Nguyệt thực toàn phần sẽ xảy ra vào đêm 15, rạng sáng 16.6 tới đây. Theo giới quan sát thiên văn, đây là một sự kiện hết sức đặc biệt vì tính chất hiếm có và độc đáo của nó.

Nguyệt thực toàn phần lần này sẽ xảy ra vào đúng dịp rằm tháng 5 âm lịch. Vào đêm đó, bóng tối của trái đất sẽ bao phủ hoàn toàn mặt trăng, đây là một trong những lần nguyệt thực toàn phần được cho là dài nhất thế kỷ 21.
Người dân Việt Nam và một số vùng trên thế giới thuộc đông bán cầu sẽ có cơ hội quan sát được hiện tượng này trong khoảng thời gian kỷ lục 100 phút.
Ánh sáng từ mặt trời chiếu tới trái đất sẽ để lại phía sau vùng bóng đen và vùng nửa tối. Khi mặt trăng đi vào vùng nửa tối (như trường hợp 1 và 2 trong hình vẽ) ta có nguyệt thực nửa tối. Khi mặt trăng đi qua và nằm hoàn toàn trong vùng bóng đen ta có Nguyệt thực toàn phần. Ảnh: diễn đàn Vật lý sư phạm
Theo kỹ sư Nguyễn Tuấn, câu lạc bộ Thiên văn nghiệp dư TP.HCM, tính toán của cơ quan Hàng không và không gian Mỹ (NASA) cho thấy, hiện tượng nguyệt thực sẽ bắt đầu từ lúc 0 giờ 22 giờ Việt Nam khi trăng đi vào vùng bóng nửa tối của trái đất (nguyệt thực nửa tối).
Tuy nhiên, thời điểm có thể quan sát được nguyệt thực toàn phần sẽ vào khoảng 2 giờ 22. Lúc đó toàn bộ mặt trăng sẽ chuyển sang màu đỏ. Nguyệt thực toàn phần đạt cực đại vào lúc 3 giờ 10 cũng là lúc mặt trăng nhuốm màu đỏ đồng rõ nhất.
Tại Việt Nam, nếu thời tiết tốt và trời không mưa, chúng ta có thể quan sát được toàn bộ nguyệt thực từ lúc bắt đầu cho đến kết thúc vào khoảng 4 giờ sáng ngày 16.6. Sau đó mặt trăng sẽ ra khỏi vùng tối và màu sắc dần trở về bình thường cho đến khi trăng ra khỏi vùng bóng tối hoàn toàn vào lúc 5 giờ 2 và kết thúc nguyệt thực một phần.
Giới quan sát thiên văn dự đoán, trong năm 2011 sẽ có hai lần nguyệt thực toàn phần có thể quan sát được ở Việt Nam. Lần thứ hai sẽ xảy ra vào tối ngày 10.12.2011 và chỉ kéo dài trong 52 phút.
Theo SGTT

Theo đuôi :

ADVERTISEMENT