Ông Mai Quang Tuấn (biệt danh Tuấn “Trắng”) ở phường Đông Hải, quận Hải An, TP.Hải Phòng được nhiều người biết đến là một triệu phú đôla. Nhưng, ít ai biết, con đường làm giàu của Tuấn “Trắng” là do những chú chó mở lối.

Nhiều đại gia ở Việt Nam được biết đến nhờ sở hữu những giống chó thuộc loại khủng của thế giới như ngao tạng, bécgiê, hay giống chó chiến Pitbull khát máu. Nhưng tịnh chẳng thấy một ai giàu vì chó, mà chỉ thấy phần lớn khổ vì sự chơi ngông của mình. Riêng Mai Quang Tuấn có lẽ là một trường hợp ngoại lệ..
Thuần dưỡng “côn đồ”
Hiện nay giống chó chiến Pitbull của Mỹ đang làm dân chơi chó trên khắp thế giới phát cuồng, riêng Việt Nam, theo ước tính của những tay chơi am hiểu thì cũng đã có khoảng 30 con. Ông Mai Quang Tuấn là người mang con Pitbull đầu tiên vào Việt Nam (năm 2003) cho biết: Ngay cả ở Mỹ là quê hương của loài chó này, chúng cũng được quản lý vô cùng nghiêm ngặt. Nếu người nuôi mà không có giấy phép thì khi bị phát hiện sẽ bị phạt tới 25.000USD và ngồi tù 5 tháng.
Nguyên do là giống chó này được liệt vào danh sách nguồn nguy hiểm cao, bởi nó là một “tên côn đồ” thực thụ ở những nơi chúng có mặt, nguy hiểm với cả con người và đồng loại của chúng. Người được phép nuôi loài chó này phải tuân thủ nhiều thủ tục nghiêm ngặt, khi đưa chúng ra đường phải có rọ mõm, dây xích quấn vào tay, và đặc biệt phải có đủ sức lực để kéo chúng ra khỏi những trận chiến đường phố nếu gặp đối thủ.
Ông Mai Quang Tuấn và những chú chó của mình
Lý giải về sự nguy hiểm của loài chó Pitbull, anh Tuấn cho hay, mình đã đọc tài liệu và qua kinh nghiệm nuôi nhiều năm cho thấy giống chó này luôn tồn tại một bản năng hoang dã, hiếu chiến và không biết sợ đối thủ. Nhưng đặc biệt, chúng rất nghe lời và trung thành với chủ...
Tuấn “Trắng” cười hì hì rồi bảo, ở nước ngoài, người ta nuôi dạy chó theo nguyên tắc bài bản, kiểu cho ăn bao nhiêu thịt, bao nhiêu sữa mỗi ngày, rồi tắm rửa, tập thể dục đúng giờ, đúng cách... Nhưng sang Việt Nam, loài chó Pitbull vào tay dân luyện chó như Tuấn thì phải sống kiểu “nhà quê”, dù chó có dữ đến mấy ông cũng thuần dưỡng cho thân thiện với con người.
Chỉ tay vào chú chó tên Lát giống Pitbull mới 11 tháng tuổi đang làm nũng chủ, ông Tuấn nói: “Bình thường nó hiền như một con cún, nhưng khi được lệnh chiến đấu, nó giống như một cảm tử quân, lao vào cắn xé bất kể đối thủ là người, hay chó. Nó tấn công như vậy cho đến lúc nào được lệnh nghỉ hoặc kiệt sức mà chết mới thôi.
Nhiều ông tây đến trại chó của tôi xem, thấy Pitbull không xích, không nhốt chuồng và cũng không rọ mõm... đã đi từ sợ hãi đến kinh ngạc, vì không ngờ giống chó nổi tiếng “côn đồ” này ở nhà tôi lại hiền khô như vậy.
Kinh hãi với chó Pitbull
Theo lời ông Tuấn, đối với giống chó Pitbull, quan trọng là cái uy của người nuôi, làm sao để cho con chó phải thuần phục chủ và nó hiểu được rằng chỉ được hành động những gì chủ cho phép... Để chứng minh cho những điều mình nói, ông Tuấn mời chúng tôi ra xem buổi luyện tập với con Lát. Nó là chú chó hiếu chiến nhất đàn của trại chó chọi nhà Tuấn “Trắng”.
Ông Tuấn cầm một khúc gỗ phóng vù xuống hồ nước, con Lát vẫn bình chân như vại đứng trên bờ. Ông Tuấn vừa ra lệnh “lấy”, nó lao vù xuống nước nhanh như tia chớp, ngoạm vào khúc gỗ dài gấp đôi cơ thể nó rồi kéo lên bờ giao cho chủ.
Đến bài tập thứ 2 là cắn lốp xe, cũng chỉ một câu ra lệnh, con Lát lại lao vào như điên, dùng 2 hàm răng sắc nhọn như hàm cá sấu, ngoạm phầm phập vào chiếc lốp xe, rồi quăng quật, cào xé... Ông Tuấn đã thử độ lì của con Lát bằng cách nhấc bổng chiếc lốp xe lên, nhưng nó vẫn không buông con mồi vô tri vô giác này, mồm vẫn ngoạm chặt và treo cả cơ thể mình lên.
Sau một hồi bị con Lát quần cho mệt lử, ông Tuấn dừng tay bảo: Đối với chó chọi, ngoài chuyện tập võ thì còn phải tập các bài tập liên quan đến thể lực, như: Chạy dài, kéo vật nặng, leo cầu thang vượt chướng ngại vật. Một bài tập cũng vô cùng quan trọng đó là luyện thần kinh cho chó. Nếu con chó thần kinh kém thì dù giỏi đến đâu, khi lên võ đài cũng hoảng loạn bởi tiếng ồn, có khi còn bỏ chạy trước khi bị đối thủ tấn công...
Nói đến đây, ông Tuấn lôi ra bộ “khí cụ” để diễn giải thêm. Khi con Lát lại gần, bất thình lình ông đập mạnh 2 chiếc xủng xoảng vào nhau. Tôi giật bắn mình, nhưng con Lát vẫn đứng im và nhìn chủ chằm chằm trong tư thế đợi lệnh. “Bài huấn luyện này phải đến vài tháng mỗi chú chó chọi mới có thể vượt qua” - ông Tuấn tiết lộ.
Nên cơ nghiệp nhờ chó
Sau khi cùng con Lát luyện tập những miếng võ cho bầy chó chiến của mình xong, ông Tuấn khoe hiện trại chó chiến của ông có 31 con, đủ các loại, từ chó làm việc, bécgiê, chó Phú Quốc, chó Thái Lan… Tính sơ sơ, giá trị đàn chó cũng đến vài trăm ngàn đô. Riêng con Lát mới 11 tháng tuổi đã có người trả 14.000 USD mà ông chưa bán. Vừa rồi bố mẹ con Lát đẻ thêm 6 con nữa và đã có khách đặt mua hết. Nhưng với Tuấn “Trắng”, chó chỉ là bạn chứ không phải là tài sản để định giá. Từ chó, ông đã có vốn để làm ăn, buôn bán.
Đất cát nhà cửa mình có được cũng chỉ là ăn lộc của chó mà thôi, đó là phúc của mình và tôi không thể bạc với những con vật cho mình tất cả được.
Ông kể, hàng ngày ông vẫn làm công việc sản xuất tương ớt để phục vụ chi tiêu trong gia đình, mua thức ăn cho chó, chứ không lấy tiền bán chó để chi tiêu. Tiền bán chó được ông dùng đầu tư vào công việc khác. Trước kia đất đai ở Hải Phòng rẻ, cứ bán được lứa chó nào ông lại gom vào rồi đi mua đất, mà lần nào cũng mua hàng nghìn mét vuông.
Cách đây 10 năm, khi ông bỏ phố xuống khu vực phường Đông Hải này, nhiều người xì xào rằng ông vỡ nợ, phải trốn về chỗ khỉ ho cò gáy này ở. Nhưng bây giờ thì nhiều người trả ông hàng chục tỷ đồng cho mảnh đất đang ở, ông cũng nhất quyết không bán.
“Nếu tính chi li hết những chỗ đất mà tôi mua được từ tiền bán chó, theo giá thị trường thì bây giờ tôi nghĩ mình đang có khoảng 2 triệu đô la. Tôi nghĩ mình chơi chó là lãi ở những chỗ đó, nó giống như một món để dành mà mình không được phép nghĩ tới ngay thì mới còn. Nếu bán chó để lấy tiền ăn tiêu thì sớm muộn cũng phá sản” - ông Tuấn khẽ khàng tâm sự.
Mơ ước của ông Tuấn là sau này, nếu được cơ quan chức năng cho phép, ông sẽ mở một trường chọi chó, như người ta chọi trâu ở Đồ Sơn, hay chọi gà, chọi cá, có bán vé cho người vào xem và các dịch vụ khác. “Lúc đó thì mới thu tiền được từ kinh doanh chó, chứ bây giờ mỗi con chó bán được vài chục nghìn đô cũng không thể gọi là kiếm tiền được từ chó” - ông Tuấn nói.
(Theo VTC News)

Theo đuôi :

ADVERTISEMENT