Tại Hội nghị Triển khai chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2011–2015, chính Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội đã lần nữa chính thức đưa ra quan điểm không nên xem mại dâm là một tệ nạn xã hội.
Ngày 28/6/2011 vừa qua, quả là một ngày có nhiều điều để nói đối với những người phụ nữ đang sống bằng cái nghề cổ xưa và đặc biệt nhất trong lịch sử của nhân loại: nghề mại dâm. Bởi trong ngày này, đích thân bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh – Xã hội (LĐ-TB&XH) đã đề nghị rằng, đã đến lúc không nên nhìn nhận nghề mại dâm là một tệ nạn xã hội. Đặc biệt hơn, lời đề nghị này ngay lập tức đã nhận được ý kiến ủng hộ của Phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng.
Bộ Trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân không phải là người đầu tiên lên tiếng và kêu gọi xã hội nhìn nhận mại dâm là một nghề nghiệp hợp pháp. Ồn ào nhất có thể kể đến thời điểm hơn 10 năm trước khi đại dịch HIV/AIDS đời đầu tấn công xã hội Việt Nam, vấn đề hợp pháp hóa nghề mại dâm đã được khởi xướng trên tờ Báo “Lao động” của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam. Tuy nhiên đề xuất của “cuộc cách mạng giải cứu những người hành nghề mại dâm” năm ấy đã nhanh chóng bị phản đối bởi những tổ chức xã hội khác, nhất là Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Những người đại diện cho tiếng nói của phụ nữ Việt Nam lên tiếng chỉ trích rằng, hợp pháp hóa mại dâm là một việc làm băng hoại đạo đức, đi ngược lại lợi ích của người phụ nữ Việt Nam. Dẫu quan điểm ấy không thật sự thuyết phục, nhưng quan trọng nhất là nó đứng về phía các bà vợ.
Sau đó, những ý kiến mang tính cách mạng đã trở nên yếu ớt. Còn những người trong cuộc – những cô gái mại dâm thì tự thấy mình chẳng có tư cách lên tiếng phản kháng. Bởi thế, việc hợp thức hóa mại dâm đã nhanh chóng chìm vào quên lãng suốt hơn một thập niên qua. Cho đến ngày 28/6 vừa qua, tại Hội nghị Triển khai chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2011–2015, chính Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH đã lần nữa chính thức đưa ra quan điểm không nên xem mại dâm là một tệ nạn xã hội.
Quan điểm của bà Nguyễn Thị Kim Ngân được Phó thủ tướng Chính phủ Trương Vĩnh Trọng đồng tình và ủng hộ ngay. Phó thủ tướng cho rằng, đó là một xu hướng tích cực và khách quan: khi mà ở xã hội Việt Nam người bị nhiễm HIV/AIDS được nhìn nhận với con mắt cảm thông, thì người phụ nữ bán dâm cũng cần được thông cảm và giúp đỡ. Nên coi mại dâm là một hiện tượng chứ không phải một tệ nạn xã hội.
Góc nhìn mới với nghề mại dâm mà Bộ trưởng Kim Ngân đưa ra đương nhiên không phải là cảm xúc bất chợt của cá nhân bà. Vì hơn ai hết bà là người biết được hậu quả to lớn thế nào nếu đề nghị ấy không thiết thực, thiếu căn cứ. Và chắc chắn rằng quan điểm đó được hình thành từ những trải nghiệm hết sức thực tiễn của một người làm quản lý trong một tổ chức lo về các vấn đề của an sinh xã hội, và là cơ quan giữ trách nhiệm phòng chống mại dâm bao năm nay. Hàng trăm, hàng nghìn phụ nữ hành nghề mại dâm trên đất nước ta đang sống và làm việc trong bóng tối, như những tên tội phạm, bị truy quét, bị bóc lột, bị bạo hành, bị khinh rẻ mà không được bảo vệ dưới bất cứ một chế định nào của pháp luật. Thực ra đó là một sự phi lý.
Còn nhớ cuối năm rồi, một nhóm các cô gái điếm bị các nhân viên chống tệ nạn xã hội bắt quả tang rồi bắt họ khỏa thân, thậm chí ép buộc họ giữ những tư thế không phù hợp để dùng điện thoại ghi hình lại… nhằm phục vụ công tác điều tra (!?). Họ buộc những cô gái này trình diễn những bộ phận nhạy cảm của cơ thể trước ống kính trong khi các cô không hề chống đối việc lập biên bản phạm pháp, bị bắt quả tang. Để rồi sau đó clip nhạy cảm ấy lan truyền trên Internet cho hàng triệu người xem. 6 nhân viên này ở Cẩm Phả đã bị đình chỉ công tác, đó là lẽ đương nhiên nhưng nhiều người cho rằng, hình thức xử phạt này còn quá nhẹ, bởi họ đã phạm ít nhất 2 sai phạm nghiêm trọng. Một là lợi dụng chức vụ và quyền hạn làm nhục người khác; hai là truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy khi để phát tán clip nhạy cảm ấy trên Internet. Xong, điều đáng buồn trong câu chuyện này là hầu hết trên các diễn đàn rất ít thấy những “comment” thông cảm và chia sẻ với thân phận đau khổ, tủi nhục của những cô gái bán dâm. Phải chăng họ làm cái nghề không được xã hội thừa nhận thì việc bị làm nhục là điều bình thường? Dẫu thế nào họ cũng là con người, họ cần được đối xử công bằng và được pháp luật bảo vệ.
Từ việc đề nghị không coi mại dâm là một tệ nạn xã hội đến việc hợp pháp hóa nghề bán dâm là một quãng đường xa, có thể là rất xa trong xã hội ta. Xong khi quan điểm này được đưa ra từ chính những người có vai trò quan trọng đối với các chính sách an sinh xã hội của quốc gia thì người ta có thể hy vọng một tương lai sáng sủa hơn cho các cô gái làm nghề mại dâm, những “nàng Kiều” của thời hiện đại khi họ không còn bị coi là những đối tượng bị truy quét, phải trốn chui lủi trong bóng tối.
Câu hỏi quan trọng được đặt ra và đang tạo nên một cuộc tranh luận nảy lửa của dư luận là xã hội: Sẽ thế nào khi mại dâm là hợp pháp, không phải tệ nạn xã hội? Dưới góc nhìn của chúng tôi, việc hợp thức hóa mại dâm sẽ tạo ra nhiều thuận lợi trong công tác quản lý của nhà chức trách, hạn chế bệnh tật truyền nhiễm vì khi đó họ được hưởng những dịch vụ y tế đều đặn, không còn bị kỳ thị, thậm chí ở một số nước việc đánh thuế lên các cơ sở đăng ký kinh doanh dịch vụ “vui vẻ” còn tránh được thâm hụt cho ngân sách công. Bên cạnh đó, cảnh sát phòng chống tệ nạn cũng… nhàn hơn trong cuộc chiến chống lại nạn buôn người, ngăn chặn việc sử dụng trẻ em nữ làm gái bán dâm. Và khi đó việc kinh doanh trên thân xác phụ nữ vốn dĩ chỉ mang lại siêu lợi nhuận cho các tổ chức tội phạm trước đây sẽ được chuyển hóa theo hướng tích cực.
Ngoài ra, những phụ nữ bán dâm sẽ có điều kiện thành lập công đoàn theo luật, họ sẽ được bảo vệ, được đảm bảo an toàn lao động, được đưa ra thỏa ước lao động, lương bổng, điều kiện lạo động và được đống thuế để thể hiện nghĩa vụ một công dân đối với xã hội. Không chỉ những “nàng Kiều” mà những “chàng Thúc Sinh” thời hiện đại, hay những người độc thân cũng dễ dàng tiếp cận với những dịch vụ “vui vẻ” để giải tỏa nhu cầu sinh lý một cách đàng hoàng. Điều đó chắc chắn sẽ làm giảm nguy cơ lây nhiễm các căn bệnh xã hội và số lượng các vụ cưỡng dâm vì ức chế nhu cầu tình dục cũng sẽ giảm. Vì thế chúng ta hoàn toàn hy vọng rằng xu hướng mới về tiếp cận để phòng, chống mại dâm trong xã hội hiện đại của Bộ trưởng Kim Ngân sẽ được nhìn nhận một cách nghiêm túc nhất; để nó sớm trở thành một chính sách xã hội thực tiễn và nhân văn hơn với nghề nhạy cảm này!
Theo Năng lượng Mới
Theo đuôi :
ADVERTISEMENT