Chị B. khổ sở vì chứng động kinh suốt 20 năm nay, gần đây mới biết chị không bị động kinh mà có ấu trùng sán trong não.Thường xuyên bị đau đầu và lên cơn động kinh, chị B., 30 tuổi, ở Bắc Ninh được chẩn đoán mắc bệnh động kinh. Cuộc chiến chống lại căn bệnh này của chị  kéo dài đến 20 năm nhưng bệnh tình không hề giảm. Cách đây một tuần đi khám tại bệnh viện tỉnh, chị được chỉ định chụp cộng hưởng từ. Kết quả hoàn toàn bất ngờ, chị không bị bệnh động kinh mà bị nhiễm ấu trùng sán lợn. Ngay lập tức bệnh nhân được chuyển lên Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng trung ương để điều trị.

Bác sĩ Nguyễn Thị Nhật Lệ, Phó trưởng khoa Khám bệnh chuyên ngành, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng trung ương, cho biết bệnh nhân nhiễm ấu trùng sán lợn thường có triệu chứng co giật, động kinh hoặc liệt nửa người. Chính những biểu hiện này khiến nhiều trường hợp bị chẩn đoán nhầm mắc bệnh động kinh hoặc trường hợp bị liệt lại được chẩn đoán do tai biến mạch máu não.


Ăn tiết canh là một yếu tố gây nhiễm sán lợn.


Hiện nay, số bệnh nhân nhiễm ấu trùng sán lợn chiếm 50% số bệnh nhân điều trị tại Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng trung ương. Điều đáng lo ngại là các bệnh nhân thường được phát hiện muộn và chẩn đoán nhầm sang bệnh khác. Trong khi đó, trường hợp ấu trùng sán lợn tồn tại trong não quá lâu dù có tiêu diệt hết vẫn dễ gây hiện tượng vôi hóa trong não. Khi đó, bệnh nhân rất dễ bị các di chứng nặng nề như liệt người hoặc bị động kinh mà không thể chữa khỏi.


Bác sĩ Lệ khuyến cáo, những người có tiền sử hay ăn tiết canh, nem thính, chạo… nếu có biểu hiện đau đầu, giảm trí nhớ, động kinh, liệt nửa người hoặc xuất hiện các u nhỏ bằng hạt lạc dưới da thì nên đi khám, chụp cộng hưởng từ hoặc CT não để được phát hiện và điều trị sớm.
Theo Đất Mẹ

Theo đuôi :

ADVERTISEMENT