Bận rộn làm ăn, nhiều phụ huynh không có thời gian đành phó mặc việc chăm sóc con cái cho người giúp việc. Mãi đến khi thấy con bị nhiễm những thói hư tật xấu của osin cha mẹ mới hoảng hồn, cuống cuồng tìm cách cứu vớt.
Con bắt chước người câm
Gia đình chị Thủy, ngụ tại đường Huỳnh Văn Bánh, quận Phú Nhuận, TP.HCM đang khóc dở, mếu dở bởi con bị tập nhiễm thói quen xấu từ nơi giữ trẻ.
Chị Thủy là bác sĩ, còn chồng làm giảng viên đại học. Cả 2 vợ chồng đều bận đi làm, quê nội ngoại ở xa nên phải đem đứa con gái mới 2 tuổi đi gửi tư từ sáng đến chiều mới đón về.
Gia đình nơi chị Thủy gửi con nhận giữ 5 bé. Thấy số trẻ ở đó ít mà có tới 2 người trông, nhà cửa lại sạch sẽ nên chị yên tâm lắm.
Được 2 tháng, tự dưng một buổi tối về sớm, ngồi chơi với con chị phát hiện bé có những biểu hiện rất lạ.
“Cháu cứ nắm tay đưa lên miệng rồi ngửa cổ ra. Tôi hỏi con muốn gì nhưng cháu không nói. Mãi tôi mới biết là cháu đòi uống nước. Không chỉ thế, lúc đói bụng muốn ăn cháu không nói mà cứ chỉ tay vào bụng”.
Tìm hiểu mãi chị Thủy phát hiện gia đình đang nhận trông con mình có một người con trai bị câm. Đôi khi cậu thanh niên câm cũng phụ mẹ giữ trẻ nên em bé đã bị ảnh hưởng, bắt chước hành động ra dấu bằng tay.
Bỗng dưng con nói ngọng, chửi thề
Không chỉ riêng gia đình chị Thủy mà nhà anh Quân, ngụ tại đường Hoàng Diệu, quận 4, TP.HCM cũng khốn khổ vì con…bắt chước bà vú.
Vợ chồng anh Quân hiện đang là nhân viên kế toán ở một công ty kinh doanh điện máy. Khi vợ sinh đứa con trai đầu lòng anh Quân được người nhà giới thiệu cho một bà giúp việc tên Hoan, quê ở ngoại thành Hà Nội.
Bà giúp việc gần 50 tuổi, chưa lập gia đình lại có kinh nghiệm chăm sóc trẻ nên vợ chồng anh Quân rất vừa ý.
Tính đến nay bà Hoan ở với nhà anh Quân đã được 4 năm. Bà không chỉ chịu trách nhiệm cho con của anh Quân ăn mà còn chơi chung với em bé. Ngay cả lúc đi siêu thị mua thức ăn bà Hoan cũng đem luôn bé đi theo.
Gắn bó với bà Hoan từ lúc lọt lòng nên con trai anh Quân đeo người giúp việc hơn mẹ. Tối em bé không chịu ngủ với bố mẹ mà chạy sang ngủ luôn cùng bà vú.

5 năm đầu đời rất quan trọng trong việc hình hành nhân cách của trẻ. (Ảnh minh họa).

Mọi chuyện diễn ra bình thường cho tới hôm anh Quân giật mình khi nghe con trò chuyện: “Ba ơi, ba nấy giúp con đồ chơi ở troong phoòng. Mẹ để đồ chơi trên noóc tủ nên con nấy không được”.
Anh Quân than thở: “Thế có chết không chứ lại, thằng bé bắt chước y chang giọng nói của bà giúp việc. Ở quê nguyên cả làng của bà ấy nói ngọng như thế. Tôi và mẹ nó đều nói giọng TP.HCM chứ có ngọng nghịu gì đâu”.
Một trường hợp cũng rối như tơ vò vì con học theo osin là gia đình anh Đức ngụ tại quận 2.
Vợ chồng anh có cửa tiệm bán vật liệu xây dựng trên đường Trần Não. Do tối ngày bận rộn kinh doanh nên cậu con trai 3 tuổi của anh chị ở nhà với cô giúp việc.
Cô giúp việc nhà anh Đức quê miền Tây, mới 22 tuổi, được giới thiệu đến qua trung tâm môi giới việc làm. Tuy nhiên, mới được 1 tháng anh Đức đã phải cho cô osin trẻ nghỉ việc ngay lập tức. Anh phát hiện con trai mình bỗng nhiên học ở đâu hành động lấy tăm ngoáy tai, không chỉ thế bé còn nhổ nước bọt bừa bãi và…chửi thề.
“Trong nhà có một mình cô giúp việc với thằng bé, 2 vợ chồng tôi đi làm tối ngày. Từ khi có người làm con trai tôi mới hành động như thế, thử hỏi không phải tại giúp việc thì còn tại ai? Thời buổi này không có osin thì chết, mình còn phải đi làm kiếm sống, sao mà ở nhà ôm con được. Khổ nỗi đa số người giúp việc có trình độ văn hóa thấp, thiếu hiểu biết nên rất dễ làm hư con mình” – anh Đức thở dài thườn thượt.
Người chăm sóc trẻ phải gương mẫu
Bác sĩ Phạm Ngọc Thanh – Trưởng đơn vị Tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM cho biết từ trước đến nay các phụ huynh đến để được tư vấn về việc con cái bị người giúp việc làm hư không hề ít.
Trong 5 năm đầu đời, trẻ chưa biết nhận thức đúng sai, giai đoạn này rất quan trọng trong việc hình thành nhân cách của trẻ. Chính vì vậy, nếu người chăm sóc trẻ không gương mẫu sẽ làm ảnh hưởng đến nhân cách suốt cuộc đời trẻ sau này.
Bác sĩ Thanh khuyên: “Vì hoàn cảnh sống mà cha mẹ phải thuê người giúp việc trông nom con. Tuy nhiên, dù bận đến đâu cha mẹ vẫn phải giành tối thiểu 1 tiếng đồng hồ mỗi ngày để chơi chung và trò chuyện cùng con cái. Ngoài ra, trước khi thuê người giúp việc, cha mẹ phải lựa chọn thật kỹ, tránh thuê những người bị câm, điếc, tật nguyền, để họ chăm sóc trẻ sẽ rất nguy hiểm, chưa kể đến việc bé bắt chước cách giao tiếp của họ.
Nếu phát hiện người giúp việc không đúng trong lối sống mà vì kẹt cùng chưa có người thay thì phụ huynh phải chỉnh đốn, yêu cầu họ sửa chữa ngay. Riêng bản thân cha mẹ cũng phải làm gương cho con cái bởi trẻ rất dễ bắt chước những gì diễn ra trước mắt chúng”.
Theo VietNamNet

Theo đuôi :

ADVERTISEMENT