Sau cuộc đua sắm du thuyền triệu đô, hiện nay, dân chơi nhà giàu tại các nước đang vào cuộc đua mới: du thuyền được đánh giá có đẳng cấp là phải ứng dụng công nghệ mới nhất và lượng khí thải thấp nhất.

Tại Việt Nam, những chiếc du thuyền nhỏ hơn, đẳng cấp thấp hơn nhưng cũng có giá hàng chục tỷ đồng đã lần lượt xuất hiện. Tại TP.HCM, một bến du thuyền với sự tư vấn của chuyên gia nước ngoài cũng đang chuẩn bị xây dựng.
Đã xuất hiện những người Việt Nam đầu tư hàng chục tỷ đồng cho những chiếc du thuyền
Tây chơi du thuyền xanh
Theo tạp chí Economist, trước đây, giá trị của một du thuyền được xem xét qua những tiện ích được trang bị: có phòng tắm hơi, rạp chiếu phim mini, chỗ đáp cho trực thăng hạ cánh... Còn hiện tại, các nhà thiết kế, sản xuất du thuyền đang thiết lập tiêu chuẩn mới: ứng dụng công nghệ sạch và xanh, vận hành mà không cần tiếp thêm nhiên liệu trong một khoảng thời gian nhất định. Một chiếc du thuyền ứng dụng công nghệ xanh phải sử dụng năng lượng mặt trời, hệ thống điện, turbine hơi nước và pin sạc lithium ion.
Du thuyền Paracas 158 của công ty chuyên đóng du thuyền Paracas nổi tiếng thế giới, dài 48m có thể cùng lúc sử dụng tất cả tủ lạnh, máy điều hoà không khí, đèn chiếu sáng và các thiết bị điện tử khác trong một tuần hoặc hơn, mà không cần chạy máy phát điện diesel dự phòng. Với sáu cabin đôi cho khách và bốn cabin đôi cho tổ lái, Paracas có giá khoảng 22 triệu USD. Turanor, du thuyền lớn nhất thế giới chạy hoàn toàn bằng năng lượng mặt trời do Đức chế tạo có giá 17 triệu USD.
Ta cũng chơi thuyền bạc tỷ
Nhận thấy tiềm năng đầy hứa hẹn của Việt Nam, một số nhà môi giới đã chọn Việt Nam để khai thác thị trường cho du thuyền. Ruurd van Putten là một trong số đó.
Từng là thuyền trưởng trên một thuyền buồm 25m, Ruurd có hơn mười năm kinh nghiệm trong ngành công nghiệp du thuyền và là nhà môi giới chuyên nghiệp. Vài năm trước, nhận thấy thị trường Việt Nam “đã sẵn sàng cho sự xuất hiện của những chiếc du thuyền sang trọng”, ông và cộng sự đã lập xưởng đóng các loại tàu thuyền du lịch lớn ngay tại Việt Nam. Ruurd dự kiến trước mắt sẽ sản xuất ba thuyền buồm trong năm nay, một chiếc để cho thuê dịch vụ tại vùng biển Nha Trang, hai chiếc còn lại xuất khẩu, trước khi tính đến việc đóng du thuyền.
Một trong những chủ sở hữu du thuyền gây chú ý là ông Bùi Nguyễn Thế Vinh với chiếc du thuyền King trị giá 20 tỷ đồng. Đây là chiếc du thuyền có vỏ làm bằng composite lớn nhất Việt Nam, do viện Nghiên cứu chế tạo tàu thuỷ thiết kế và đóng. Tàu có chiều dài 28m, rộng 7,5m, cao 10m. Du thuyền này đang được kinh doanh chở khách thăm các tuyến biển đảo ngày và đêm.
Nội thất sang trọng của chiếc du thuyền Majesty 56
Du thuyền là một động sản có giá trị lớn nhưng không giống như siêu xe mất giá ngay từ khi lăn bánh ra khỏi xưởng, một chiếc du thuyền chất lượng tốt ít lo bị mất giá theo thời cuộc. Do vậy, không thể nói một người chơi ngông khi bạo tay chi cả triệu USD cho một chiếc du thuyền. Họ có thể thu lại lợi nhuận từ việc cho thuê du thuyền theo giờ hay các dịch vụ trọn gói. Tại TP.HCM có ít nhất hai du thuyền lớn đang được khai thác theo dạng này.
Các nhà sản xuất du thuyền nước ngoài đánh giá: tại Việt Nam có một nhóm nhỏ khách hàng có đủ khả năng tài chính để mua một chiếc du thuyền dài cỡ 27,4m. Vấn đề là không có nhiều bến bãi để neo đậu những chiếc du thuyền lớn.
Những người đầu tư một dự án nhà ở trên đảo ven sông tại TP.HCM đã tiến hành nghiên cứu thị trường, để xác định số lượng và kích thước các du thuyền của các chủ nhân biệt thự trên đảo dự kiến neo đậu tại đây. Họ kỳ vọng những cư dân ở đây sẽ sở hữu những chiếc du thuyền mới dài tối thiểu 9m.
Tại Việt Nam, chưa có nghiên cứu về tác động của ngành công nghiệp du thuyền đối với nền kinh tế địa phương. Tại Tây Ban Nha, bình quân cứ 1 euro mà chủ du thuyền chi ra tại bến, người đó dành 7 – 9 euro chi cho dịch vụ nhà hàng, mua sắm, khách sạn và du lịch.Vì xác định du thuyền phục vụ cho người tiêu dùng có thu nhập cao, luật quy định mức thuế tiêu thụ đặc biệt là 30% (trừ loại sử dụng cho mục đích kinh doanh vận chuyển hàng hoá, hành khách, khách du lịch). Đây là một trong những rào cản lớn cho những người có ý định sở hữu du thuyền.
Tại Thái Lan, chính phủ chỉ áp thuế VAT 7% với du thuyền, tạo điều kiện để phương tiện này góp phần vào sự phát triển của ngành du lịch và cho những ngành dịch vụ liên quan.
Theo SGTT

Theo đuôi :

ADVERTISEMENT