(VietNam7) Trông mong và kỳ vọng gì khi từ ngài Tổng Bí thư đến ông Bộ trưởng đều nhất loạt “nói không với dấu ấn cá nhân”? Hay cái câu “nói không” của ông Nguyễn Thiện Nhân đã ám hết cả cái xã hội này, một xã hội nhạt nhòa không dấu ấn?
Tôi biết và nghe đến ông Nguyễn Phú Trọng từ khi thầy Thảng (Nguyễn Đình Thảng, Phó Chủ nhiệm khoa Ngữ Văn, Đại học Tổng hợp Huế) còn sống. Mỗi lần nhắc đến ông, thầy Thảng hay… khoe: “tớ kết nạp đảng cho nó đấy” và khen “thằng này được”!
Thầy khen khiến tôi hay để ý. Nhưng để ý mãi thấy ông Trọng cũng chẳng có ấn tượng gì. Hết ở trường đảng (học viện Hồ Chí Minh), đến Bí thư Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội rồi Tổng Bí thư, ông Trọng vẫn nhàn nhạt, tròn trịa và… nhu mì như một ông giáo làng.
Hôm kết thúc đại hội đảng, tôi đang ở Hà Nội. Ngồi với thầy Nguyễn Kim Đính, cựu Chủ nhiệm khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội, cũng nghe thầy khen “tay Trọng khá”. Thật ra ngay lúc đó, khi nghe tin ông Trọng trúng Tổng Bí thư, tôi cũng thoáng một chút mừng. Bởi dù gì thì đây là lần đầu tiên Tổng Bí thư là cựu sinh viên Tổng hợp văn. Và tôi viết: Hi vọng nhờ thế đảng sẽ nhân văn hơn!
Nhưng ngay sau đó tôi thất vọng. Ngay cuộc họp báo đầu tiên, ông Trọng đã phẩy tay rằng: ông không nghĩ đến việc tạo dấu ấn cá nhân!
Và đúng như thế. Từ đó đến nay, tôi không thấy ông để lại được điểm nào gọi là “dấu ấn” trên cương vị Tổng Bí thư. Vì thế tôi tin chủ trương “nói không với dấu ấn” (nhại lời ông Nguyễn Thiện Nhân) là ông Trọng nói thật lòng mình, chứ không hẳn là ông khiêm nhường.
Vậy mà tôi ngạc nhiên khi thấy nhiều người vẫn còn đặt kỳ vọng quá lớn vào ông Trọng. Giáo sư Chu Hảo nổi tiếng là người sắc sảo, biết nhìn xa trông rộng, vậy mà lại đi khuyên và kỳ vọng ở ông Trọng không phải một mà tới 4 dấu ấn cá nhân. Nghe mà tội cho ông Trọng quá. Có lần ngồi với Huy Đức ở Sài Gòn, gã cũng chắp miệng: mình tin bởi dù sao ông Trọng cũng hơn người khác ở chất… nhân văn! Hôm rồi ngồi tám chuyện với mấy cụ tổ hưu, cũng toàn nghe các cụ khen ông Trọng “tay này hiền và được”!
Ôi chao, nếu chỉ hiền thì tốt nhất nên làm chủ tịch… hội từ thiện!
Hay tôi nhìn lệch? Cái gì đã khiến mình mất hết niềm tin và sự kỳ vọng?
Hồi ông Phạm Vũ Luận mới lên Bộ trưởng Giáo dục- Đào tạo, nghe ông Luận phán “không muốn tạo dấu ấn cá nhân” i chang Tổng Bí thư, tôi đã ngứa tai. Trong một cuộc nhậu với thầy Văn Như Cương tại Hà Nội, thầy Cương có ý “trách” tôi vì bài quá nặng tay với câu “không dấu ấn” của ông Luận. Thầy bảo: đó là sự khiêm nhường, là… cách nói thôi, chứ mình tin ông Luận!
Có thể trong ngành giáo nên thầy Cương hiểu ông Luận hơn. Còn với tôi, cho mãi đến hôm nay, trong mắt tôi vẫn chỉ là một ông Luận nhạt nhòa, chìm khuất. Đến hôm ông phản giáo dục tới mức thản nhiên ném câu “việc hàng nghìn thí sinh bị điểm 0 môn lịch sử trong kỳ thi đại học vừa qua là chuyện bình thường” thì hình ảnh vị Bộ trưởng Giáo dục chỉ còn là một con số 0 tầm thường (chứ không phải bình thường)!
Không muốn (hay không dám hoặc không thể) tạo dấu ấn cá nhân chỉ vì anh quá dốt hoặc quá hèn. Mà dốt hay hèn thì làm một ông giáo làng cũng không nên, đừng nói chi đến ghế Bộ trưởng với… Tổng Bí thư! Lịch sử Việt đã để lại quá nhiều “tấm gương” lãnh tụ nhạt đến mức ngồi mấy nhiệm kỳ vẫn không để lại ấn tượng gì, thậm chí vừa nghỉ xong nhiều người còn không nhớ nổi cái tên của họ. Vai trò người chèo lái nhạt nhoà đến vậy thì con tàu cứ luẩn quẩn chưa chìm là may.
Không riêng ông Trọng ông Luận. Cứ đè ra khảo xem trong hàng ngũ hiện thời được mấy vị dám tạo và tạo được “dấu ấn cá nhân”? Trông mong và kỳ vọng gì khi từ ngài Tổng Bí thư đến ông Bộ trưởng đều nhất loạt “nói không với dấu ấn”?
Trong khi đúng ra khi tuyên thệ nhậm chức, người đứng đầu phải hứa trong nhiệm kỳ của mình sẽ làm gì, làm như thế nào cho dân tin, cho ích nước lợi dân, để người dân nhìn vào đó mà giám sát và trông đợi; thì từ Bộ trưởng tới Tổng Bí thư lại “tuyên thệ” bằng cách lắc đầu: không, tôi không muốn tạo dấu ấn cá nhân!
Không tạo được dấu ấn thì ngồi thế làm gì nhỉ? Mà sao ngồi tới cái ghế như thế người ta lại dám thản nhiên ném ra những câu nói “không không” như vậy nhỉ? Bi hài!
Có lẽ sau thời Hồ Chí Minh, ngoài Hồ Chí Minh, duy nhất ông Lê Duẩn có thời được coi là nắm quyền khuynh loát, tiếng nói, quyền uy và vai trò cá nhân sai khiến, lay chuyển được cả một bộ máy. Để thay chuyển tình thế đất nước, Việt Nam cần có một Hồ Chí Minh 2, hay chí ít cũng phải một nhân vật cỡ Lê Duẩn 2, một nhân vật tạo được dấu ấn, dấu ấn và tài năng cá nhân khuynh loát được đám đông. Chứ nhìn trông vào đội ngũ hiện thời, một đội ngũ làng nhàng chẳng ai hơn ai, ai cũng sợ dấu ấn, ai cũng “nói không với dấu ấn cá nhân”, việc gì cũng nhìn qua ngó lại chả ai dám quyết, cũng phải họp để giơ tay lấy số đông, thì chẳng mong đợi có được sự thay chuyển lớn lao nào.
Hay xã hội giờ đang là xã hội sợ dấu ấn? Một xã hội mà những thằng khôn cũng phải giả ngu, hoặc nói như Nguyễn Quang Lập: Thông minh giỏi giang chỉ tổ người ta ghét, cứ ngu ngu hiền hiền là đắc lợi, ai cũng thương, quyền chức cũng dễ có, chứ láu táu ló cái tài của mình ra trước mắt thiên hạ thì… khuynh gia bại sản có ngày.
Hay tôi nhìn lệch? Cái gì đã khiến mình mất hết niềm tin và sự kỳ vọng? Còn ai tạo cho tôi dấu ấn và niềm tin? Hay cái câu “nói không” của ông Nguyễn Thiện Nhân đã ám hết cả cái xã hội này, một xã hội nhạt nhòa không dấu ấn?
Theo TruongDuyNhat's Blog
Theo đuôi :
ADVERTISEMENT