"Quá trình nghiên cứu tiểu sử và sinh bệnh học (pathography) của các thiên tài ở mọi thời đại và mọi dân tộc đều dẫn tới kết luận chắc nịch: thiên tài là bẩm sinh" - đó là nhận định của nhà khoa học hàng đầu về gien ở Nga Vladimir Efroimson (1908-1989).
Hình với bóng
Người ta nói rằng, thiên tài và điên dại cũng đều là con chung một nhà, cây chung một cội. Nhiều nghiên cứu của các nhà khoa học về các thiên tài đã dẫn tới những kết luận sau đây:
- Trong số các bậc tiền bối của vĩ nhân đều có dấu hiệu của các chứng bệnh thần kinh ở những mức độ khác nhau;
- Vĩ nhân nào cũng có triệu chứng khủng hoảng thần kinh, từ nhẹ tới nặng;
- Trong số họ hàng gần của các vĩ nhân luôn có ai đó mắc bệnh điên;
- Thông thường trong dòng họ các vĩ nhân luôn có thể phát hiện ra một nét tài năng nổi trội nào đó di truyền từ đời này sang đời khác.
Từ những kết luận trên có thể thấy rằng, yếu tố quyết định trong việc có hay không một vĩ nhân, đó là yếu tố di truyền. Có nhiều thí dụ minh chứng. Napoléon chẳng hạn, ông bị mắc một số dấu hiệu của chứng động kinh. Cha ông là người nghiện rượu, mẹ ông có nhiều tài. Các chị em gái của ông đều là những người sống bạt mạng…
Văn hào Nga Liev Tolstoi cũng hay bị những cơn động kinh bột phát. Trong họ nội nhà ông có rất nhiều người mắc các chứng bệnh tâm thần khác nhau. Họ ngoại lại có nhiều tài năng nghệ thuật và văn học. Thi sĩ Nga Mikhail Lermontov cũng hay mắc những chứng bệnh không ổn định về tâm lý. Cha ông cũng là người bất ổn về thần kinh. Mẹ ông lại là một tâm hồn thơ rất dịu dàng….
Christopher Columbus, Charles Darwin, Vonfgang Goethe. |
Phải được kích thích
Cho tới hôm nay các nhà khoa học vẫn đang rất kiên trì trong những nỗ lực truy tìm gien thiên tài. Nhưng liệu có tồn tại trong thực tế loại gien này không? Có lẽ là không có một gien riêng biệt giúp cho con người trở thành thiên tài. Chỉ có một xác suất rất nhỏ nào đó của sự kết hợp độc nhất vô nhị các loại gien để kích thích những tiền đề tiềm ẩn trong con người để tạo nên một thiên tài. Nhưng thiên tài chỉ có thể "thế thiên hành đạo" được khi gặp những điều kiện thuận lợi.
Vấn đề thiên tài nhìn theo góc độ gien đã từng được nghiên cứu toàn diện và kỹ lưỡng trong các công trình nghiên cứu của nhà gien học Nga hàng đầu và cũng là người hiểu biết rất sâu sắc về lịch sử V. Efroimson. Nghiên cứu tâm lý, sáng tác, cuộc sống và gia phả của một số vĩ nhân, ông đã đi đến kết luận rằng, thiên tài, đó là một trạng thái giáp ranh nào đó giữa "ánh sáng và bóng tối", lưỡi dao lam, biên giới mong manh giữa phá cách và chuẩn mực. Những thí dụ như thế trong lịch sử nhân loại là "hằng hà sa số"!
Cốt lõi trong quan điểm của Efroimson là ở tín điều rằng, những tài năng và thiên tài tiềm năng hay đã được thể hiện rõ thường đều có trong bộ gien của mình những yếu tố kích thích gien nội tại, có thể làm gia tăng đột biến những năng lực tâm lý và trí tuệ của con người. Nhà gien học đã mô tả 4 dạng kích thích sinh học phụ thuộc vào gien:
- nồng độ acid uric cao, dẫn đến bệnh gout (thống phong);
- tỉ lệ hoócmôn sinh dục đực (androgen) cao ở những người phụ nữ mắc hội chứng Morris;
- tỉ lệ catecholamin cao ở những người mắc hội chứng Marfan;
- kích thích định kỳ khả năng lao động trí tuệ ở những người mắc bệnh khủng hoảng tâm lý theo chu kỳ nhẹ.
Có tài, sẽ có… gout!
Phân tích hiện tượng "mặt trời thi ca Nga" Aleksandr Puskin, nhà gien học Efroimson đã nghiên cứu gia phả nhà thơ cho tới đời thứ năm. Theo nhận định của nhà gien học, thiên tài của Puskin phát triển trên cơ sở chứng tâm thần chu kỳ nặng (một dạng tính khí "đồng bóng", tức là buồn vui thay đổi rất bất thường và nhanh chóng) mà ông đã bị di truyền từ cha mẹ.
Những thời điểm bị kích động mạnh thường làm cảm hứng tuôn trào, giúp cho thi nhân sáng tác rất nhanh và có chất lượng. Số phận run rủi khiến Puskin còn bị gia truyền một yếu tố kích thích hoạt động trí não nữa. Nhà thơ bị mắc bệnh gout.
Tỉ lệ acid uric cao trong máu theo tính chất của nó cũng có công dụng tương tự như chất cofein, có tác dụng làm gia tăng năng lực trí tuệ. Thông thường, bệnh gout hoành hành mạnh vào mùa thu và đây cũng chính là thời điểm mà Puskin sáng tác được nhiều nhất.
Trong danh sách các bệnh nhân gout nhưng là những người xuất chúng còn có Christopher Columbus (người tìm ra châu Mỹ); Martin Luther (nhà cải cách tôn giáo người Đức)… Vị Thủ tướng đầu tiên của đế chế Đức Otto von Bismarck cũng như Benjamin Franklin, chính trị gia Mỹ, người có hình trên tờ 100 USD từ năm 1928 cũng đã là bệnh nhân gout.
Trong danh sách này còn có nhà bác học người Italia, Galileo Galilei với câu nói bất hủ: "Dù sao thì trái đất vẫn quay!"; nhà khoa học người Anh vĩ đại Isaak Newton; tác giả thuyết tiến hóa Charles Darwin… Nhiều triết gia như Francis Bacon (người Anh, cha đẻ của chủ nghĩa duy vật Anh và các môn khoa học thực nghiệm hiện đại); Gottfried Leibniz (người Đức nhưng viết chủ yếu bằng tiếng La tinh và tiếng Pháp); Immanuel Kant (người Đức, tác giả của học thuyết "triết học siêu nghiệm") cũng như Arthur Schopenhauer (người Đức) đều là các bệnh nhân gout ở những mức độ khác nhau. Trong danh sách các bệnh nhân gout có khá đông các thi sĩ lừng danh như John Milton (Anh); Wonfgang Goethe (Đức); Tiutchev và Aleksandr Blok (Nga)…
Trong danh sách này còn có danh họa thời Phục hưng Mikenlangelo; hai danh họa người Hà Lan Rembrandt và Rubens; nhạc sĩ thiên tài người Đức Beethoven; danh họa người Pháp Renoir; nhà văn Pháp Guy de Maupassant; nhà văn Nga Turgenev…
Hai vị Sa hoàng Nga lừng lẫy là Boris Gondunov; Piotr Đại đế cũng đều là những bệnh nhân gout. Các nhà sử học Nga cho rằng, nếu nhìn vào thời Piotr Đại đế và cuộc Đại chiến Bắc Âu thời đó thì có thể nói rằng, đấy chính là cuộc đọ sức của ba bệnh nhân gout là vua Thụy Điển Karl XII, Piotr Đại đế cùng đồng minh của ông là August II Mocny.
Trong trận thư hùng dai dẳng này, thủ lợi lớn nhất là nước Nga của Piotr Đại đế. Với thắng lợi trong Đại chiến Bắc Âu, nước Nga từ vị trí dường như tụt hậu cả trăm năm so với Tây Âu đã vươn lên thành một cường quốc. Còn vua Karl XII đã mang lại thảm họa cho đất nước ông: từ một đế quốc hùng mạnh, Thụy Điển bị giảm uy thế rất nhiều, bị mất tất cả đất đai trên lục địa châu Âu. Chính vì ông quá thèm khát sự huy hoàng, vinh dự mà ông đã không thể là một chính khách vĩ đại…
Chân dài thì có tài!
Một thí dụ khác - nhà văn Đan Mạch Hans Christian Andersen. Các nhà nghiên cứu về sáng tác và cuộc sống của "nhà kể chuyện cổ tích vĩ đại" này đều chỉ rõ rằng, trên gương mặt của Andersen có đủ các dấu hiệu của hội chứng Marfan, một dạng thức đặc biệt của bệnh thừa hoócmôn tăng trưởng không cân đối.
Đây là một căn bệnh cũng vào loại hiếm gặp, khoảng một lần trong số 100 nghìn trường hợp trẻ sơ sinh. Những người mắc phải hội chứng Marfan có rất nhiều đặc điểm dị thường - thí dụ như mình ngắn nhưng lại rất cao (chân dài!), tay cũng khều khào và ngón tay cũng dài một cách dị thường, đầu to, gương mặt gầy và mũi khoằm bất thường…
Những người như thế thường tâm lý không ổn định và hay bị những cơn rối loạn sinh học mỗi khi có lượng hoócmôn adrenaline lớn tràn vào máu. Thường những người như thế hay ở trong một trạng thái tâm lý không bình thường. Tuy nhiên, trong một số trường hợp hy hữu, khi có một sự kết hợp gien thích ứng nào đó khác, những người mắc hội chứng Marfan lại có thể là những trí tuệ xuất chúng.
Các dấu hiệu của hội chứng Marfan đã hiển hiện rất rõ ở những tên tuổi lớn như danh cầm Nikolo Paganini, Tổng thống Mỹ thứ 16 Abraham Lincoln, Tổng thống Pháp Charles de Gaulle, nhà văn Nga nổi tiếng chuyên viết sách thiếu nhi Korney Chukovsky… Tất cả những nhân vật này đều có vóc dáng gầy và chân tay dài…
"Xăng pha nhớt" chưa chắc đã dở
Người mắc phải hội chứng Morris thực chất, nói như ngôn ngữ đời thường hiện nay, thuộc dạng "xăng pha nhớt ngược" (ái nam ái nữ), vì đó là một người nữ nhưng lại có bộ gien nam. Ở những người này không có dạ con và cũng không có tinh hoàn nên chắc chắn đó cũng là những người vô sinh, dù có thể họ cũng có một đời sống tình dục tạm gọi là bình thường.
Về thể chất cũng như sự khéo léo, những người thuộc dạng "xăng pha nhớt ngược" vượt lên trên những phụ nữ bình thường tới mức họ hay bị loại ra khỏi các đội tuyển nữ về thể thao. Các chuyên gia sau gần 6 thế kỷ đã đoan chắc rằng, nữ anh hùng người Pháp Jeanne D'Arc (1412-1431) bị mắc phải hội chứng Morris.
Nữ Thánh này trong cuộc chiến tranh trăm năm với "hòn đảo sương mù" đã chỉ huy quân Pháp giành được một số chiến thắng quan trọng. Cô đã bị người Anh bắt giữ, bị tòa án giáo hội xét xử, bị kết tội là phù thủy và bị hỏa thiêu khi chỉ 19 tuổi…
Nhìn kiểu khác
Thiên tài cũng gần đồng nghĩa với khả năng dự báo tương lai. Tất cả những vĩ nhân đều có linh tính mạnh. Nhưng những phút khải huyền chỉ đến với những ai khi nghiên cứu vấn đề nào đó dám dũng cảm đi bằng con đường độc đáo, không truyền thống, nhìn mọi sự từ góc độ khác.
Có khá nhiều thí dụ về chuyện này, liên quan tới những phát minh khoa học lớn của Newton, Boltzmann, Einstein… Phút thần khải tới với các nhà khoa học vĩ đại này khi họ nhìn ra trong những sự việc bình thường quen mắt nhất những ý tưởng bất ngờ
Theo ANTG cuối tháng
Theo đuôi :
ADVERTISEMENT