Chiều 6-7, UBND TP Hà Nội đã họp về Đề án giãn dân phố cổ. Theo đề xuất ban đầu, khoảng 2,6 vạn dân đang sống trong phố cổ sẽ được di dời sang Khu đô thị mới Việt Hưng, quận Long Biên.

 
Người dân phố cổ sống chật chội trong điều kiện không đảm bảo
Theo tính toán ban đầu, nhu cầu giãn dân của khu phố cổ lên tới 26.200 người, tương đương 6.550 hộ dân. Trong đó, giai đoạn I, sẽ giãn khoảng 1.800 hộ sang quỹ đất (có quy mô khoảng 11,12ha) tại Khu đô thị mới Việt Hưng. Trong số này, có khoảng 780 hộ dân đang sống trong các di tích, công sở, trường học. Các hộ này dự kiến sẽ di chuyển ngay từ quý I-2012.
Tiếp đó, từ quý III-2013 sẽ di dời tiếp 1.020 hộ. Ước tính nhu cầu đất giãn dân cho toàn bộ đề án là hơn 40ha. Do đó, đề án cần bổ sung thêm 29,34ha đất. Theo tính toán sơ bộ của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, tổng vốn đầu tư giai đoạn I đề án giãn dân ước 4.300 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách hơn 400 tỷ đồng, chỉ chiếm chừng 9%. Gần 3.900 tỷ đồng, tương đương 90% còn lại là vốn huy động và kêu gọi đầu tư.
Báo cáo UBND TP, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, ông Vũ Văn Viện cho biết, do tính chất rất nhạy cảm của đề án, các công việc liên quan đều được tiến hành hết sức thận trọng. Cụ thể, quận này đã tổ chức điều tra xã hội học đối với 953 hộ dân trong diện liên quan. Kết quả, chỉ có 26,8% số hộ đồng ý với việc di chuyển (255/953). Về các phần việc sẽ triển khai sắp tới, UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, nếu đề án được thành phố phê duyệt, quận sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan tập trung triển khai để tới cuối năm 2011 có thể khởi công xây dựng khu nhà ở giãn dân. Ước tính, tới năm 2015, quận sẽ hoàn thành giai đoạn I và bàn giao căn hộ cho dân. Đồng thời bắt tay vào triển khai giai đoạn II của đề án.
Nhìn trước những khó khăn, phức tạp khi triển khai đề án, ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho rằng, ngay từ bây giờ, Hà Nội cần có chính sách hạn chế nhập hộ khẩu vào quận Hoàn Kiếm nhằm tránh tình trạng di dời được một hộ lại có thêm 5-7 hộ mới dọn đến cư trú trong khu phố cổ. Cùng với đó, TP cần xem xét các tiêu chí quy hoạch cụ thể để có phương án tập trung ưu tiên các hộ trong vùng “lõi” của khu phố cổ, tức là các hộ cần di dời để bảo tồn các công trình di tích lịch sử, văn hóa trong khu vực trung tâm.
Trả lời một số ý kiến băn khoăn rằng, sau khi các hộ đã di chuyển sang Việt Hưng, diện tích đất ở phố cổ sẽ quản lý như thế nào, ông Vũ Văn Viện cho biết, đề án đã đưa ra các điều kiện khống chế nhằm ngăn ngừa tăng dân số trở lại. Theo đó, đối tượng được mua và sử dụng nhà đất do các hộ đã di chuyển bán lại phải là các hộ dân trong cùng biển số nhà. Người mua không nhằm mục đích đưa người không có hộ khẩu trong khu phố cổ đến ở. Các hộ đủ điều kiện nói trên có thể được ưu tiên vay vốn có hỗ trợ lãi suất để mua nhà.
Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Khôi rất hoan nghênh các hộ dân sống trong phố cổ đã tự nguyện di dời. Điều đó chứng tỏ, một bộ phận không nhỏ người dân đã tin tưởng vào việc triển khai thực hiện đề án. Để đề án được triển khi theo đúng kế hoạch, ông Nguyễn Văn Khôi yêu cầu Sở QH-KT đến ngày 20-7 phải làm xong quy hoạch điều chỉnh khu tái định cư Việt Hưng phục vụ giãn dân phố cổ. Từ đó, quận Hoàn Kiếm chủ động cùng tư vấn, các sở, ngành liên quan lên phương án xây dựng, cơ cấu các căn hộ. Bên cạnh đó, cần khẩn trương xây dựng cơ chế chính sách di chuyển các hộ dân. Đề án sau khi hoàn thành dự thảo sẽ được trình Thường trực Thành ủy xem xét cụ thể.
Khu phố cổ nằm trên địa bàn 10 phường của quận Hoàn Kiếm với tổng số dân khoảng 66.660 người (số liệu năm 2009) với mật độ dân số dày đặc. Theo quy hoạch đã được duyệt, đến năm 2020, dân số khu phố cổ sẽ rút xuống còn 40.460 người. 
Theo ANTĐ

Theo đuôi :

ADVERTISEMENT