Đang ngồi trên xe để đến trường, thiếu gia lẳng lặng kéo hai tay áo của mình lên cho thoáng khí. Trên hai vai là hình xăm hai cái đầu lâu vừa xanh, vừa đỏ...
Chuyện đi học và ăn chơi của con 'đại gia'
Thiếu gia ăn chơi và miễn cưỡng đi học. Ảnh minh họa: internet 
Hẳn nhiên, thiếu gia là con của đại gia. Mà đại gia bao giờ cũng được xếp vào hạng... nhiều tiền ít con. Cũng cần khẳng định với bạn đọc rằng, tôi không hề kỳ thị những thiếu gia mặt búng ra sữa với ví tiền luôn dày cộm, bởi đơn giản người ta có quyền tiêu xài tiền của… phụ huynh mình một cách hợp pháp hoặc bất hợp pháp, miễn sao phụ huynh không có ý kiến gì là được.
Trong bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập đến những câu chuyện cười ra nước mắt của những "thiếu gia đeo cặp sách".
Cuộc mặc cả... hình xăm(!)
Thiếu gia đầu tiên đang là học sinh lớp 10 của một trường quốc tế tại TP HCM, thiếu gia có cái tên ngộ ngộ Trần Hoài Bão. Đó là con trai duy nhất của một đại gia trong ngành thu mua nông sản tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là lúa gạo. Nhà thiếu gia có hai kho gạo to vật vã ở Tiền Giang, vài cái đại lý ở TP HCM.
Ngay từ bé, thiếu gia đã được cung phụng. Tất tần tật mọi việc từ bé đến lớn đều có... mẹ thiếu gia lo. Những thứ mẹ thiếu gia không lo được thì người phục vụ sẽ lo. Năm thiếu gia học lớp 6, mẹ thiếu gia đã mua một lúc 2 căn biệt thự liền kề ở quận 8, cử hẳn 3 người giúp việc từ quê lên để phục vụ chuyện ăn học cho thiếu gia tại thành phố. Thời điểm này, thiếu gia không xài tiền mặt.
Thiếu gia đang lơ ngơ trên phố hoặc trong khu mua sắm sang trọng nào đó, thích gì thì cứ việc móc điện thoại gọi về cho mẹ. Mẹ thiếu gia sẽ nhanh chóng gọi điện thoại cho người giúp việc, yêu cầu đến địa điểm thiếu gia đang... đứng để mua món đồ đó cho thiếu gia. Thiếu gia mải chơi quên học, nhưng được cái cứ lần mò mãi thì cũng tốt nghiệp... trung học cơ sở (THCS) leo lên được trung học phổ thông (THPT).
Năm lớp 10, thiếu gia bị "đúp", tức là ở lại. Nhà trường kiên quyết mời thiếu gia ra... khỏi cổng. Mẹ thiếu gia từ quê lên, mang theo hàng đống tiền gõ cửa từ trường này sang trường khác, có trường nhận, trường không. Điều quan trọng nhất là mẹ thiếu gia ngại chuyện học ở trường có kỷ luật nghiêm khắc, thì sợ thiếu gia bị giám thị gõ đầu. Học trường siết chặt bài vở, thì sợ thiếu gia mệt.

Vậy là, thiếu gia được học trường Tây. Bởi, học trường Tây vừa được cái tiếng sang vừa nhẹ nhàng về bài vở. Mà thật tình, có những trường Tây cứ nạp USD vào rồi học sinh muốn làm gì thì làm. Nhà trường còn mải mê chuyện chiêu sinh, nên đâu quan tâm đến chuyện khác.
Thiếu gia vào trường Tây được dăm bữa nửa tháng thì cơn làm biếng lại đến. Vào lớp, thiếu gia toàn ngủ. Mà đã lớp 10, tức là thiếu gia đã được liệt vào lứa... bắt đầu thích xài tiền. Thiếu gia chơi quên đêm ở vũ trường, đi quên ngày ở trung tâm mua sắm. Thiếu gia tập tành tán gái, mà mấy em teen bây giờ, chuyện gì cũng không giỏi trừ chuyện... lang thang đi sắm hàng hiệu. Những chiếc túi xách có giá vài nghìn USD, chiếc quần jeans hiệu vài trăm USD, rồi áo thun và tất dài hình sọc dưa giá vài triệu... Tất cả đều được thiếu gia cung phụng cho bạn gái mình tận tình.
Những khi thiếu gia điện thoại về, yêu cầu mẹ "chỉ đạo" người giúp việc ra trả tiền mua sắm ngày càng nhiều hơn, mẹ thiếu gia sốt ruột lắm, bà không tiếc tiền chỉ sợ con mình hư, giao hết công việc mua bán gạo ở quê cho chồng, bà gọi tài xế nhảy lên xe hơi chạy một mạch lên Sài Gòn để giữ con. Vừa đến nhà, thiếu gia đã mỉm cười đòi bà mua cho chiếc bông tai kim cương có giá 5 nghìn USD để đeo bên tai phải cho sành điệu. Món quà diện kiến của hai mẹ con thiếu gia chỉ đơn giản vậy(!).
Mẹ thiếu gia kèm thiếu gia rất chặt. Bà theo tài xế đưa thiếu gia đến trường, ngồi cùng tài xế đưa thiếu gia về nhà. Thiếu gia bị giám sát như tội phạm, thiếu gia bực mình lắm nhưng chẳng biết làm sao. Một ngày, khi đang ngồi trên xe để đến trường, thiếu gia lẳng lặng như vô tình khi kéo hai tay áo của mình lên cho thoáng khí. Trên hai vai của thiếu gia là hình xăm hai cái đầu lâu vừa xanh vừa đỏ, phía trên đầu lâu còn tỏa khói vằn vện...
Mẹ thiếu gia thấy hai hình xăm trên vai thiếu gia thì hoảng lắm, bà chì chiết, rồi bà năn nỉ, khóc lóc, rồi bà xuống nước... bà làm đủ mọi thứ chỉ với một mong muốn duy nhất, thiếu gia chịu đi thẩm mỹ viện xóa hai hình xăm. Bà nói, nhà mình nhà kinh doanh, con xăm hai cái đầu lâu như vậy muốn nhà mình mạt à. Nhà mình mà mạt, thì liệu con có được là quý tử nữa không(?!).

Đáp lời mẹ, thiếu gia chỉ nhìn ngang rồi nói chậm rãi, xóa hình xăm bây giờ đắt tiền lắm, xóa hai hình trên vai thiếu gia giá cỡ 10.000 USD, chịu thì chi tiền, không chịu thì thôi. Như chết đuối vớ phải cọc, mẹ thiếu gia lập tức mở ví rút xoẹt 10.000 USD đưa cho thiếu gia đi... xóa hình xăm để làm người đàng hoàng.
Cầm tiền của mẹ, có đi xóa hình xăm hay không thì không biết, chỉ biết thiếu gia từ đó không vén vai áo đột ngột nữa. Hơn 2 tháng sau, thiếu gia thỏ thẻ với mẹ rằng, thiếu gia muốn có xe hơi và tài xế riêng, vì đi ké xe hơi của mẹ hoài, bạn bè thấy nên chọc ghẹo làm thiếu gia quê, thiếu gia không tập trung học hành được.
Với yêu cầu này của thiếu gia, mẹ của thiếu gia phản ứng rất quyết liệt. Bà bảo nhà thiếu gia không phải là xưởng in tiền để thiếu gia muốn làm gì thì làm, thiếu gia tốt nghiệp cấp III đi, rồi thiếu gia muốn xe hơi có xe hơi, muốn du học có nhà bên đó đợi thiếu gia qua, chứ giờ thiếu gia chỉ mới học lớp 10, mà có xe hơi thì nhất định không được.
Mẹ phản ứng quyết liệt, thiếu gia cũng phản ứng không kém. Thiếu gia lật con bài tẩy của mình, phán với mẹ rằng, nếu bà không cho thiếu gia xe hơi và tài xế riêng, thiếu gia sẽ xăm hàng chục cái đầu lâu lên người, rồi thiếu gia sẽ cởi trần trùng trục đi lang thang khắp hang cùng ngõ hẻm cho mẹ thiếu gia xấu hổ, cho nhà thiếu gia lụn bại...
Cực chẳng đã, mẹ thiếu gia đành phải sắm cho thiếu gia cái Yaris trị giá hơn 600 triệu, thuê thêm một tài xế riêng trả lương gần 5 triệu/tháng để thiếu gia... không xăm và yên tâm học hành. Mà nghe đâu thì trường Tây đã tiễn thiếu gia về ngôi trường Tây khác, vì một thầy giáo người Thổ Nhĩ Kỳ không chịu đựng được chuyện thiếu gia suốt ngày ngủ gật trong lớp học.
Thiếu gia tên là Hoài Bão, và không biết giấc mơ nào đang đợi thiếu gia ở thì tương lai đây(?!).
Sáng đi audi, chiều ngồi xe "xịn"
Thiếu gia khác có tên là Toàn "hủ tiếu", thiếu gia là con của một đại gia buôn bán bất động sản, có tên cũng bắt đầu bằng chữ cái T. Tầm kinh doanh của đại gia T. đã vượt khỏi phạm vi mua bán vài căn biệt thự hoặc mảnh đất lẻ tẻ, đại gia đã kinh doanh đất theo dạng mua một lúc là mua gần hết... nửa con đường. Đại gia chỉ có một cậu con trai, nên đại gia cưng lắm. Toàn ngay từ bé đã muốn gì được nấy, có điều lạ là Toàn chỉ thích ăn hủ thiếu thịt băm, tuyệt đối không ăn cơm. Lâu dần người ta gọi thiếu gia là Toàn "hủ tiếu".
Thiếu gia từng làm bạn bè ở trường THCS của mình sốc khi vét trong túi ra hàng chục tờ 100 USD để khẳng định mình không có tiền Việt. Thời bạn bè thiếu gia, cũng là quý tử của những gia đình có tiền đang hí hoáy với điện thoại Nokia, thì thiếu gia đã có Iphone, thời công chức mang laptop nặng đến trĩu vai thì thiếu gia đã có cái netbook giá hơn 4.000 USD để nghe nhạc. Tất cả những gì thiếu gia đang sở hữu đều thuộc dạng level (đẳng cấp) cao so với bạn bè, thiếu gia luôn chiếm được ánh mắt ngưỡng mộ của các bạn gái trong trường kèm theo cái nhìn ganh tị của các quý tử khác.
Chuyện đi học và ăn chơi của con 'đại gia'
Thiếu gia cặp sách có những kiểu phục sức đố ai hiểu được. 
Tốt nghiệp THCS, con thiếu gia được bố đại gia cho đi Mỹ học THPT. Thiếu gia đi Mỹ học, chuyện tiền không phải là vấn đề lớn, cái chính là hình như bên đó không có hủ tiếu thịt băm cho thiếu gia ăn. Nhà thiếu gia phải đặt hủ tiếu kèm theo gia vị sấy khô, đúng chuẩn mà thiếu gia thích ăn để thiếu gia mang đi ăn dần. Không biết chương trình học bên đó nặng nề hay khí hậu, thổ nhưỡng không hợp, nên mới sang hơn 3 tháng thì thiếu gia đòi về Việt Nam bằng được. Lệnh của thiếu gia không thua lệnh thái tử, thiếu gia muốn đi là đi, muốn về là về, nhẹ tênh.
Cũng có chuyện xin kể nốt, đối với những người lắm tiền như thiếu gia, đi Mỹ học không phải là chuyện quá khó. Chỉ cần xem khối tài sản mà gia đình của thiếu gia sở hữu, người phỏng vấn thiếu gia sẽ hỏi những câu đại loại như: "Mày tên gì?", "Ba mày làm gì?", "Mày có dự tính sẽ định cư ở Mỹ luôn không?"... và đồng ý cho đi. Còn đối với những người ít tiền, muốn thông qua hình thức du học để kiếm đường định cư sang bên đấy thì... quên nhanh đi cho đỡ mất tiền phí(!).
Trở về Việt Nam, thiếu gia cũng được học trường Tây. Ba tháng ở nước ngoài, khiến thiếu gia thành con người khác. Thiếu gia chê chiếc Camry mà đại gia cho người đưa đón mình mỗi ngày là đồ... xe lam hoặc xe ba bánh. Giờ không ai đi Camry nữa, người ta phải đi Audi, đi Mercedes thì mới ra dáng kinh doanh. Mà thiếu gia cũng thích ngồi trên những chiếc xe ấy đi học, còn giả như cứ đi Camry, thiếu gia nghỉ ở nhà ăn hủ tiếu coi phim bộ Hồng Công còn thích hơn. Chiều con, đại gia cũng sắm Audi màu trắng đưa con đi học.
Ngày đầu ngồi trên Audi, thiếu gia cười nói huyên thuyên như chim sáo đến mùa tìm bạn. Ngày thứ hai cũng thế, ngày thứ ba cũng vậy... nhưng đến ngày thứ tư thì thiếu gia bắt đầu so sánh: “Thằng đầu đinh mặt tròn trong trường con sáng đi xe hơi này, chiều đi xe hơi kia, bước vô lớp cứ nghênh nghênh ngang ngang. Nhìn nó con thấy nhục không chịu được. Thôi con nghỉ học cho nó lành(!)”.
Vậy là để thiếu gia không nhục, đại gia buộc lòng phải sắm thêm cái Mercedes màu đen. Từ đó, sáng tài xế chở thiếu gia đi học bằng Audi trắng, trưa tài xế đón thiếu gia về bằng Mercedes đen, tối thiếu gia đi học phụ đạo bằng cái Camry mà thiếu gia coi như... xe ba bánh.
Thiếu gia đang tuổi lỡ cỡ giữa người lớn và trẻ con, nên thiếu gia cũng tập tành chuyện yêu đương. Thiếu gia yêu cô sinh viên năm nhất của Trường đại học Kinh tế. Chuyện chênh lệch tuổi tác được thiếu gia san lấp bằng những món quà sang trọng được "bắn" tới tấp đến cô sinh viên năm nhất này. Người ta nói cấm sai, cái gì không mua được bằng tiền thì sẽ mua được bằng... nhiều tiền hơn. Cô sinh viên này đồng ý làm người yêu của thiếu gia.
Sinh nhật người yêu, thiếu gia đặt tiệc tại một nhà hàng trên đường Võ Văn Tần, nơi rất nổi tiếng trong giới làm báo tại Sài Gòn. Thiếu gia bao trọn gói nhà hàng suốt một đêm, yêu cầu nhân viên phục vụ cũng áo dài khăn đóng đứng tận ngoài vỉa hè đón thiếu gia và bạn gái. Mọi thứ hoành tráng đến mức chẳng khác một đám cưới là mấy...

Yêu bạn gái hết mình là vậy, nhưng cuối cùng cô sinh viên cũng chia tay với thiếu gia để chạy theo một mối tình mới. Lý do chia tay hết sức lãng xẹt - "Thằng đó còn con nít thấy mồ". Thiếu gia thất tình, thiếu gia vừa buồn vừa giận, nhưng biết phải làm sao(!). Vậy là có những thứ, thiếu gia không thể mua được bằng tiền của... bố mình.
Viết đến đây, tôi bỗng nhớ một thiếu gia khác con của một ông chủ trong ngành kinh doanh sách ở quận 10. Thiếu gia này mới học lớp 8, được cả gia đình cưng như trứng mỏng. Thiếu gia muốn gì được đấy, nhưng thiếu gia muốn nghỉ học ở nhà chơi lông bông thì gia đình không cho. Vậy là, cứ mỗi lần đến giờ đi học, cả nhà xúm vào năn nỉ thiếu gia thay đồng phục để tài xế đưa đến trường.
Mỗi lần năn nỉ là mỗi lần thiếu gia bực bội, bực bội thiếu gia sẽ văng tục và luôn kèm theo lời cảnh báo: "Tui nói rồi à nha. Tui đi học hôm nay là bữa cuối à. Người ta đã không thích đi học mà sao cứ ép người ta hoài vậy. Ép hoài, người ta điên lên người ta đi... bụi rồi đừng có ở đó mà khóc"...
 Tiếng lầm bầm nghe đến nao lòng !


Theo Công an Nhân dân

Theo đuôi :

ADVERTISEMENT