Từ nhỏ tôi thường vớ được cuốn nào cũng đọc và còn ghi lại tất cả những gì tôi thích vào một cuốn sổ mà tôi đặt tên là “Ghi nhăng”!

Vì thế mà tôi đã đọc lại những câu nói đặc biệt của các danh nhân thế giới, để hy vọng hiểu được cô bạn nhỏ Di Li mà tôi mới quen khoảng hơn một năm.
 
Hôm ấy là thứ bảy, tôi gọi điện rủ đi… khiêu vũ, Di Li hẹn 3 giờ chiều sẽ đến đón, nhưng  quá 3 giờ vẫn chưa thấy cô đâu. Mãi 15 phút sau chuông điện thoại mới reo và Di Li năn nỉ:
- Cô ơi, cô ghé chỗ cháu được không? Cháu đang phải phá khóa vì trót vứt tất cả vào cốp xe lúc bơm xăng. Giờ mà cô chờ cháu thì lâu lắm ạ…
Tôi đến ngay khu đô thị làng quốc tế Thăng Long, nơi Di Li ở. Và sau đó hai cô cháu dùng xe của tôi đi chơi suốt buổi chiều. Thế mà đến tối, trên blog của Di Li đã có bài “Chà, tài quá” cô viết về anh thợ khóa nhanh nhẹn và khéo léo đã mở cốp xe máy của cô rất nhanh, trong khi cô đang không biết làm sao để tôi khỏi trách! Nhân đây, Di Li khen ngợi tất cả những người lao động chân tay đã hết lòng với công việc của mình và có đôi bàn tay tài hoa, cần mẫn.
Cô làm việc vào lúc nào mà có thể nhanh đến thế? Có ai đặt bài mà phải viết ngay? Hóa ra Di Li cứ có xúc cảm là cầm bút. Và câu chữ tuôn chảy một cách mau mắn, sáng sủa như chính cô vậy!
Tôi đi cùng Di Li đến sàn khiêu vũ, các cháu “thợ dìu” ghé tai tôi, thì thầm:
- Cô ơi, con gái cô xinh thế ạ? Có chồng chưa cô?
- Mẹ thì thấp mà con gái cao thế, trông kiêu sa quá cơ!
Tôi đùa:
- Cháu chịu khó đợi hơn 30 năm nữa xem nó... có giống cô không mới bảo là mẹ con chứ!
Một cháu nhận xét:
- Trông nàng “nội tâm” lắm, chắc cháu không thể  nói chuyện rồi!
Quả thật, ở sàn nhảy, nơi mọi người “vui vẻ, tươi trẻ, mạnh khỏe”, Di Li rất nghiêm. Cô không hề cười và chỉ đứng lên khiêu vũ với “ông thợ dìu” nào mà cô cho là… có chiều cao tương đối so với mình! Di Li khiêu vũ thật duyên dáng  và nổi bật trong sàn nhảy phần lớn là các ông bà già cũ kỹ đang cố “cưa sừng làm nghé” - như tôi.
Hầu như bà già đã về hưu là tôi, gọi điện hoặc nhắn tin rủ đi đâu là Di Li đi liền. Thỉnh thoảng cô mới nhắn lại:
- Cháu đang phải có mặt ở triển lãm suốt cả ngày, không trốn được, tiếc quá!
- Cô đợi cháu được không ạ? Hôm nay cháu đem cơm vào viện cho bố chồng cháu, muộn mới về cơ!
Có hôm, chiều muộn, tôi bỗng cao hứng rủ Di Li đi ăn đặc sản, cô lắc đầu:
- Hôm nay cô phải đi với cháu cơ. Chắc lâu lắm cô không ăn vỉa hè. Cô cứ đi theo cháu, ngồi vỉa hè cũng hay lắm cô ạ.
Quả là đã lâu lắm tôi không ngồi ăn uống bên vỉa hè. Và hôm ấy, hai cô cháu đã vô cùng thoải mái uống bia với mực nướng, sò huyết, bánh mì ngay trên vỉa hè phố Nguyễn Văn Huyên gần nhà Di Li. Tôi thấy thêm một khía cạnh rất bình dị, tự nhiên trong sinh hoạt của nhà văn trẻ. Một lần khác, đang đèo tôi sau xe máy đi về phía Tràng Thi, Di Li bỗng hỏi:
- Cô thích ăn kem bây giờ không?
- Ừ, mình vào Bốn Mùa cạnh cơ quan cũ của cô nhé.
Nhưng Di Li quay xe đi về phía Tràng Tiền, cười:
- Kem Tràng Tiền mới đúng là kem Hà Nội cô ạ.
Ôi, đã mấy chục năm tôi không ăn kem Tràng Tiền. Và tôi bỗng nhớ, hồi tôi còn là phóng viên báo Hà Nội Mới, thỉnh thoảng lũ em tôi kéo nhau đến, đòi chị cho ăn kem. Kem Tràng Tiền lúc ấy đông kinh khủng. Tôi không làm sao chen vào mua nổi. Di Li chắc cũng có một tuổi thơ giống như tôi, gắn bó với những kỷ niệm nhỏ bé mà vô cùng thương mến của một Hà Nội xưa đầy xao xuyến. Nhưng thực thì cô vất vả hơn tôi rất nhiều, đã cô đơn, đã cặm cụi một mình với một nỗi niềm không bày tỏ được cùng ai. Dạo đó bố mẹ  đều đi công tác xa, cô bé còn đang học cấp 2 ở lại Hà Nội tự lo liệu mọi điều để vừa học vừa đi chợ, nấu cơm, trông nhà… Đêm ngủ một mình nghĩ ngợi linh tinh. Và sau đó, khi bố mẹ chia tay thì cô bé hiểu là sẽ phải tự mình lo cho cuộc sống của mình sau này.
Gặp Di Li, tôi từ ngạc nhiên này sang ngạc nhiên khác. Cô đã lấy chồng, giờ con gái đã lên tám. Vậy mà hôm nào buồn, tôi rủ Di Li đi chơi, cô thường đồng ý ngay. Có hôm tôi cười:
- Chồng cháu quá chiều cháu đấy. Cô mà còn trẻ, cô phải tôn mày làm thầy và cắp sách đến học!
Di Li cười:
- Vợ chồng phải tin nhau là chính chứ cô. Cháu cũng phải cố mãi anh ấy mới để cho tự do thế chứ. Chẳng qua là trời không chịu đất thì đất phải chịu trời mà cô!
Di Li nói thế, nhưng tôi hiểu là cô rất chăm chồng, chiều con và còn lo cho gia đình chồng vô cùng chu đáo. Cô vừa làm việc vừa học để sử dụng tới ba ngoại ngữ, là thạc sĩ, giảng viên đại học, còn các môn thể thao thì cô phàn nàn là chưa biết bơi, cũng như phàn nàn là chưa biết tiếng Hán. Di Li là người luôn thấy rõ điểm yếu của mình. Cô không thuộc loại dương dương tự đắc với những gì mình có.
Cố gắng sống vui, sống khỏe và làm việc hết mình. Đó có lẽ là quan niệm chung của tôi và Di Li. Cô đã tặng tôi nhiều cuốn sách của cô, nào là “Đảo Thiên đường”, “Trại Hoa đỏ”, “Tháp Baben trên đỉnh tháp ánh trăng”… và vài cuốn khác. Tôi đã đọc hết và có lẽ tôi không cần khen cô trong việc sáng tác, vì điều này tác phẩm của cô đã nói giúp rồi. Tôi chỉ ngạc nhiên vì cô đã hiểu miền núi đến thế khi viết “Tháp Baben…”, đã hiểu và yêu biển đến thế khi viết “Đảo Thiên đường” và đã làm tôi không dám đọc một mạch cuốn tiểu thuyết trinh thám kinh dị “Trại Hoa đỏ” mà phải dừng lại, đọc xen kẽ với mấy cuốn khác vừa được tặng.
Nhà văn 32 tuổi với gần mười đầu sách, cuốn nào cũng hay, giỏi cả việc nhà lẫn sáng tác, lại rất ham chơi. Một người vợ đủ để chồng tin cậy và tôn trọng. Một cô con dâu đủ để bố mẹ chồng yêu mến. Một cô gái giản dị và khiêm nhường. Đó là nhà văn trẻ Di Li tức Diệu Linh, cô bạn nhỏ của tôi. Và tôi đã tìm lại được một vài câu nói tôi đã thấy rất hay từ khi tôi còn là đứa trẻ chưa đầy 15 tuổi.
Saint Isodot: “Hãy sống như ngày mai anh phải chết”.
Marc Aurele: “Hãy làm tròn mỗi công việc của mình như thể đó là công việc cuối cùng”.
Lord Chesterfield: “Đừng để đến ngày mai việc anh có thể làm trong hôm nay”…
Tôi thực không rõ các danh nhân là người nước nào, nhưng tôi biết ơn họ, vì họ đã giúp tôi phần nào hiểu rõ cô bạn nhỏ của mình, nhà văn trẻ Di Li.
Theo Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn

Theo đuôi :

ADVERTISEMENT