Những người yêu thiên văn, đặc biệt là giới trẻ cả nước đang hào hứng chuẩn bị cho sự kiện nguyệt thực toàn phần được đánh giá là dài nhất thế kỷ diễn ra từ đêm mai.
 >> Sắp diễn ra nguyệt thực dài nhất thế kỷ 21
Cùng với thế giới, trên khắp các diễn đàn dành cho người yêu thiên văn Việt Nam, sự kiện nguyệt thực toàn phần sẽ diễn ra từ đêm 15, rạng sáng 16/6 đang là đề tài nóng hổi, thu hút rất đông người quan tâm.
Ông Đặng Vũ Tuấn Sơn, CLB Thiên văn học trẻ Việt Nam - VACA đưa ra thông tin cụ thể về sự kiện thiên nhên hiếm gặp này: Tại Việt Nam, từ 0h24 ngày 16/6, nguyệt thực nửa tối bắt đầu (Mặt Trăng chuyển sang màu đỏ nhạt). Đến 01h22 sáng 16/6, bắt đầu nguyệt thực một phần (một phần chuyển sang đỏ sẫm, tối). Từ 2h22 hiện tượng nguyệt thực toàn phần sẽ bắt đầu diễn ra (toàn bộ Mặt Trăng thành đỏ sẫm, tối). Đến 4h02 nguyệt thực toàn phần kết thúc và lại chuyển về giai đoạn một phần. Hiện tượng nguyệt thực nửa tối còn lại sẽ kéo dài đến 6h sáng. Tuy nhiên, lúc này trời đã sáng rõ và chúng ta không thể quan sát giai đoạn này.
 
Háo hức chuẩn bị xem nguyệt thực. (Ảnh: CTV)
 
“Để ngắm được trọn vẹn hiện tượng thiên nhên kỳ thú này, cách đây nhiều ngày, em và khoảng 20 người bạn khác đã xin phép gia đình chuẩn bị cho chuyến dã ngoại ở ngoại thành. Khu vực được chọn lựa khá rộng rãi, không bị các nhà cao tầng trong thành phố che khuất tầm nhìn và rất thơ mộng. Chuyến đi này hứa hẹn để lại nhiều kỷ niệm” - Lê Than Minh, sinh viên ĐH Hà Nội, kể về sự chuẩn bị chu đáo cho dịp ngắm nguyệt thực lần này.
Nhằm chuẩn bị cho đêm dã ngoại, nhóm bạn của Minh đã chuẩn bị khá kỹ lưỡng như thuê lều trại, thực phẩm, nước uống và tất nhiên không thể thiếu các thiết bị hiện đại như ống nhòm, máy ảnh để ghi lại khoảnh khắc ngưỡng mặt trăng bị “nuốt” dần.
Những  người yêu thiên văn tại TP Hồ Chí Minh cũng đã lên kế hoạch kỹ lưỡng cho chuyến dã ngoại lý thú vào đêm mai. Tại Đà Nẵng, các bạn trẻ tại CLB Thiên văn Bách Khoa cũng đã hoàn tất chương trình quan sát nguyệt thực với sự tham gia của vài chục thành viên.
Thiết bị chuyên dụng giúp quá trình quan sát thêm hấp dẫn. (Ảnh: CTV)
 
Các bạn trẻ cũng nhận được những lời khuyên thiết thực của anh Nguyễn Minh Hiền, chủ nhiệm CLB như: Chuẩn bị kem chống muỗi, áo chống lạnh về đêm, đèn pin để soi đường trong những lúc cần thiết, áo mưa và đặc biệt là giấy tờ tùy thân.
 
“Đối với những nhóm bạn trẻ lựa chọn dã ngoại ở khu vực ngoại thành cũng cần lưu ý đảm bảo an toàn cho bản thân. Dù là nhóm đông người cũng không nên đến những khu vực xa dân cư, quá trống trải. Bởi với địa hình nguy hiểm như vậy vào ban đêm, không ai có thể dám chắc không xảy ra nguy hiểm, do những kẻ xấu gây ra hoặc tai nạn do chưa quen địa hình”- Chuyên gia đưa ra lời cảnh báo.
 
Ông Đặng Vũ Tuấn Sơn khẳng định, thực tế bằng mắt thường, mọi người cũng có thể quan sát được hiện tượng nguyệt thực kỳ thú vào đêm mai mà không cần thiết bất cứ thiết bị bảo vệ mắt nào, bởi nguyệt thực hoàn toàn vô hại (không như nhật thực). Tuy nhiên, ống nhòm hoặc kính thiên văn sẽ giúp bạn có cơ hội quan sát chi tiết hơn bề mặt Mặt Trăng vì không còn bị lóa như thường ngày. Đặc biệt máy ảnh là vật tối cần thiết nếu bạn muốn lưu giữ những khoảnh khắc tuyệt vời sắp diễn ra.
Theo Dân Trí

Theo đuôi :

ADVERTISEMENT