(VietNam7) Liên tục kêu lỗ và đòi Nhà nước phải bù lỗ hàng ngàn tỷ đồng khi cần giữ hoặc tăng giá xăng dầu. Nhưng trong báo cáo tài chính chuẩn bị cho kế hoạch phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng, Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) lại công bố hàng loạt các con số lãi lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Tại sao lại có nghịch lý như vậy?
Cách lý giải này, theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long là sự “ngụy biện” và “không sòng phẳng”. Cụ thể, trong việc làm ăn buôn bán, ký hợp đồng ngoại thương, cái mà hai bên quan tâm là giá và phương thức tính giá, nên nói “hàng về rồi chưa có giá” là không đúng.
Báo cáo như vậy là không sòng phẳng
Tại buổi Hội thảo “Điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường hiện nay” do Bộ Tài chính tổ chức sáng 20/9, một lần nữa, đại diện của Petrolimex, ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Petrolimex lại kêu khó và đưa ra những con số lỗ nặng. Cụ thể, tính tới tháng 8, Tổng công ty lỗ 1.800 tỷ đồng. Trong tháng 9, công ty ước lỗ 200 tỷ đồng. Như vậy, lỗ 9 tháng đầu năm 2011 của Petrolimex ước khoảng 2.000 tỷ đồng.
Trong khi đó, trong báo cáo tài chính chuẩn bị cho kế hoạch phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng vừa công bố, năm 2008, đơn vị này lãi trên 913 tỉ đồng, năm 2009 lãi tiếp 2.880 tỷ đồng, năm 2010 lãi 81,1 tỷ đồng và dự kiến trong năm 2011 này là 2.154 tỷ đồng.
Tại hội thảo khi được yêu cầu trả lời cho sự mâu thuẫn này, đại diện của Petrolimex đã né tránh việc trả lời vào thẳng vấn đề. Và ngay sau đó, ngày 21/9, Petrolimex lại tổ chức một buổi gặp gỡ báo chí riêng để “giãi bày” sự việc. Theo đó, ông Bùi Ngọc Bảo lý giải nghịch lý này là do: “Trong các giao dịch, kí hợp đồng theo quốc tế, có công thức tính giá lấy trước 2 ngày hoặc 2 ngày sau khi giao, cũng có hợp đồng giá trung bình của một tháng, dẫn đến có chuyện hàng về rồi nhưng chưa có giá, nhưng chúng tôi vẫn phải làm tờ khai hải quan theo giá tạm tính. Tuy nhiên, khi thanh toán lại là mức giá khác. Có thể một số nhà nghiên cứu lấy giá tạm tính để tính toán”.
Petrolimex: Tiền hậu bất nhất |
“Hợp đồng mua bán nào cũng phải định giá rất rõ, chứ không thể có giá nào là giá tạm tính. Như vậy là tiền hậu bất nhất. Hóa ra khi mua bán không tuân theo các quy định của luật pháp Quốc tế. Mặt khác, tỷ giá USD thời gian gần đây khá ổn định, không có nhiều biến động, nên việc biến động giá cũng không phải là nhiều”, ông Long nhấn mạnh.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cũng cho rằng, việc nhập hàng về mà chưa có giá là điều hết sức phi lý.
“Tại sao Petrolimex khai lỗ, nhưng khi cổ phần hóa lại khai là lãi to. Đâu là sự thật? Giá xăng rất quan trọng với nền kinh tế. Các công ty xăng kinh doanh có lãi và hợp lý là tốt cho nền kinh tế. Vì thế, lời giải thích của Petrolimex cần xem xét và thẩm định lại”, ông Doanh nhấn mạnh.
Không chỉ khiến người tiêu dùng phải đặt câu hỏi về chuyện lỗ hay lãi, ngay cả việc giải thích lỗ của Petrolimex cũng khiến nhiều người không đồng tình.
Tại buổi hội thảo hôm 20/9, ông Bảo lý giải chuyện lỗ của Petrolimex là do đã “tính gộp các mặt hàng làm một, chỉ tổng doanh thu, lợi nhuận”.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ đã phản bác ngay cách lý giải này, vì cho rằng, việc tính lỗ, lãi của từng mặt hàng là cần thiết đối với việc kinh doanh của một doanh nghiệp và đây là việc có thể làm được.
Còn theo các chuyên gia kinh tế, đây vẫn chỉ là những chiêu “ngụy biện” của Petrolimex, vì không thể nói một doanh nghiệp làm ăn mà không biết từng mặt hàng lỗ, lãi bao nhiêu. Việc tính toán cụ thể này rất quan trọng đối với từng doanh nghiệp, vì những con số sẽ là định hướng kinh doanh cho từng doanh nghiệp. Hơn nữa, các mặt hàng có thể có chi phí chung, nhưng vẫn phải bóc tách từng mặt hàng riêng.
“Nếu không bóc tách được từng mặt hàng, thì quản trị như thế là quá kém. Mặt khác, ông Bảo có giải thích lỗ là lỗ xăng dầu, nhưng lại lãi các mặt hàng khác. Như vậy, nếu không hạch toán riêng thì làm sao biết lỗ. Câu trả lời rất mâu thuẫn”, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long dẫn chứng.
“Nhập nhèm” để hưởng lợi từ ngân sách nhà nước
Lý giải câu chuyện “nhập nhèm” giữa việc lỗ hay lãi của Petrolimex, ông Ngô Trí Long cho rằng, thực tế, có nhiều nguyên nhân, một trong những nguyên nhân là do cơ chế điều hành giá xăng của Việt Nam vẫn chưa hoàn toàn mang tính thị trường.
Tuy nhiên, việc định giá hiện nay vẫn hết sức rối rắm, theo Nghị định 84/2009/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu, có hiệu lực từ ngày 15/12/2009, doanh nghiệp có quyền tăng giá xăng dầu cứ 10 ngày/lần nếu tăng dưới 7% và báo cáo sau, tăng từ 7 đến 12 % thì doanh nghiệp được quyền tăng giá bán lẻ 7%, cộng thêm 60% của mức tăng từ 7% - 12%. Khoản lỗ 40% còn lại, doanh nghiệp sẽ được Quỹ bình ổn giá bù đắp theo hướng dẫn của Bộ Tài chính (chỉ được dùng Quỹ bình ổn khi mức tăng giá trên 7%). Và trường hợp giá thế giới tăng trên 12% thì giá xăng dầu trong nước do Nhà nước quyết định.
“Cách định giá như vậy là rất nửa vời, lưỡng tĩnh. Nếu độc quyền thì nên để Nhà nước định, còn nếu cho phép cạnh tranh theo thị trường thì để doanh nghiệp định giá”, ông Long cho biết.
Chính sự không minh bạch trong tính giá xăng, dầu này cũng là một nguyên nhân khiến các doanh nghiệp xăng dầu luôn kêu lỗ. Hiện nay, theo báo cáo của Bộ Công thương, Petrolimex chiếm khoảng 55% thị trường xăng dầu cả nước. Petrolimex không chỉ làm nhiệm vụ kinh doanh mà còn làm nhiệm vụ chính trị, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Tuy nhiên, hai nhiệm vụ này vẫn chưa có một sự bóc tách nào rõ ràng, chính vì thế các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối vẫn thích kêu lỗ hơn là báo cáo lãi. Vì khi lỗ sẽ nhận được nhiều sự hỗ trợ của Nhà nước, cụ thể là việc bù lỗ hàng ngàn tỷ đồng khi Nhà nước muốn giữ giá.
Đánh giá về con số lỗ mà Petrolimex đưa ra, theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, cần phải chờ kết quả kiểm toán của Bộ Tài Chính. Tuy nhiên, việc kêu lỗ nhưng báo cáo lãi của Petrolimex có thể là do, khi lên sàn, nếu báo cáo lỗ thì sẽ không ai muốn đầu tư. Do đó, có thể đó là một chiêu làm hàng khi lên sàn.
Theo VTC
Theo đuôi :
ADVERTISEMENT