(VietNam7) Tầm ảnh hưởng đang gia tăng của Trung Quốc trên thế giới thôi thúc ngày càng nhiều người học tiếng Trung. 
Kế hoạch chắp cánh cho tiếng Trung

Để đẩy mạnh sức mạnh mềm trên thế giới, Trung Quốc đưa ra hàng loạt chính sách hỗ trợ sự phát triển sâu rộng của tiếng Trung, qua đó, quốc tế hóa ngôn ngữ này.
Với mục tiêu tăng số lượng người nước ngoài học tiếng Trung lên 100 triệu người, hàng năm Trung Quốc bỏ ra khoản ngân sách lên tới 200 triệu USD và cử tới 5.000 giáo viên ra nước ngoài để thúc đẩy phong trào học tiếng Trung trên toàn thế giới.

Trung Quốc muốn quốc tế hóa ngôn ngữ của mình.
Theo đó, nhiều Học viện Khổng tử - "trung tâm" truyền bá ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc giống như “Hội đồng Anh” và “Trung tâm văn hóa Pháp” được lập ra. Tính đến tháng 7/2010, có tất cả 316 học viện được xây dựng trên 94 quốc gia khác nhau. Theo kế hoạch, tính đến cuối thập kỷ này, Trung Quốc sẽ có 1.000 Học viện Khổng tử trên thế giới.
Xu hướng thời đại?
Kế hoạch nhân rộng học viện này cùng với sức ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc khiến việc học tiếng Trung đang trở thành trào lưu trên thế giới.
Quốc gia mới nhất gia nhập trào lưu này là Pakistan. Giới chức giáo dục tại tỉnh Sindh, Pakistan cho hay, họ có kế hoạch đưa tiếng Trung trở thành môn học bắt buộc cho các học sinh từ lớp 6 trở lên.
“Trong bối cảnh Pakistan và Trung Quốc ngày càng gắn bó chặt chẽ trong thương mại và ngoại giao, thế hệ trẻ của Pakistan không còn cách nào khác là phải thông thạo ngôn ngữ của họ”, Pir Mazhar-ul-Haq, quan chức giáo dục tỉnh Sindh nhấn mạnh.
Theo ông, nếu sử dụng tốt tiếng Trung, thế hệ trẻ Pakistan có thể sẽ dễ dàng nhận học bổng sang Trung Quốc du học và quan trọng hơn kiếm được việc làm tốt tại các công ty Trung Quốc đầu tư tại Pakistan.
Tương tự, giới chức Thụy Điển mới đây cũng thông báo tất cả các trường tiểu học ở quốc gia này phải đưa môn tiếng Trung vào giảng dạy. Trước đó, ĐH Seoul danh tiếng của Hàn Quốc cũng thông báo lấy tiếng Trung Quốc thay cho tiếng Anh làm ngoại ngữ chính trong các chương trình đào tạo của mình.

Nhiều nước đưa tiếng Trung trở thành môn học bắt buộc trong nhà trường.
Trào lưu này cũng hấp dẫn cả Tổng thống Nga Medvedev. Ông từng bông đùa rằng “2010 là năm người người nhà nhà đổ đi học tiếng Trung” và có lẽ ông cũng phải trang bị cho mình thứ ngôn ngữ này.
Theo ông Li Quan, giáo sư tại ĐH Nhân dân Trung Quốc ở Bắc Kinh, sở dĩ “người người nhà nhà” đến với tiếng Trung là bởi vị thế của Bắc Kinh ngày càng được nâng lên trên trường quốc tế.
“Chúng ta giờ là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới và là động lực phát triển của kinh tế toàn cầu. Phương Tây bắt đầu nhận ra rằng, nếu họ muốn lĩnh hội được bài học của giới chức Trung Quốc thì điều trước tiên họ phải làm là học tiếng Trung. Do đó, thông thạo tiếng Trung là xu thế tất yếu của thời đại”, ông Li nhấn mạnh.
Rào cản lớn
Tuy nhiên, ông Li thừa nhận, cái gọi là “xu thế tất yếu của thời đại” này chưa đủ để giúp giới chức Bắc Kinh hiện thực hóa giấc mơ đưa tiếng Trung trở thành thứ ngôn ngữ quốc tế, thay thế vị trí của tiếng Anh.
“Tiếng Trung rất khó có thể trở thành ngôn ngữ toàn cầu. Thực tế cho thấy các nước chỉ bắt buộc học tiếng Trung ở mức tiểu học và trung học. Ở trình độ này, người học khó có thể sử dụng thông thạo tiếng Trung”, ông Li cho hay.
Ông Li cũng dẫn số liệu thống kê của Cục Thống kê giáo dục ĐH Trung Quốc cho thấy, trong năm ngoái, chỉ khoảng 1.500 sinh viên nước ngoài có trình độ tiếng Trung ở mức ĐH.
Theo giáo sư này, một trong những lý do khiến người học tiếng Trung không muốn học nâng cao thứ ngôn ngữ này là bởi họ cảm thấy việc phát âm đúng ngữ điệu, học từ vựng cũng như ngữ pháp của tiếng Trung quá khó. “Đến những sinh viên chăm chỉ và đam mê nhất cũng phải rất chật vật mới có thể học thuộc lòng được vài nghìn từ vựng. Con số đó chưa thấm tháp vào đâu cả”, ông Li nhấn mạnh.
Do đó, ông khẳng định, mức độ phổ biến của tiếng Trung giờ chưa thể sánh với tiếng Anh. “Người học tiếng Anh có nhiều cách tiếp cận để nghiên cứu và học thứ ngôn ngữ này. Ngoài ra, họ cũng có nhiều cơ hội phát triển với tiếng Anh. Hầu hết các kỳ thi quốc tế đều bằng tiếng Anh. Các công ty nước ngoài cũng ưu tiên cho những người thông thạo tiếng Anh hơn”, ông Li cho biết.

Người nước ngoài cảm thấy rất chật vật trong việc nhận mặt chữ Trung Quốc.
Chia sẻ quan điểm này, ông Zheng Wei, một học giả tại nhà xuất bản của ĐH Ngôn ngữ Bắc Kinh cho rằng, các số liệu chính thức cho thấy, hiện có khoảng 50 triệu người nước ngoài học tiếng Trung. Tuy nhiên, chúng tôi cũng không quá lạc quan lắm với con số này. Đó chỉ là số người có hứng thú với tiếng Trung còn những người có thể sử dụng thông thạo ngôn ngữ này thì ít hơn rất nhiều.
Theo ông, nếu chỉ học ở mức tiểu học và trung học và không thực hành liên tục cũng như không sống trong môi trường bản ngữ thì người học có thể dễ dàng quên đi những gì được học.
“Đó là một thách thức không nhỏ. Nếu có đông đảo số người học nhưng rồi lại không sử dụng nó thì tiếng Trung mãi mãi cũng chỉ là thứ ngôn ngữ của riêng người Trung Quốc”, ông Zheng Wei khẳng định.
theo Telegraph, ĐVO

Theo đuôi :

ADVERTISEMENT