(VietNam7) Không người thân, không quê quán và giấy tờ tùy thân, sau khi vào bệnh viện, họ được các bác sĩ chăm sóc tận tình đến khi trút hơi thở cuối cùng.
Nhà Vĩnh Biệt (nhà xác) của Bệnh viện Chợ Rẫy luôn luôn có gần 20 xác bệnh nhân xấu số không có người nhà đến nhận. Theo quy định sau khi bệnh nhân qua đời nếu không có người nhận, bệnh viện sẽ đưa vào nhà xác, bảo quản trong vòng 30 ngày, sau đó làm thủ tục, tiến hành hỏa táng.
Lời trăn trối
Lật cuốn sổ có ghi chép cẩn thận những bệnh nhân xấu số, một bác sĩ ở Bệnh viện Chợ Rẫy ngậm ngùi: “Tội nghiệp lắm, anh à. Họ là những bệnh nhân xấu số, khi chết đi không một người thân bên cạnh, thậm chí có người đã ở lại tại nhà xác cả hàng chục năm vẫn không có người nhà tới nhận”.
Dừng lại ở một cái tên giữa cuốn sổ: “Nguyễn Ngọc Chánh, sinh năm 1973, được công an huyện Bình Chánh đưa đến bệnh viện ngày 29/11/2009 và mất ngày 10/12/2009”. Theo lời của bác sĩ thì bệnh nhân này khai trong bệnh án có địa chỉ tạm trú tại phường Phú Xuân, Nhà Bè, TP.HCM. Trước khi được đưa tới bệnh viện bệnh nhân này đã trải qua 8 ngày không ăn, uống.
Bệnh viện liên lạc về điạ phương nhưng được công an địa phương trả lời trên địa bàn không có hộ dân nào thường trú hay tạm trú có tên này. Sau gần nửa tháng điều trị, mặc dầu bệnh nhân đã được các bác sĩ đưa vào danh sách những bệnh nhân được chăm sóc đặc biệt nhưng do bệnh nặng nên đã qua đời.
Trong những ngày cuối cùng điều trị tại đây bệnh nhân Nguyễn Ngọc Chánh không hề có người thân thích, không bạn bè. Nhiều khi bác sĩ thấy bệnh nhân khóc lủi thủi một mình nhưng khi bác sĩ và một số người bệnh cùng phòng thăm hỏi thì bệnh nhân im bặt. Một ngày nọ như biết mình không thể qua được căn bệnh hiểm nghèo, Chánh đã tâm sự với nhiều người cùng phòng là sau khi mất đi vẫn hi vọng sẽ được về với gia đình. Câu nói của bệnh nhân Chánh hôm đó khiến cho nhiều bệnh nhân và y bác sĩ có mặt lúc đó không cầm được nước mắt. Thế nhưng, từ đó tới nay vẫn không thấy người nhà tới để đưa bệnh nhân về.
Theo hồ sơ bệnh án và hóa đơn thì bệnh nhân Nguyễn Ngọc Chánh được bệnh viện Chợ Rẫy điều trị miễn phí 100%. Sau khi mất, bệnh nhân được bệnh viện bảo quản tại nhà xác, sau 30 ngày không thấy người nhà đến nhận, bệnh viện đã đứng ra khâm liệm và đưa đi hỏa táng. Hiện hài cốt của bệnh nhân Chánh đang được bảo quản một cách an toàn trong nhà xác.
Những phận người vô thừa nhận trong nhà xác
Nhiều bệnh nhân sau khi qua đời hiện vẫn được các nhân viên của Bệnh viện Ung Bướu hương khói chu đáo.
Cũng như bệnh nhân Chánh, bệnh nhân Nguyễn Thị Năm nhập viện ngày 3/12/2008, bị hạch cổ ác tính và cũng được Bệnh viện Ung Bướu lo chạy chữa bằng tiền quỹ từ thiện của các nhà hảo tâm. Theo bác sĩ Hoàng Thị Mộng Huyền, trưởng điều dưỡng khoa Nội I, đồng thời là người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân Năm: thực chất lúc đầu bệnh nhân có người nhà chăm sóc, nhưng sau đó thấy bệnh tình ngày càng nặng nên bệnh nhân bị bỏ rơi. Trước đó một ngày bệnh nhân này đã tâm sự với một bệnh nhân là ước mơ cuối cùng của chị là được về nằm bên phần mộ của mẹ già và bố nhưng chờ mãi vẫn không thấy ai đến.
“Đêm đó bệnh nhân này hẹn kể tôi nghe một số thứ riêng tư khác nhưng vì trời đã khuya, sợ ảnh hưởng đến nhiều người xung quanh nên chị hẹn tôi hôm khác. Ai ngờ sáng hôm sau cả phòng không thấy chị thức dậy sớm như nhiều ngày trước, khi đó mới biết chị đã ra đi, nhằm vào ngày 8/5/2009”, bác sĩ Huyền nhớ lại.
Sau khi bệnh nhân mất bệnh viện đã đưa vào nhà xác bảo quản, và đúng quy định sau 30 ngày vẫn không thấy người nhà tới nên bệnh viện đã làm thủ tục, đứng ra mai táng. Hiện bệnh nhân Năm cũng đang được nhân viên Bệnh viện Ung Bướu hàng ngày chăm lo hương khói.
Hiện nay, bệnh viện Ung Bướu đang hương khói cho gần 20 bộ hài cốt của các bệnh nhân khác. Cứ 2-3 tháng, bệnh viện này lại tiếp nhận thêm một bệnh nhân xấu số không có người thân, chăm lo chữa trị miễn phí 100%. Sau khi bệnh nhân qua đời, bệnh viện lại đứng ra làm thủ tục để đưa bệnh nhân đi hỏa táng, sau đó đưa hài cốt đến một số chùa để hương khói. Trong số đó, rất ít trường hợp được người nhà đến đưa về.
Vẫn đau đáu chờ người thân
Bệnh nhân Nguyễn Thị Ánh Tuyết, sinh 1977, thường trú tại Bà Triệu, phường 1, Bà Rịa – Vũng Tàu. Theo lời của bác sĩ Đỗ Thanh Huy Hoàng, người trực tiếp đều trị bệnh nhân: Khi nhập viện, người bệnh là một tù nhân mắc chứng bệnh ung thư tử cung ở giai đoạn 3B chuyển sang giai đoạn 4B (giai đoạn cuối). Trong vòng hai tuần đầu bệnh nhân được điều trị theo dõi để chẩn đoán bệnh. Tiếp sau đó bệnh nhân này được điều trị đặc biệt vì bệnh nhân có dấu hiệu bị ung thư phổi cũng ở giai đoạn cuối.
Đúng 14h15 ngày 24/10/2009, bệnh nhân trút hơi thở cuối cùng. Trước đó một ngày bệnh nhân vẫn nói chuyện vui vẻ và có tiết lộ nhà có hai mẹ con, hiện mẹ già đã mất nhưng vẫn còn chú bác ở quê. Trước đó, chị Tuyết đã nhiều lần chia sẻ với nhiều người bệnh cùng phòng về người mẹ của mình và ước được trở về quê hương để nằm gần mẹ sau khi mất. Sau đó, bệnh viện đã đưa chị vào nhà xác để chờ người thân, nhưng rồi không thấy ai đến nên bệnh viện phải gửi công văn lên Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, xin được đưa chị đi hỏa táng bằng quỹ từ thiện của bệnh viện. Hiện hằng ngày chị vẫn được nhân viên bệnh viện túc trực hương khói, hi vọng một ngày nào đó ước nguyện cuối cùng của chị sẽ thành hiện thực.
Trong nhà xác, gần chục con người ai cũng đứng im lặng, ngậm ngùi, bỗng một bác sĩ đứng gần tôi đưa tà áo lên quẹt nước mắt nói “chắc ở dưới kia bệnh nhân vẫn chờ người thân, chờ ngày được về với gia đình”. Như là người hiểu hơn ai hết về những tâm nguyện của họ, Anh Nguyễn Thành Sơn, Trưởng Phòng quản trị bệnh viện Ung Bướu nhẹ giọng nói: “Hiện vẫn có hàng chục bệnh nhân trước khi mất vẫn nuôi hi vọng được người nhà tới đưa về, và có lẽ họ vẫn chờ người thân”.
Những phận người vô thừa nhận trong nhà xác
Nhiều hài cốt của các bệnh nhân tại nhà xác Bệnh viện Ung Bướu, TP.HCM vẫn đang khắc khoải chờ ngày được người thân đưa về
Cũng theo anh Sơn: Trong số những bệnh nhân được bệnh viện điều trị miễn phí bằng quỹ từ thiện thì có nhiều bệnh nhân đã nằm lại đây đã hàng chục năm nhưng vẫn chưa có người nhà tới nhận cụ thể như: Bệnh nhân Nguyễn Văn Minh, Ngô Văn Hào, Nguyễn Thị Lan, Nguyễn Hữu Lương …Anh Đỗ Thanh Sang. “Hàng ngày chúng tôi vẫn mong người nhà của bệnh nhân sẽ đến để đưa họ về với gia đình. Dù sao thì về với quê hương, với anh em ruột thịt họ vẫn cảm thấy ấm cúng hơn là ở nơi này”, anh Sơn thành thật chia sẻ.
Cuộc sống vốn đã chẳng dài, nhưng vẫn có những thân phận khi đã trả hết nợ đời mà vẫn mang trong lòng nỗi khắc khoải về với đất. Nặng trĩu lòng chia tay các bác sĩ ở Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Ung Bướu, một nhân viên tại nhà xác Bệnh viện Ung Bướu còn gọi với lại nói với chúng tôi: “Sau khi bài viết đăng, nếu ai đó muốn tìm người thân, anh nhớ chỉ để họ tìm tới chúng tôi nhé”.
Những bệnh nhân mang tên số
Hiện ở các bệnh viện ở TP. HCM vẫn có hàng trăm bệnh nhân vô danh. Đây là những bệnh nhân khi nhập viện trên người họ không có giấy tờ tùy thân, không người thân bên cạnh nên bệnh viện chỉ để họ với những cái tên mang các chữ số.
Theo nhân viên nhà xác, riêng Bệnh viện Chợ Rẫy hiện có gần 20 bệnh nhân được đánh theo số thứ tự như bệnh nhân mang mã số 94791 khoảng 60 tuổi nhập viện và mất ngày 19/12/2009. Trước khi mất bệnh nhân tiết lộ có vợ tên Nguyễn Thị Hồng Hoa ở địa chỉ 35 Hùng Vương, phường 2, quận 6. Hoặc bệnh nhân mang mã số 97215, khoảng 30 tuổi vào viện ngày 13/12, mất ngày 14/12/2009 từ bệnh viện quận 6 chuyển tới... Đối với những bệnh nhân này trước khi mất bệnh viện phải chụp lại hình ảnh, ghi chú rõ ràng để sau này thuận lợi cho người nhà tiếp nhận.


Theo Bưu Điện Việt Nam

Theo đuôi :

ADVERTISEMENT