(VietNam7) Ngày 22.8, quân nổi dậy tại Libya đã chấm dứt chế độ cầm quyền suốt 42 năm qua của Tổng thống Gadhafi, sau khi chính thức giành quyền kiểm soát thủ đô Tripoli, bắt giữ hai con trai của ông Gadhafi.
Chiến thắng thần tốc trong ba ngày
Bắt đầu từ đêm 19.8, hàng nghìn chiến binh của phe nổi dậy, với sự hỗ trợ của Tổ chức quân sự Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), đã mở màn chiến dịch tấn công tổng lực nhằm vào thủ đô Tripoli.
Sau khi chiếm được hai thành phố chiến lược nằm sát thủ đô là Zawiya và Zlitan, quân nổi dậy đã giao tranh ác liệt với Lữ đoàn 32 bảo vệ Tripoli và buộc đơn vị chủ lực cuối cùng của phe trung thành với chính phủ phải đầu hàng.
Phe nổi dậy và người dân đổ xuống Quảng trường Xanh ở trung tâm thủ đô Tripoli ăn mừng chiến thắng.
Trong ngày 21.8, quân nổi dậy tiếp tục tiến quân vào Tripoli từ cửa ngõ phía Tây mà hầu như không gặp sức kháng cự nào đáng kể.
Theo AFP, ngay trong ngày 21.8, một số phát ngôn viên của Chính phủ Libya và đích thân ông Gadhafi vẫn phát đi những thông điệp kêu gọi các thủ lĩnh bộ lạc tới Tripoli đánh đuổi "lũ chuột bọ". Tuy nhiên, đến sáng sớm 22.8, đã có thêm hàng trăm chiến binh kéo tới Tripoli bằng thuyền để hỗ trợ tấn công.
Vài giờ sau, Hội đồng Dân tộc chuyển tiếp (NTC) của phe nổi dậy tuyên bố đã chính thức giành được quyền kiểm soát Tripoli, bắt giữ hai người con trai của ông Gadhafi là Saif al-Islam và Saadi. Còn theo thông tin của BBC, con trai cả của nhà lãnh đạo Libya là Mohammed al-Gadhafi đã đầu hàng phe nổi dậy.
Kênh truyền hình Arập Al-Jazeera đưa tin, tại Quảng trường Xanh ở trung tâm của thủ đô, hàng nghìn chiến binh và người dân Libya đã đổ xuống đường ăn mừng chiến thắng. Trưa 22.8 (giờ VN), đọ súng dữ dội đã nổ ra sau khi phe nổi dậy bắt đầu tấn công thành trì Bab Al-Aziziyah ở trung tâm thủ đô Tripoli - nơi có dinh thự của Tổng thống Gadhafi.
Khamis - người con thứ tư của ông Gadhafi đã điều động xe tăng và dẫn đầu một đội quân tới trung tâm Tripoli. Tuy nhiên họ vấp phải sức chống đối mãnh liệt của phe nổi dậy. Các nhân chứng cho biết, khu vực này đã bị NATO san phẳng và không còn ai trong đó.
Chưa rõ tung tích của Gadhafi
Theo thống kê, chỉ trong vòng 24 giờ qua đã có 1.300 người thiệt mạng và 5.000 người khác bị thương trong các cuộc tấn công của lực lượng đối lập. Mặc dù Tổng thống Gadhafi vẫn chưa thấy xuất hiện sau khi quân nổi dậy chiếm Tripoli, song có tin đồn rằng nhà lãnh đạo này sẽ sang tị nạn tại Nam Phi.
Tin đồn trên xuất hiện sau khi nhiều người nhìn thấy hai chiếc máy bay của Hàng không Nam Phi đậu ở sân bay Tripoli trong ngày 22.8. Tuy nhiên, Bộ trưởng Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Nam Phi Maite Nkoana-Mashabane cho biết, ông Gadhafi sẽ không xin tị nạn ở Nam Phi.
Ngày 22.8, một phát ngôn viên của NTC tiết lộ với báo giới, rằng NTC đã ra lệnh cho hàng trăm chiến binh bí mật triển khai tại Tripoli từ vài tuần trước khi diễn ra cuộc tổng tấn công. Các tay súng giấu mặt này ẩn nấp ở nhiều nơi trong thành phố, có nhiệm vụ giám sát mọi hoạt động quân sự của phe chính phủ, bí mật vận chuyển vũ khí vào Tripoli và gây ra các vụ tấn công từ trong lòng thành phố.
Trước những diễn biến chiến sự nhanh chóng tại Libya, Tổng thống Mỹ B.Obama nhấn mạnh, chế độ "bàn tay sắt" của nhà lãnh đạo Gadhafi đã tới hồi cáo chung và nhà lãnh đạo này cần từ bỏ quyền lực ngay lập tức để tránh đổ máu thêm. Trong khi đó, Tổng thống Venezuela Hugo Chavez lên án phương Tây "tàn phá Tripoli".
Libya thời hậu Gadhafi sẽ giống Iraq
Khi chiến cuộc tại quốc gia Bắc Phi đã khá rõ ràng, phương Tây đang ráo riết lên kế hoạch cho một Libya thời hậu Gadhafi. Đại diện NATO và quan chức các nước Mỹ, Anh, Jordan và liên minh châu Phi đã gặp nhau tại Dubai tuần trước để thảo luận về một kế hoạch hậu chiến. Hiện tại, nhân vật cấp cao nhất của quân nổi dậy là Chủ tịch NTC - ông Mustafa Abdel Jalil, một nhân vật có liên hệ chặt chẽ với phương Tây.
Theo AFP, nhiều khả năng nhà lãnh đạo Gadhafi sẽ tìm kiếm khả năng sống lưu vong ở một nước không thuộc thế giới Arab như Venezuela - nơi Tổng thống Hugo Chavez là một người bạn cũ của Gadhafi. Trong khi đó, các quan chức phe đối lập cho biết sẽ bảo đảm tính mạng cho các con trai bị bắt giữ của ông Gadhafi và sau đó sẽ giải tới Tòa án Hình sự Quốc tế ở La Hay (Hà Lan) để xét xử về tội ác chống lại loài người.
Theo kế hoạch thời hậu chiến, trước mắt, Các Tiểu vương quốc A rập thống nhất (UAE), Jordan và Qatar sẽ duy trì một "lực lượng bắc cầu" khoảng 1.000-2.000 người ở Libya sau khi ông Gadhafi ra đi. Một số quan chức Mỹ và châu Âu lo ngại rằng, mặc dù đã được tổ chức tốt hơn và có mục tiêu rõ ràng hơn, phong trào đối lập ở Libya vẫn chưa sẵn sàng lãnh đạo đất nước.
Theo giới phân tích, nếu những người có chủ trương cứng rắn chiếm ưu thế trong NTC, Libya thời hậu Gadhafi có thể sẽ theo vết xe đổ Iraq - nơi tình trạng bạo lực và đổ máu kéo dài triền miên sau khi Mỹ và đồng minh lật đổ chế độ Saddam Hussein vào năm 2003.

Theo đuôi :

ADVERTISEMENT