Cậu sinh viên chưa trải nghiệm tình trường đã dại dột mưu tính đến chuyện giải thoát cơn bực tức, ghen tuông bằng một hành vi tiêu cực.  

Khi tôi viết những dòng này thì nhân vật chính trong câu chuyện không còn là cậu sinh viên có gương mặt thoáng nét hiền lành, đẹp trai như ngày nào, mà đã trở thành phạm nhân đang thi hành bản án 14 năm tù về tội giết người. Đó là bi kịch một cuộc tình non dại và sự ghen tuông mù quáng của chàng trai mới ngoài hai mươi tuổi, vẫn còn nông cạn trước tình yêu cuồng nhiệt đắm say.


Vụ cháy trong phòng trọ

Chàng trai vướng vào vòng tố tụng hình sự khi đang khoác áo sinh viên là Trần Thanh Tùng, sinh năm 1989, trú ở thị trấn Hai Riêng, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên. Thời điểm phạm tội Tùng đang học năm thứ hai Trường Cao đẳng xây dựng số 3 ở phố Nguyễn Du, TP.Tuy Hòa. Rời thị trấn miền núi với những buổi sáng bảng lãng sương mù, Tùng xuống phố để học, nhưng trong lòng nôn nao nỗi nhớ út Tuyên (Lê Thị Hà Tuyên – NV) - cô bạn gái có gương mặt khả ái và vóc dáng xinh đẹp. Mỗi tuần một lần, cứ đến ngày chủ nhật, Tùng cầm lái chiếc xe máy do gia đình trang bị để về thăm nhà và người mình yêu.

Một năm sau út Tuyên tốt cũng nghiệp bậc phổ thông trung học. Ngày 12/6/2009, cô con gái hiếu học của một gia đình nông dân ở miền núi xin phép gia đình xuống phố luyện thi, nuôi ước mơ bước vào giảng đường đại học. Biết tin, Tùng không chỉ đón người yêu trong niềm vui thật sự, mà còn tạm nhường lại phòng trọ trong một căn hộ ở hẻm Lý Thường Kiệt, phường 7, thành phố Tuy Hòa cho út Tuyên và người bạn gái Thảo Nguyên trong thời gian 20 ngày. Dù đã tạm dời sang nơi khác lưu trú, nhưng không hiểu vì sao chín ngày sau đó, bất ngờ Tùng trở lại phòng trọ của mình.

Lý giải điều này trong lần gặp tôi tại phiên tòa sơ thẩm, Tùng ấp úng bảo rằng, một phần vì quá yêu út Tuyên, phần vì nghĩ rằng vẻ đẹp của người yêu đã lọt vào tầm mắt của một chàng trai nào đó, nên Tùng trở lại phòng trọ để “canh phòng”. Đêm hôm đó (21/6/2009), tình cờ Tùng nhìn thấy út Tuyên đứng bên ngoài cửa phòng trọ nói chuyện với một người bạn trai nào đó, rất lạ. Bỗng dưng cơn bão lòng trong tâm tưởng của Tùng trỗi dậy. Khi bạn trai  út Tuyên ra về, một cuộc cãi vã gay gắt giữa hai người đã xảy ra. Không ngờ cuộc cãi vã đó chính là ngòi nổ của một vụ trọng án.

Sáng hôm sau Tùng nhìn thấy người yêu biểu lộ nét vẻ hờn dỗi và cố tình lẫn tránh, không nói chuyện với mình nên nỗi nghi ngờ út Tuyên không còn yêu thương mình nổi cộm lên trong suy nghĩ. Cậu sinh viên chưa trải nghiệm tình trường đã dại dột mưu tính đến chuyện giải thoát cơn bực tức, ghen tuông bằng một hành vi tiêu cực.

Mô tả ảnh.
Bị cáo Trần Thanh Tùng trước vành móng ngựa

Tôi nhớ rõ, trước toà Tùng khai báo thành khẩn, rõ ràng và chi tiết khi gây án. Suy nghĩ nông cạn đó thôi thúc Tùng rời phòng trọ, điều khiển xe máy 78F3-8549 đến một cửa hàng kinh doanh xăng dầu phía nam đường Lê Duẫn, phường 6, TP.Tuy Hòa. Một lát sau, cậu sinh viên mang chiếc bầu nhựa có chứa xăng trở về, rồi lặng lẽ cài chốt khóa cửa phòng trọ. Thấy Tùng trút xăng xuống nền nhà, út Tuyên đoán biết có điều chẳng lành sắp xảy ra, nên lao tới ôm Tùng để ngăn cản hành động dại dột của người yêu.

Không ngờ Tùng cầm chiếc bầu nhựa xoay sang phía út Tuyên trút hết phần xăng còn lại xuống hai chân người yêu. Trong cơn hoảng sợ, út Tuyên chạy về phía cửa phòng trọ. Chưa kịp mở chốt cửa để thoát ra ngoài thì chiếc bật lửa ga trên tay của Tùng lóe sáng. Trong cái chớp mắt, ngọn lửa bùng cháy và lan nhanh theo vết xăng đổ trên nền nhà và trên thân thể của cả hai người. Lửa và khói gây choáng ngợp cả gian phòng, khiến út Tuyên ngất xỉu. Còn kẻ đã cố tình gây ra bi kịch cũng bị thương tích, nhưng vẫn gượng sức bước về phía cửa phòng trọ để mở chốt khóa, xốc út Tuyên dậy, kéo ra bên ngoài rồi hô hoán kêu cứu.

Nhìn những vết bỏng trên thân thể cô gái, các y bác sĩ ở Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Yên đã phải lắc đầu lo ngại và tiên lượng khó có thể thoát khỏi nguy kịch. Lập tức nạn nhân được đưa lên ô tô vượt chặng đường hơn nửa ngàn cây số để chuyển tiếp vào Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM và phải trải qua nhiều cuộc phẫu thuật đau đớn. Thương con, người cha là ông Lê Anh Tuấn đã bước vào phòng tiểu phẫu để các bác sĩ lấy da, ghép nối vào các vết bỏng cho út Tuyên.

Lúc đầu nhiều người đã nhầm tưởng nạn nhân bị bỏng do sự cố nổ bình gas mi ni khi nấu cơm trong phòng trọ như tường trình của ai đó để che giấu bi kịch tình yêu. Một tờ báo cũng đã dẫn tin “sự cố” đó trong một bài viết đề cập đến chuyện người cha lóc da cho con, nên nhiều bạn đọc cảm động đóng góp hỗ trợ khá nhiều tiền cứu cánh sinh mệnh của út Tuyên. Với tôi, dù chuyện gì có xảy ra đi chăng nữa thì lòng tốt của mọi người trong xã hội cứu giúp người bị nạn cũng là điều cần thiết, đáng ghi nhận.

Dù thoát chết, nhưng út Tuyên vẫn trở thành người tàn phế khi Trung tâm giám định pháp y tỉnh Phú Yên kết luận nạn nhân bị thương tích với tỷ lệ 69%, còn Trần Thanh Tùng cũng phải vào Bệnh viện Chợ Rẫy cứu chữa vết bỏng và bị thương tích 32%. Khi sức khỏe út Tuyên hồi phục, người mẹ ruột là Lê Thị Lan đã liên lạc điện thoại với Tùng để dò hỏi thực hư. Cuộc đàm thoại đó đã được ghi âm lại, làm chứng cứ tố cáo hành vi phạm tội giết người của Tùng.

Đằng sau bản án

Sau khi bị Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Yên khởi tố, bắt tạm giam, bị can Trần Thanh Tùng nhiều lần phản cung và nại ra rằng mình chỉ đổ xăng xuống nền nhà phòng trọ rồi bật lửa để…đe dọa, nhưng không ngờ út Tuyên lao vào nên bị vạ lây, chứ không chủ định sát hại người yêu (!?). Người nghe nửa tin, nửa ngờ, còn cơ quan điều tra kết luận hành vi của Tùng đã có đủ yếu tố cấu thành tội giết người. Cho tới thời điểm Trần Thanh Tùng đứng sau vành móng ngựa tại phiên tòa sơ thẩm, chi phí điều trị thương tích của út Tuyên đã hơn 240 triệu đồng, nhưng mọi hy vọng nạn nhân có thể sinh hoạt bình thường đã vụt tắt ! Bản án 14 năm tù là hình phạt của TAND tỉnh Phú Yên tuyên xử bị cáo Trần Thanh Tùng về tội danh nêu trên.

Sau phiên xử sơ thẩm, bị cáo đã gửi đơn kháng cáo theo hướng giảm nhẹ hình phạt, trong khi người bị hại một mực kêu đòi cấp phúc thẩm phải tăng nặng mức án đối với Trần Thanh Tùng. Với tư cách là người bào chữa cho bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm, luật sư Nguyễn Hồng Hà – Phó Chủ nhiệm đoàn luật sư tỉnh Khánh Hòa đã tranh luận khi cho rằng cấp sơ thẩm xử phạt bị cáo theo quy định tại khoản 1 điều 93 Bộ luật hình sự 1999 về tội giết người với khung hình phạt từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình là quá nặng. Bởi lẽ Tùng không cố tình thực hiện hành vi phạm tội tới cùng. Sau khi út Tuyên bị bỏng lửa xăng, Tùng đã xốc nạn nhân dậy, kéo ra ngoài và hô hoán kêu cứu, nên chỉ cần xử phạt theo quy định tại khoản 2 với khung hình phạt thấp hơn.

Đồng quan điểm đó, Viện KSND tỉnh Phú Yên đã có quyết định kháng nghị bản án sơ thẩm. Đoạn kết vụ án cũng đã khép lại bằng phiên xử cuối tháng 9-2010 của Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại Đà Nẵng. Quyết định kháng nghị của cơ quan kiểm sát đã bị rút tại tòa, còn nội dung kháng cáo của hai bên bị cáo lẫn bị hại đều không được hội đồng xét xử chấp nhận. Ngoài việc phán quyết y án sơ thẩm, tòa còn buộc bị cáo Trần Thanh Tùng phải bồi thường cho bị hại hơn 220 triệu đồng; trả chi phí nuôi dưỡng, chăm sóc út Tuyên mỗi tháng hơn 1 triệu đồng cho đến khi nạn nhân qua đời.

Là một nhà báo chuyên trách chuyện pháp đình, tôi đã từng bấm hàng trăm kiểu ảnh bị cáo, bị hại, người có quyền và nghĩa vụ liên quan trong các phiên tòa hình sự, nên không lạ lẫm gì trước những tình cảnh gia đình người bị hại bày tỏ thái độ bất bình, kiến nghị tòa án áp dụng hình phạt nghiêm minh kẻ sát nhân, cố ý gây thương tích, thậm chí có người mang theo di ảnh nạn nhân khóc than khiến cho không khí phiên tòa “nóng” lên. Thế nhưng khi có mặt tại phiên xử vụ án này, tôi thật sự xúc động khi chứng kiến hình ảnh chiếc xe ô tô For Transit dừng lại trước sân tòa án.

Hai người bế một cô gái trẻ ra cửa xe, rồi nhẹ nhàng đặt xuống chiếc giường xếp trong tư thế nửa nẳm, nửa ngổi để khiêng vào phòng xử án, đó là út Tuyên. Nhìn út Tuyên nằm trên giường xếp trong tình trạng cơ gân tay, chân co rút, những vết bỏng mới lành vẫn còn ửng đỏ, loang lỗ trên da thịt, không riêng các vị thẩm phán, hội thẩm nhân dân, kiểm sát viên thực hành quyền công tố tại tòa, mà hầu hết những người dự khán đều bày tỏ nỗi xót xa, thương cảm số phận bất hạnh của út Tuyên.

Cách đó chỉ vài ba bước chân là bị cáo Trần Thanh Tùng đứng sau vành móng ngựa trong tâm trạng rối bời, né tránh. Mới ngày nào họ ở cách xa nhau hơn năm chục cây số, nhưng vẫn dành thời gian tìm đến với nhau trong ngày cuối tuần bằng tình cảm chân thành, nồng nhiệt. Còn bây giờ, cự ly giữa họ rất gần, nhưng khoảng cách tình cảm đã xa vời, nhường chỗ cho nỗi đau và nước mắt.

Ba lần tôi đưa ống kính máy ảnh về phía út Tuyên để ghi lại một sự thật đầy đau xót, nhưng cả ba lần tôi đều không bấm máy chỉ vì lo ngại chạm vào nỗi đau của cô gái đó cùng với người thân. Có lẽ nỗi uất ức dồn nén sau những ngày tháng nằm ở bệnh viện đã xô dạt lòng bao dung của cô gái trẻ về một phía, mấy lần út Tuyên chồm dậy nhìn bị cáo bằng ánh mắt ẩn chứa sự oán trách. Chính sự oán trách đó đã giục út Tuyên nói lời đề nghị tòa án xử phạt chung thân người đã yêu mình. Thế nhưng pháp luật không thể phán xử theo ý nguyện của bất kỳ một cá nhân nào…

Khi phiên tòa kết thúc, bị cáo lầm lũi bước lên xe đặc chủng của cảnh sát trở về trại tạm giam, bỏ dở tương lai của một sinh viên và phải đối mặt với chặng thời gian 14 năm tù. Dẫu sao thì Tùng cũng còn có ngày trở về tái hòa nhập cộng đồng, trong khi vết thương trên thân thể và trong tâm hồn của út Tuyên không thể nào xóa được. Bi kịch tình yêu không chỉ khép lại ước mơ bước tới giảng đường đại học của cả hai mà còn cướp mất vóc dáng xinh đẹp ngày nào của cô gái trẻ…

Tôi viết lại câu chuyện này với lòng tin vụ án sẽ là một liều thuốc cần thiết dành cho nhiều bạn trẻ để phòng ngừa bi kịch trước tình yêu non dại.

  • Phan Việt Tường - PhuNuToday

Theo đuôi :

ADVERTISEMENT