Phát triền ngành nghề, nâng cao đời sống cho người dân là chủ trương đúng đắn của chính quyền xã Hoà Bình (Thường Tín, Hà Nội). Thế nhưng mặt trái của làng nghề truyền thống chế biến xương, sừng, da trâu bò tại đây là tình trạng ô nhiễm môi trường.
 
Mới đến đầu làng đã thấy thối. Thối từ trong bốc ra, từ ngoài tạt vào. Nắng khiến cái thối càng thêm cay mù đến tức thở. Đây không những là vấn đề băn khoăn, lo lắng của người dân mà còn đặt ra cho cấp ủy, chính quyền xã phải tìm lời giải cho "bài toán" môi trường.
Hồi sinh làng nghề truyền thống
Từ lâu, Thụy Ứng đã nổi danh bằng nghề chế biến sản phẩm mỹ nghệ bằng xương, sừng. Một số hộ dân còn tận dụng học thêm nghề khác để có thu nhập nhiều hơn như chế biến da trâu, bò, lợn hay tận dụng xương để chế biến thức ăn gia súc. Công bằng mà nói không ít nhà đã nhờ đó mà giàu lên nhanh chóng.
Làng hiện có khoảng 800 hộ, với trên 3.000 nhân khẩu thì có trên 80% số hộ chuyên sản xuất đồ mỹ nghệ bằng sừng và 10 hộ chuyên buôn bán da trâu, bò. Để phục vụ nguyên liệu cho hơn 600 hộ gia đình sản xuất lược và các mặt hàng mỹ nghệ, hằng tháng các lái buôn phải chở về làng hàng vạn chiếc móng, sừng trâu bò từ khắp mọi miền đất nước, trong đó không ít sừng được nhập khấu từ Lào, Campuchia và châu Phi.
Mặt hàng đầu bò hiện đang rất được ưa chuộng làm vật trang trí, quà mừng tân gia. Để tạo được một chiếc đầu bỏ giả, đầu tiên phải làm một khung xương mặt bò bằng gỗ, sau đó đắp da mặt bò đã thuộc lên, tiếp đến là gắn mắt bò  thủy tinh. Công đoạn cuối cùng là gắn cặp sừng châu Phi đã qua làm đẹp và đánh bóng. Mặt bò giả giống hệt mặt bò thật, thậm chí còn sinh động hơn, đẹp hơn nhờ cặp sừng bò châu Phi trong và bóng loáng.
Ông Nguyễn Văn Kiến, 70 tuổi, hiện là người duy nhất trong làng có thể làm được vài chục mặt hàng mỹ nghệ nổi tiếng từ sừng và móng trâu bò, trong đó có những mặt hàng vô cùng độc đáo và tinh xảo như rồng, công, phượng, đại bàng, rùa... Chế tác một con rồng dài cỡ 2 m mất khoảng một tháng rưỡi đến hai tháng nhưng đó là niềm say mê lớn nhất trong cuộc đời làm nghề của mình, nên hễ cầm mảnh sừng lên ông Kiến lại nghĩ ngay đến rồng và có thể chuốt ngay một bộ phận nào đó của con rồng.
Không chỉ dùng làm quà lưu niệm, vật trang trí, trưng bày, những con giống làm từ sừng còn có giá trị sử dụng. Một con cua, con rùa làm bằng sừng nếu để trưng bày sẽ rất đẹp và sinh động, nhưng khi mở nắp bụng ra lại có chức năng là chiếc gạt tàn thuốc lá. Đồ trang trí bằng sừng trâu cũng có chức năng cản gió rất tốt.
Theo đúc kết của các cụ, nếu sừng tê giác cản gió được 100 lần thì sừng trâu cản được 10 lần. Trước kia, các sản phẩm mỹ nghệ chủ yếu được làm từ sừng thì nay đã có thể dùng thêm nguyên liệu là móng trâu, bò. Qua bàn tay khéo léo của người thợ, mọi thứ tưởng vô nghĩa đều trở nên có nghĩa, đều đẹp và sáng bóng như nhau, không thể phân biệt được đâu là sừng và đâu là móng nữa.
Bài toán môi trường
Hiệu quả kinh tế đã rõ, nhưng xét từ góc độ môi trường thì làng nghề chế biến xương sừng, da trâu bò đã và đang gây ảnh hưởng xấu đối với đời sống người dân. Ngay đầu làng là một vùng ngập nước xú uế, rác thải và bụi.
Nước ao đen, bùn sủi lên với những đống xương ngâm vây quanh là ruồi muỗi... Hầu hết, sinh vật ở các ao trong làng đều chết vì nước quá bẩn, mà nguyên nhân gây ô nhiễm chính là các chất hữu cơ bị phân hủy từ việc ngâm xương, sừng và nước tẩy rửa từ các gia đình làm nghề.
Cũng chẳng khó để tìm ra nguyên nhân vì sao khắp đường làng, ngõ xóm lại hôi tanh đến như vậy. Những chiếc xe tải cỡ lớn chở đầy da trâu bò dừng, đỗ hai bên đường chưa kịp bốc dỡ; những căn nhà chất ngất đủ loại da đang ướp muối hoặc nằm chờ chưa kịp ướp; nước thải chưa qua xử lý từ việc ướp da, đun nấu sừng và móng trâu bò phục vụ nghề thủ công mỹ nghệ tràn phứa ra cống rãnh hoặc ao làng... kết lại thành "mùi hương" đặc trưng, mà chỉ ở đây mới có.
Cùng với nguồn nước, rác thải cũng là vấn đề gây ô nhiễm, đâu cũng thấy rác, rác ở ao, ngõ xóm, cống rãnh, bờ mương. Đấy là chưa kể một lượng bụi khá lớn bay ra từ các điểm sản xuất trong làng. Bên cạnh những người thợ mài, dũa, chà sừng luôn có chiếc quạt thổi bụi. Dĩ nhiên toàn bộ lượng bụi thải ra đường, bụi phủ trắng trên các mái nhà, lối đi, bể nước ăn... Có thể nói mức ô nhiễm môi trường ở đây đã đến mức báo động, sức khỏe người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Ông Vũ Văn Đang - Phó chủ tịch UBND xã. ông Đang cho biết: "UBND xã đã nghĩ tới dự án quy hoạch các hộ dân làm nghề chế biến xương, sừng, da trâu, bò tập trung vào một khu vực xa khu dân cư để tránh gây ô nhiễm. Quy hoạch dự án được trình lên cấp trên cho phép xây dựng cụm, điểm công nghiệp làng nghề với diện tích 3 ha, nằm ở phía nam xã. UBND xã còn lập kế hoạch xin lập dự án xử lý nước thải. Mức đầu tư là 1,6 tỷ đồng, theo vốn đối ứng (30% của nhân dân và 70% của nhà nước)".
"Theo đó, sẽ có các hạng mục công trình như: kênh dẫn nước thải, trạm xử lý nước, ao sinh học, hệ thống hút bụi sừng và xử lý làm phân bón ruộng. Nhưng đến nay cả hai dự án này vẫn chưa thấy "động tĩnh "gì".
Hòa Bình đang cần một quy hoạch tổng thể, hoàn chỉnh cho công tác cải tạo môi trường. Ngoài sự nỗ lực của Đảng uỷ, chính quyền xã thì rất cần sự quan tâm vào cuộc của các cấp, ngành chức năng với ý thức của mỗi người dân. Việc cần làm ngay là người dân phải có ý thức thu gom xử lý rác thải: nguồn nước ô nhiễm cần có giải pháp xử lý trước khi đưa vào kênh mương thải.
Theo Nguoiduatin

Theo đuôi :

ADVERTISEMENT