Là học giả Việt Nam duy nhất được mời tham dự trả lời phỏng vấn Đài truyền hình Phượng Hoàng (Hong Kong, Trung Quốc) về sự kiện biển Đông, tiến sĩ Vũ Cao Phan chia sẻ với VnExpress xung quanh nội dung bài phát biểu gây nhiều chú ý trong và ngoài nước này.

- Đài truyền hình Phượng Hoàng (Trung Quốc) đặt vấn đề phỏng vấn ông trong bối cảnh nào?
- Phượng Hoàng là đài truyền hình vệ tinh toàn cầu, một trong những đài có ảnh hưởng đặc biệt với giới người Hoa nói chung. "Nhất Hổ nhất tịch đàm" là một đại talk show liên tuyến toàn cầu mỗi tháng một kỳ, truyền phát đến hơn 150 quốc gia do người dẫn chương trình nổi tiếng Hồ Nhất Hổ chủ trì, phát vào tối thứ bảy và phát lại vào chiều chủ nhật.
Nhân sự kiện nóng lên ở biển Đông, đài Phượng Hoàng muốn tổ chức một talk show và mời một số học giả ở các đầu cầu Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Đại Lục và Việt Nam tham gia theo cách liên tuyến.
Ở Việt Nam, Đài Phượng Hoàng đã đề nghị Viện nghiên cứu Trung Quốc (Viện Khoa học xã hội) cử một học giả tham gia và Viện đã giới thiệu tôi. Tôi nghĩ đây là cơ hội để bày tỏ quan điểm của mình về vấn đề biển Đông, để nhân dân Trung Quốc biết được cái gì đúng, cái gì không đúng xung quanh việc này.
ong Phan
Tiến sĩ Vũ Cao Phan: "Tôi nghĩ đây là cơ hội để bày tỏ quan điểm của mình về vấn đề biển Đông, để nhân dân Trung Quốc biết được cái gì đúng, cái gì không đúng xung quanh việc này". Ảnh: Hoàng Hà.
- Cuộc phỏng vấn được thực hiện như thế nào, thưa ông?
- Chương trình được thực hiện theo phương thức ghi hình trước, phát sóng sau (cách nhau hai ngày). Trước khi ghi âm, ghi hình, đài Phượng Hoàng gửi cho tôi câu hỏi và đề nghị trả lời bằng văn bản. Tôi chuẩn bị trả lời bằng cả tiếng Việt, tiếng Trung và yêu cầu tất cả những gì tôi nói trong văn bản này không được cắt bỏ. Nếu thỏa mãn yêu cầu ấy tôi mới tham gia và họ đồng ý. Họ cho biết thời lượng chương trình dành cho tôi khoảng 30 phút.
Nhưng hôm đó buổi truyền hình có nhiều học giả ở nhiều đầu cầu cùng tham gia, không đủ 30 phút cho tôi. Trong buổi truyền hình, tôi chỉ trả lời hai câu hoàn chỉnh, câu 3 (bản chất của sự tranh chấp Trung - Việt) do sắp hết thời lượng nên bị cắt để chuyển sang câu 4 mà đài cho rằng quan trọng hơn. Câu này cơ bản tôi nói được đúng ý, nhưng không đủ thời gian nói hết. Tôi hơi tiếc câu 3, câu tôi tâm đắc nhất thì lại không có thời gian nói. Tuy nhiên tôi hy vọng toàn bộ phần trả lời của tôi sẽ được họ đưa lên mạng như tôi đã đề nghị. Hiện tôi cũng chưa biết điều này có thực hiện được không.
Tôi cũng không được xem chương trình phát sóng vì Việt Nam không bắt được đài Phượng Hoàng, nên không biết diễn biến thực tế trên trường quay như thế nào, việc đưa thông tin câu trả lời của tôi đến đâu. Tôi đã gửi bản tiếng Việt và bản tiếng Trung phần trả lời bằng văn bản sang nhờ một số bạn ở Trung Quốc đối chiếu với chương trình được phát.
Các bạn cho biết, về cơ bản phù hợp với những nội dung đã phát trên truyền hình và họ còn cho biết truyền hình một mặt đưa lời của tôi (bằng tiếng Việt vì tiếng Hán của tôi không được lưu loát lắm), một mặt hiển thị câu trả lời của tôi bằng chữ Trung Quốc theo văn bản mà tôi gửi sang. Văn bản này đã được bạn Phó Thiên Phóng, một người giỏi tiếng Hán hiệu đính. Điều này cũng thể hiện tính khách quan của phía Phượng Hoàng.
- Mặc dù không ghi hình trực tiếp, nhưng ông có thể cảm nhận điều gì về không khí của buổi truyền hình?
- Tôi cảm nhận không khí trường quay có vẻ nóng, trong đó một học giả nói về Việt Nam khá gay gắt. Lúc ấy tôi định trả lời ngay, nhưng rất tiếc là họ đã chuyển qua đầu phía Đài Loan.
Trong chương trình, tôi cũng thấy vui khi có người Trung Quốc nói: "Hai nước chúng ta phải nắm tay nhau để đến giữa thế kỷ này Việt Nam và Trung Quốc đều là những xã hội khá giả". Tôi nghe loáng thoáng tiếng người ở đầu dây của một nước khác nói: "Hai nước Việt - Trung cần phải ngồi lại với nhau để tìm ra nguyên nhân, cùng nhau thỏa thuận để thúc đẩy quan hệ tốt đẹp, không nên để xảy ra tranh chấp dẫn đến vũ lực".
- Sau khi chương trình lên sóng, ông nhận được phản hồi thế nào từ khán giả, nhất là người Trung Quốc?
- Tôi nghĩ chắc là tích cực. Trong thế giới người Hoa, đài Phượng Hoàng là một trong những đài có vị thế cao nhất nên tôi rất muốn họ biết được những điều trung thực đã xảy ra ở biển Đông. Vài người bạn của tôi bảo rằng buổi phát hình thứ hai người xem đông hơn. Có lẽ do hiệu ứng của buổi phát hình đầu tiên đã kéo mọi người đến chăng?
Ý định của tôi tham gia chương trình này là muốn đưa thông tin đến với các bạn Trung Quốc, chứ không hướng đến người xem Việt Nam vì mình không xem được chương trình và những điều tôi nói mọi người đều biết rồi. Nhưng tôi rất ngạc nhiên về hiệu ứng bài trả lời truyền hình của mình đối với trong nước. Hiện riêng trên mạng có đến hàng trăm nghìn người truy cập vào bài phỏng vấn và mới qua một tuần tôi nhận được hàng trăm cuộc điện thoại, tin nhắn, chủ yếu là người trong nước, nhưng cũng có không ít người Việt ở nước ngoài.
Tôi nhớ, có hai cuộc điện thoại, một ở phía nam, một ở nước ngoài gọi về, đều là giọng nữ, vừa nói vừa như muốn khóc. Họ cảm ơn tôi đã giúp họ hiểu tình hình. Họ còn nói từ bây giờ có thể tự tin hơn nhiều lắm.
- Trong bài phỏng vấn, ông nói khi hai nước ngồi với nhau thì phải “ngồi thẳng”, điều đó có ý nghĩa gì?
- Rất nhiều người đã hỏi tôi câu này. Câu trả lời của tôi đơn giản thôi. Thẳng lưng sẽ thẳng lòng, thẳng thắn và trung thực. Thẳng lưng giúp nhìn cao, thấy xa. Thẳng lưng sẽ thấy mình lớn hơn và tự tin hơn, loại đi cái mặc cảm nhược tiểu nếu có.
"Có học giả cũng ngờ ngợ về việc tuyên bố chủ quyền trong vùng nội thủy đường lưỡi bò". Ảnh: Hoàng Hà.
- Là phó chủ tịch hội Hữu nghị Việt Trung, ông đánh giá thế nào về cách nhìn nhận của số đông người Trung Quốc về vấn đề biển Đông?
- Cuối năm ngoái chúng tôi có một cuộc trao đổi thẳng thắn với các học giả Trung Quốc, tôi nhận thức rằng có những điều các bạn biết, có những điều không biết. Khi tôi đưa thông tin, các bạn tỏ ra hơi ngạc nhiên, chứng tỏ họ không có đủ thông tin. Rất nhiều học giả Trung Quốc thông qua báo chí, trang mạng phát biểu quan điểm giống như quan điểm của Chính phủ. Có thể họ không nắm được thông tin, hoặc có thể cố tình nói thế. Tuy nhiên vẫn có những ý kiến khác lạ.
Gần đây tôi đọc được thông tin về một học giả Trung Quốc, thiếu tướng Kiều Lương, nêu một ý kiến thế này: "Cách suy nghĩ về biển Đông của người Trung Quốc chúng ta chưa rõ ràng. Chúng ta chưa xem các quan điểm, tuyên bố chủ quyền của chúng ta thế này có phù hợp với luật pháp quốc tế nói chung, hay công ước về biển nói riêng chưa. Ngay cả khái niệm cùng khai thác mà ta nêu ra, ta nhấn mạnh thì ta đã có ý tưởng thực tế, thiết kế như thế nào, đã bàn bạc với các nước chưa, hay mới chỉ là khẩu hiệu suông". Chính họ cũng ngờ ngợ về việc tuyên bố chủ quyền trong vùng nội thủy đường lưỡi bò.
- Vậy làm thế nào để người dân Trung Quốc tiếp cận được với sự thực khách quan?
- Vừa rồi bài trả lời phỏng vấn của tôi có bản tiếng Hán, tôi không biết đưa bản tiếng Hán vào kênh nào của Việt Nam để người Trung Quốc có thể đọc được. Chúng ta không có một kênh tiếng Hán nào, thật đáng tiếc.
Vấn đề này rất quan trọng, chúng ta đưa thông tin không phải tuyên truyền gì cả, chúng ta chỉ cần nói đúng. Nếu những sự kiện xảy ra vừa rồi, ta có kênh để nhân dân Trung Quốc biết được không có gì đột xuất cả, càng không có chuyện Việt Nam đe dọa dùng vũ lực. Nếu người Trung Quốc biết chuyện thuyền cá Việt Nam nhiều lần bị bắt, bị chuộc đòi tiền, giàn khoan bị áp lực thế này thế kia, thì họ sẽ hiểu không phải tự nhiên Việt Nam phản ứng.
- Để giải quyết tình hình căng thẳng ở biển Đông, theo ông chúng ta nên có hành động như thế nào?
- Tôi từng nói chúng ta không thể chống con sào xuống Thái Bình Dương để đẩy con thuyền Việt Nam ra xa khỏi Trung Quốc. Hai nước trở thành láng giềng đó là sự ấn định của của tạo hóa lịch sử, không thể thay đổi được. Chúng ta không có cách nào khác là chấp nhận vị trí địa lý mà mình có, từ đó xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với nước bạn, có lợi cho hai bên. Vấn đề là chúng ta phải ở tư thế như thế nào, phải xử sự ra sao thì lại là câu chuyện tưởng dễ mà khó. Nhưng tôi là một người lạc quan, tôi rất tin mọi sự sẽ được giải quyết theo hướng tích cực.
Ông Vũ Cao Phan là tiến sĩ lịch sử nghệ thuật quân sự, nguyên cán bộ giảng dạy Học viện Quốc phòng; trợ lý Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo. Hiện ông là Phó chủ tịch Hội hữu nghị Việt - Trung.
Vnexpress thực hiện

Theo đuôi :

ADVERTISEMENT