề giảm.
Bún dọc môt mùng ở đây có thể ăn với mọc, thịt nạc vai, sườn nhưng món chủ đạo vẫn là móng, chân giò. Móng giò vàng ươm thơm phức mùi nghệ, còn dọc mùng thì mềm mượt, xanh ngắt nhưng khi ăn lại có vị dòn sần sật rất thú vị.
Địa chỉ: Bún dọc mùng 18 Bát Đàn, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
3. Bún thang
Cùng với phở, bún thang là một trong những nét ẩm thực đặc trưng của người Hà nội. Ngày nay, rất nhiều người cho rằng không tìm thấy những quán bún thang ngon như ngày xưa nữa. Bát bún thang đầy đủ bao gồm, thịt gà, nấm, trứng, giò. Nhưng quan trọng nhất vẫn là nước dùng, nước dùng bún thang không giống như nước dùng phở.
Trên phố cổ có rất nhiều quán bán bún thang, nhưng theo thời gian thì hương vị cũng mất dần. Nước dùng bún thang không còn ngọt thanh, đậm đà của xương lợn cùng với tôm khô nõn. Tuy nhiên, hiện nay ở Giảng Võ cũng có một quán bún thang khá ngon, ngon nhất là ở nước dùng, nó có vị ngọt tự nhiên, tiếp đến là thịt gà ta rất mềm, ngọt.
Quán bún thang không có địa chỉ cụ thể, mà muốn đến ăn bạn chỉ cần nhớ gần khách sạn Đông Đô có một cái ngõ, và quán bún thang này nằm ngay đầu ngõ.Địa chỉ: Bún thang, Giảng Võ, Hà Nội.
4. Bún thịt nướng
Về cơ bản bún thịt nướng Huế cũng bao gồm các thành phần như: bún, thịt nướng, rau sống, đậu phộng… Cũng có sự tương đồng với bún chả Hà Nội và bún thịt nướng Sài Gòn, nhưng điều tạo nên sự khác biệt lại nằm ở bát nước lèo, nó được coi là cái hồn tinh túy của món bún thịt nướng Huế, làm cho bát bún có hương vị thơm ngon, đậm đà rất Huế.
Trong bát nước chấm của người Huế hội tụ đủ các vị chua, ngọt, bùi, cay, đắng, chát, mà theo cô Hương – chủ quán nó được làm từ mấy chục loại nguyên liệu khác nhau mới cho ra được bát nước lèo đặc biệt đến vậy. Người ăn chỉ có thể cảm nhận được một số vị như vị béo như bơ, ngậy như đậu phộng, thơm của tỏi, một chút vị của tương bần… nước chấm bún thịt nướng Huế không hề có nước mắm như nhiều bát nước chấm khác nhé.
Vì là món ăn cho người Hà Nội nên chủ quán cũng biết cách giảm lượng cay trong bát nước lèo đi chút ít, nhưng nếu ai muốn ăn cay như người Huế thì luôn có bát ớt chưng ngay cạnh để rưới thêm vào.Địa chỉ: Bún thịt nướng, số 3 Tô Hiến Thành, Hà Nội.
5. Bún chua
Tất cả các nguyên liệu làm nên bát bún chua gần giống với món bún dọc mùng quen thuộc, duy chỉ có nước dùng là điểm khác biệt.
Nước dùng ở đây có vị ngọt thanh và dậy lên cái vị chua ngọt khiến ta liên tưởng đến nồi canh chua của người miền Nam.
Bún chua đi kèm với nó là sườn, mọc, lưỡi, thịt chân giò, móng giò. Mọc và sườn được để trong một cái khay có chan nước dùng lên, chứ không để khô như nhiều quán vẫn làm. Sườn được ninh lên có độ chín vừa phải nên thịt có độ dai và ngọt.
Ở đây có món bún lưỡi cũng rất ngon, lưỡi lợn được làm rất kĩ để khử mùi hoi hoi đặc trưng của nó, bún lưỡi có vị sần sật hơi dai của lưỡi quyện trong cái chua ngọt của nước dùng, rất thú vị mà không sợ lên cân.Một điều tôi rất thích ở quán bún chua này lại là lọ tương ớt, tương ớt được chủ quán chế biến hoàn toàn từ ớt tươi, loại ớt tiêu nhỏ quả nhưng lại cho ra vị cay thơm hơn các loại ớt khác
Địa chỉ: 36 Đường Kim Liên mới, Hà Nội
6. Bún Ngao
Khi bạn đã chán ngán các món bún liên quan đến thịt thì có thể đến đường Quang Trung thưởng thức món bún ngao lạ miệng và mát lành này nhé.
Con ngao thì không còn xa lạ gì với teen, các món về ngao như luộc, hấp hay cháo ngao đều quá quen thuộc. Nhưng riêng món bún ngao thì hiện nay vẫn còn là món khá mới mẻ ở Hà nội, món ăn này rất thanh, mát và đặc biệt hấp dẫn những bạn teen sợ bị lên cân. Thịt ngao ngon dậy lên được mùi thơm đặc biệt, màu sắc vàng rộm, thịt ngao mềm, có độ dai vừa phải.
Để món bún ngao thơm ngon hơn, nước dùng phải từ chính nước luộc ngao và thêm chút nước xương lợn ninh lên. Nước dùng có màu trắng đục, đảm bảo phải dậy lên mùi thơm đặc trưng của ngao, để khi ăn chúng ta không thấy cảm giác béo, ngấy, mà dù bạn ăn cả sáng và trưa cũng không cảm giác ngán. Giá khoảng 20.000 đồng.Địa chỉ: Bún Ngao 39 Quang Trung, Hà nội
7. Bún ốc nguội
Đây là một trong những quán bún ốc nguội được cho là chuẩn nhất hương vị ngày xưa các bà thường nấu. Ốc nguội nhìn rất đơn giản, nước ốc, ốc và bún. Thưởng thức bát ốc nguội bạn luôn cảm nhận cái vị ngọt mát, rất tự nhiên của ốc.
Nước ốc nguội, có vị chua chua, ngọt ngọt, hơi cay, bạn chỉ nhấm nháp nước của nó cũng thấy mê rồi, nó quyết định đến 80% chất lượng bát bún. Khi ăn bún ốc nguôi bạn không thể bỏ qua nước dấm bỗng, nó có vị chua chua rất khó diễn tả.
Những con ốc dù là ốc to hay nhỏ cũng đều rất dòn, ngọt và theo bác chủ quán khâu chọn ốc lại không quan trọng bằng khâu luộc ốc để cho những con ốc thơm ngon dòn dòn như vậy.
Địa chỉ: Bún Ốc, số 3 Triệu Việt Vương, Hà Nội.
Theo Bưu điện Việt Nam
Theo đuôi :
ADVERTISEMENT