Xưa nay người ta vẫn thường bảo nhau rằng: “Đàn bà là phái yếu”, và cái cảnh vợ bị chồng bạo hành chẳng còn là chuyện xa lạ. Vì vậy nên người vợ luôn được ưu tiên, luôn được bảo vệ, luôn được bênh vực.
Sự giày vò thầm lặngThế nhưng lại có những người tuy thuộc phái yếu nhưng cái sự “yếu đuối” của họ đã làm cho các đấng mày râu phải khốn khổ, điêu đứng. Và đó là một nỗi khổ khó mà chia sẻ, bởi các đức ông chồng được tiếng là phái mạnh, nhưng lại bị vợ “đè đầu cưỡi cổ”, đó hẳn phải là một nỗi đau và sự sỉ nhục lớn đối với một người đàn ông.
Gia đình ông Hòa được tiếng là đầm ấm, vợ chồng ông luôn là tấm gương mẫu mực để những đôi vợ chồng mới cưới trong cơ quan hay trong khu phố noi theo học tập. Trong nhà ông lúc nào cũng êm đềm, người ta chẳng bao giờ nghe được một lời nào to tiếng. Ông bà đều là người học thức và có địa vị xã hội nên luôn ý thức giữ gìn danh tiếng, thể diện cho gia đình mình. Thế mà đùng một cái, ông bà đòi chia tay, dù tuổi chẳng còn trẻ trung gì.
Vợ chồng đầu gối tay ấp đến ngần ấy tuổi mà còn ly dị cũng là một chuyện lạ ở đời. Thế nhưng mặc cho con cái can ngăn, mặc cho làng xóm xì xào, ông vẫn quyết đâm đơn ly dị. Ông bảo đến cái tuổi này rồi, ông phải tự giải thoát, cứ sống thế thì chẳng mấy mà bị vợ hành cho phát điên.
Thoạt tiên chẳng ai tin ông bị vợ hành, vì vợ ông lúc nào cũng đảm đang, dịu hiền, ăn nói lại nhỏ nhẹ, chỉ đến khi ông dẫn một loạt những bằng chứng không thể chối cãi về việc ông bị vợ làm cho khốn đốn đến nỗi ăn không ngon, ngủ không yên, đêm ngày thấp thỏm thì mọi người mới phải lắc đầu, tặc lưỡi: “Kể ra thì ông cũng khổ thật!”.
Để xảy ra cái cơ sự ấy, lỗi ban đầu cũng tại ông, trong một ngày “thiếu kiên định” ông đã làm chuyện có lỗi với vợ. Lúc đầu ông Hòa ăn năn lắm, ông sợ vợ biết, rồi hạnh phúc gia đình ông sẽ đổ vỡ, mà ông thì lại không hề muốn thế, chẳng qua cũng chỉ vì vài phút… “yếu lòng”.
Nhưng may mắn là vợ ông chẳng hề hay biết, thế là ông lại… “yếu lòng” thêm vài lần nữa, rồi dần dần, ông quen mùi, thích ăn ‘phở” hơn ăn “cơm”. Rồi chuyện cũng đến tai vợ ông, bà bán tín bán nghi, nhưng để yên tâm, bà bí mật thuê người theo dõi chồng. Qua những thông tin và những bức ảnh mà thám tử mang về, ông không thể phủ nhận tội lỗi.
Vợ chồng đồi gối tay ấp đến ngần ấy tuổi mà còn ly dị cũng là một chuyện lạ ở đời.
Vợ ông không tin nổi vào mắt mình, cơn ghen của mấy chục năm tình nghĩa dồn cả vào cái giây phút ấy. Dù ông có thề thốt, hứa hẹn, dù ông có cố gắng sửa chữa nhưng bà vẫn không thể tha thứ và niềm tin bà đặt vào ông suốt mấy chục năm gắn bó đã bị cơn thịnh nộ của bà làm cho tan tành mây khói. Từ đó, cái cảnh mà ông Hòa gọi là “địa ngục trần gian” chính thức bắt đầu.
Sẵn có kinh tế vững vàng, vợ ông thuê thám tử theo dõi ông 24/7. Ông đi những đâu, làm những gì, gặp gỡ những ai đều không qua được mạng lưới kiểm soát gắt gao của bà. Ngày nào bà cũng có hàng xấp ảnh chụp ông và những hoạt động của ông. Hễ có ảnh nào liên quan đến phái nữ là ông lại phải giải trình. Ngày nào về đến nhà, ông cũng bị bà “tra khảo”. Cứ đến giờ ăn cơm là bà lại bày la liệt ảnh thám tử chụp được lên bàn, chỉ vào từng ảnh một, hỏi xem cô này là ai, bà kia là thế nào, quan hệ với ông ra sao…
Chỉ cần ông ngập ngừng một chút là bà lại quắc mắt nghi ngờ. Chưa hết, tối nào bà cũng bắt ông đưa điện thoại để kiểm tra các cuộc gọi và tất cả tin nhắn, bà còn ra sức hít ngửi quần áo của ông xem có mùi nước hoa lạ hay son phấn gì dính vào không. Hết chừng ấy “thủ tục”, ông mới được bà… tha cho đi ngủ.
Tuy ghen tuông dữ dội như vậy nhưng không bao giờ bà nặng lời với ông, lúc nào bà cũng nhẹ nhàng lịch sự và nói năng đúng mực, nhưng ông thì luôn cảm thấy nghẹt thở trước mỗi hành động của bà. Chỉ sau 3 tháng bị bà… hành hạ, ông như muốn phát điên, lúc nào đầu óc ông cũng căng thẳng vì những giày vò thầm lặng mà bà dành cho ông. Mặc dù các con của ông bà đã cố công đứng ra giảng hòa, nói đỡ cho bố, nhưng thái độ của bà vẫn không hề suy chuyển.
Không chịu nổi cách cư xử của vợ mình, ông đành viết đơn ly dị. Từ ngày ấy đến giờ, ông hoàn toàn xa lánh phụ nữ. Thỉnh thoảng ngồi nhậu với các bạn, ông lại ngao ngán và chua xót mà đúc kết rằng: “Đàn bà giống cái cà vạt, trẻ trai đeo thì thấy đẹp, về già tự dưng đeo vào thấy như bị thít cổ, rồi đến ngày cái cà vạt nó cũng thành cái thòng lọng thôi”.
Bi kịch “chồng em ngồi bếp sờ đuôi con mèo"
Chị Mai hay giới thiệu về chồng mình như thế, trong cái điệu cố tỏ ra hài hước của chị, người ta vẫn cảm nhận thấy sự đắng cay và ngượng nghịu không thể giấu diếm. Còn anh Hải chồng chị thì cố nặn ra một nụ cười méo xệch để giữ lại chút thể diện mà cái lời giới thiệu của vợ, chẳng biết là vô tình hay hữu ý đã phủi sạch trơn.
Chị Mai vốn là trưởng phòng kinh doanh của một công ty nước ngoài, lương tháng của chị cao ngất ngưởng. Trong khi đó, anh Hải chồng chị lại chỉ là một giáo viên thể dục của một trường cấp 2 không tiếng tăm. Thu nhập của anh thậm chí còn chẳng đủ để uống vài bữa bia với mấy ông bạn chí cốt. Kinh tế gia đình hoàn toàn phụ thuộc cả vào chị Mai. Trong gia đình, chị trở thành trụ cột.
Không chịu nổi cách cư xử của vợ mình, ông đành viết đơn ly dị.
Trước kia, gia đình anh chị rất hòa thuận, hai vợ chồng cùng ra sức vun vén, chăm sóc cho cái tổ ấm bé nhỏ của mình, rất yêu thương và tôn trọng lẫn nhau. Nhưng từ ngày chị Mai được thăng chức trưởng phòng, kinh tế gia đình khá giả, anh Hải lại đâm ra chơi bời, hay nhậu nhẹt. Anh la cà với đám bạn hữu thâu đêm suốt sáng, bước chân về tới nhà là đã say lướt khướt. Người ngoài nhìn thì nghĩ rằng anh cậy vợ kiếm ra tiền nên ăn chơi đổ đốn, nhưng thật ra anh có nỗi khổ riêng không dễ gì nói cho người ngoài biết được.
Là người đàn ông, người chồng, người cha nhưng anh chẳng có vị trí nào trong gia đình, vợ anh tự cho mình cái quyền tự quyết tất cả mọi việc từ nhỏ đến lớn, không bao giờ chị hỏi ý kiến chồng. Từ việc lắp thêm cái điều hòa, chọn trường cho con hay chuyển sang nhà mới, chị đều làm xong rồi mới cho anh biết. Anh có góp ý chị cũng cố tình để ngoài tai, mọi lời anh nói với chị đều chẳng có chút trọng lượng nào.
Ngay đến việc dạy dỗ con cái chị cũng không cho anh tham gia. Mỗi khi anh định dạy bảo con điều gì, chị lại mỉa mai: “Nghe lời bố rồi lại giỏi giang như bố”, làm anh cảm thấy bị xúc phạm. Trong nhà đã vậy, ở ngoài chị Mai cũng chẳng tỏ ra coi trọng chồng mình hơn. Những buổi tiệc tùng, liên hoan ở công ty, bất đắc dĩ lắm chị mới đi cùng chồng. Chị luôn tỏ ra tự ti, xấu hổ vì chồng mình.
Vào bữa tiệc tất niên của công ty, khi đồng nghiệp hỏi về nghề nghiệp của anh Hải, chị tỏ ra lúng túng rồi lại cười ngượng: “Chồng em ngồi xó bếp vuốt đuôi con mèo”. Anh thấy đấy là một điều sỉ nhục ghê gớm và rất xấu hổ với mọi người. Ở nhà, chị cư xử với anh như cấp trên đối xử với cấp dưới, dù rất lịch sự nhưng cũng rất trịch thượng.
Vì anh có nhiều thời gian rảnh rỗi hơn nên chị thường “phân công” cho anh làm việc nhà, cứ mỗi lần anh làm điều gì không vừa ý chị như lau nhà không sạch, quên giặt quần áo… là chị lại nhiếc móc anh là người vô trách nhiệm, lười nhác… Dần dần, anh cảm thấy mình giống như một ô sin trong nhà, hàng tháng được… nhận lương từ vợ.
Điều làm anh khó chịu nhất là trong mỗi bữa cơm, chị toàn đem chuyện “nhà người” ra nói. Chị lấy đủ các dẫn chứng về những người đàn ông giỏi giang, thành đạt xung quanh chị:“Chồng cái H bây giờ giỏi lắm, đi Tây đi Tàu như đi chợ, tiền kiếm ra chẳng biết để đâu cho hết. Cái H sướng lắm, chỉ suốt ngày đi spa với resort, chẳng phải lo nghĩ gì…”
Chị vẫn kể hồn nhiên mà không biết rằng mỗi lời chị nói, mỗi phép so sánh của chị đều như nhát dao cắt cứa vào lòng anh, làm cái sĩ diện, tự trọng của một người đàn ông trong anh bị tổn thương ghê gớm. Nhiều hôm không ăn nổi cơm, anh bỏ ra ngoài hút thuốc thì chị lại trách móc anh vô tâm với vợ con. Mặc cảm thua kém vợ khiến cho anh chán nản, sinh ra rượu chè, giao du la cà với đám bạn nhậu. Chị thấy thế lại càng đay nghiến, coi thường anh hơn trước.
Bị vợ o ép, hành hạ đầu óc, cuộc sống của anh trở nên bí bách, ngột ngạt. Rồi anh chị chia tay nhau như một điều tất yếu. Chỉ nửa năm sau, anh đã kết hôn với một người phụ nữ khác. Chị này tuy không xinh đẹp, giỏi giang như người vợ trước, lại là một cô gái quê mùa, ít học, buôn bán đồ lặt vặt ở chợ, nhưng lại rất nết na, hiền lành và đặc biệt là rất tôn trọng anh. Gia đình mới của anh tuy không khá giả về kinh tế nhưng lại luôn đầy ắp tiếng cười, và lúc này đây, anh mới thực sự là một người chồng hạnh phúc.
“Không tắm thì đừng mặc quần áo”
Chị Hà đã dõng dạc tuyên bố với chồng như thế sau nhiều năm chung sống mà anh vẫn… ở dơ như ngày nào. Từ thời còn chưa vợ, anh Thắng, chồng chị đã có tiếng là…ở bẩn. Hồi ấy, anh lười tắm tới mức tiếng tăm của anh đã được cả cái kí túc xá sinh viên biết đến. Các bạn học của anh còn đùa cợt rằng nếu ai cũng sống như anh thì thế giới sẽ chẳng bao giờ có nạn thiếu nước.
Thế mà anh lại lấy được vợ. Vợ anh lại là một y tá. Công việc của chị đòi hỏi sự tỷ mỷ và sạch sẽ, thói quen ấy đã ăn sâu vào nếp sống của chị. Đó là một thứ “bệnh nghề nghiệp”. Chị luôn đòi hỏi một sự sạch sẽ tuyệt đối, đụng vào bất cứ thứ gì, chị cũng thấy nó tiềm ẩn đầy vi khuẩn và bệnh tật.
Vì vậy, lúc nào chị cũng rửa tay, những thứ xung quanh chị lúc nào cũng bóng loáng và thơm phức. Đám cưới của anh chị là một nỗi ngạc nhiên lớn cho tất cả người thân và bè bạn. Anh chị về ở với nhau là cả một sự cố gắng, nỗ lực của cả hai. Anh thì cố gắng… chăm tắm hơn, còn chị thì cố gắng… ở bẩn đi một chút.
Nhưng đến khi chị Hà sinh đứa con đầu lòng, công việc chăm sóc, lo lắng cho em bé đã chiếm hết thời gian và tâm trí của chị, khiến chị xao lãng đi nhiều thứ, ví dụ như việc… nhắc chồng ăn ở vệ sinh. Thấy vợ bận rộn, ít quan tâm hơn đến mình, anh Thắng như được “tháo cũi, xổ lồng”, anh tha hồ sống theo ý thích riêng, tha hồ quay lại nếp thời sinh viên, cái thời mà “cả tuần không tắm cũng chả sao”.
Quần áo đi làm cứ ba ngày anh mới chịu thay một bộ, riêng đôi tất thì phải đi trọn một tuần. Thay quần áo ra anh thậm chí còn chẳng thèm tắm, cứ thế mở tủ, chọn một bộ mới rồi khoác lên, đi làm. Mỗi lần giặt quần áo cho chồng, chị Hà lại kêu trời kêu đất.
Cái cổ áo cáu cạnh của anh, dù chị có ra sức dùng bàn chải cọ thật mạnh, dù chị có ngâm bột giặt đến hai ngày thì vẫn chẳng thể nào giặt nổi. Còn đôi tất của anh thì thật là một nỗi ác mộng với chị. Quần áo của anh lúc nào cũng phải ngâm riêng ra một chậu để khỏi… lây mùi sang quần áo người khác, và thường phải giặt đi giặt lại 2 lần mới… tạm sạch. Có hôm tức quá chịu không nổi, chị “đình công”, quyết không giặt quần áo cho anh đến hai tuần liền. Nhưng anh chẳng mảy may bận tâm, chị không giặt thì anh cũng chẳng cần thiết phải thay, anh cũng mặc một bộ suốt hai tuần.
Nhìn anh đi làm với bộ đồ nhem nhuốc, lôi thôi, lếch thếch, chị cảm thấy vô cùng xấu hổ với hàng xóm, nhưng anh lại tỏ ra hết sức thoải mái. Một lần, sau bữa cơm, anh chị đã có một cuộc… “góp ý to tiếng” với nhau. Chị phản đối gay gắt việc anh tiếp tục ăn ở mất vệ sinh và cho rằng đó là một sự thiếu tôn trọng ghê gớm đối với chị. Nhưng anh cự lại rằng anh xứng đáng được nhận danh hiệu “người chồng mẫu mực” vì sự tiết kiệm triệt để của mình.
Anh tiết kiệm từ bột giặt, nước sinh hoạt cho đến cả sức lực của vợ. Anh bảo thấy vợ chăm con mệt nên anh không muốn bắt chị ngày nào cũng phải giặt quần áo cho anh, anh luôn tự hào rằng anh là một người chồng thương vợ “có một không hai”.
Bất lực trước những lý luận “cùn” của anh, chị chẳng nói chẳng rằng, mặt đỏ phừng phừng, lao vào trong phòng. Một lúc sau, chị trở ra, trên tay ôm một mớ quần áo bẩn đang bốc mùi thum thủm, ném đánh “uỵch” trước mặt anh. Anh còn đang ngơ ngác không hiểu vợ sẽ làm gì thì chị bất ngờ rút ra một cái kéo to đùng, sắc lẻm, giơ từng cái quần cái áo lên xẻ ngang xẻ dọc. Vừa làm chị vừa quát: “Quần này! Áo này! Bẩn thế này thì cho làm giẻ lau hết!”.
Trước hành động đầy “bạo lực” của chị, anh vẫn dửng dưng và hồ hởi: “Anh còn nhiều quần áo lắm! Em cứ dùng đi, dù sao anh cũng chẳng mặc hết”. Rồi anh vẫn chứng nào tật ấy, vẫn ở bẩn và lười tắm. Còn chị thì chán nản với ông chồng “khó đào tạo” của mình, từ đấy chị chẳng cần nói nhiều, quần áo của anh cứ ba ngày không thay là chị lại cắt, cắt cho tơi tả, “cắt cho bõ tức”.
Tủ quần áo của anh cứ vơi dần, cạn dần, thưa thớt dần. Bởi thế anh càng có cớ kéo dài “hạn sử dụng” của mỗi bộ quần áo. Và cũng vì thế mà chị càng “nộ khí xung thiên”. Đến khi tủ quần áo của anh gần như chẳng còn bộ nào thì anh chị quyết định ly thân một thời gian để cả hai vợ chồng… thay đổi lối sống.
Dạy chồng bằng… gia pháp
Anh Kiệt có một nỗi thống khổ không thể chia sẻ với người ngoài. Đường đường là một đấng nam nhi, anh không thể thú nhận việc mình bị vợ bạo hành. Nhưng quả thật là anh bị vợ đánh, mà còn bị đánh như người ta đánh đứa trẻ con hư. Dù sao thì anh vẫn yêu vợ, và vẫn không thể thốt ra lời cái nỗi đau mà hằng ngày anh phải chịu.
Nhưng cũng chẳng phải tự nhiên mà vợ anh lại đối xử bạo lực với chồng như vậy. Từ hồi còn trẻ trai, anh Kiệt đã có tính “tiết kiệm” thái quá. Bạn bè anh thường nói đùa với nhau rằng cái tên ngẫu nhiên lại trùng hợp một cách kỳ lạ với tính cách của anh, và họ khen rằng bố mẹ anh thật khéo đặt.
Anh chẳng những không cho ai mượn cái gì, lại còn chẳng mua sắm gì cho bản thân. Anh giữ của nả bo bo như thể hễ cứ sơ sểnh là tự nó mọc chân chạy mất. Có nhiều tiền, anh cũng chẳng dám gửi ngân hàng hay gửi tiết kiệm, anh sợ phải trao tiền cho người khác. Cứ dính đến vật chất là anh thấy mọi người đều đáng nghi và đều tham lam như nhau, anh chẳng tin được ai.
Bởi tính tình khó chịu nên anh chẳng có nhiều bạn. Anh lấy được vợ cũng là cả một sự may mắn lớn. Vợ anh lại là một người rất “thoáng tính”, chị chẳng bao giờ so đo thiệt hơn, chẳng bao giờ tính toán với bạn bè, người thân. Những người quen biết anh chị đều bảo rằng anh chị là một cặp trái dấu hút chặt lấy nhau, bởi tính cách hai người hoàn toàn trái ngược, thế mà lại yêu nhau thắm thiết.
Hồi mới yêu nhau, anh vẫn thường âu yếm gọi chị là “con mèo nhỏ của anh”. Nhưng lấy nhau rồi anh mới té ngửa, vì “mèo nhỏ” bỗng dưng hóa thành “sư tử Hà Đông”. Thật lòng thì chị Hoa rất yêu chồng, nhưng cũng chính vì tình yêu ấy nên chị mới quyết tâm giúp anh thay đổi tính nết, dù biết rằng rất khó khăn, vất vả. Chị không muốn chồng mình bị bạn bè chê cười, bị người thân xa lánh vì cái tính “tiết kiệm” và đa nghi của anh.
Ngày anh chị về ở với nhau, trang bị cho “tổ ấm” hạnh phúc của mình, anh sắm toàn đồ “nồi đồng cối đá”, mặc cho chị phản đối những thứ đồ ấy chẳng hợp thời trang chút nào, anh vẫn có lý lẽ riêng. Anh bảo rằng những đồ ấy dùng mới bền, mới kinh tế, mới lâu hỏng. Nhưng rồi những thứ đồ mà anh đinh ninh rằng sẽ phải dùng đến trọn kiếp người thì chẳng bao lâu sau ngày cưới đã lần lượt “đội nón ra đi”. Mỗi lần rửa bát đĩa vợ anh lại cố tình đập vỡ đi một tí, buộc anh phải chi tiền mua bát đĩa mới. Nhiều lần như thế, anh tỏ ra tức tối, nhưng chị còn tỏ ra hung dữ hơn, sợ vợ, anh đành nhắm mắt chi tiền, dù rằng lòng đau như cắt.
Sau năm lần sắm đồ bếp núc mới, anh tức khí, mua toàn bát đĩa bằng inox, tha hồ cho chị đập chẳng sợ sứt mẻ. Nhưng vợ anh cũng chẳng phải tay vừa, không được vỡ thì chị cũng phải ném cho bằng móp méo mới thôi. Anh xót của, đứng ngồi không yên.
Có hôm không chịu nổi, anh to tiếng quát nạt vợ, không ngờ chị còn ghê gớm hơn, to tiếng hơn. Cuộc khẩu chiến leo thang đến đỉnh điểm thì chị xồng xộc chạy đi tìm cái gậy rõ to, đập anh túi bụi. Anh tự nhủ: “Phụ nữ là phái yếu” nên chỉ chống đỡ chứ không hề đánh trả. Kết quả là cái sự “yếu mềm” ấy của chị đã để lại không ít “vết tích” trên người anh.
Hôm sau, khi anh đến cơ quan, mọi người đều ngạc nhiên vì khắp mình anh đều thâm tím, nhưng anh chỉ ngượng ngùng giải thích lý do là vì không cẩn thận nên ngã cầu thang. Tuy nhiên cái sự “không cẩn thận” ấy của anh chẳng phải diễn ra một lần. Cứ thỉnh thoảng người ta lại thấy anh mình đầy “chiến tích”, nhưng dù có bị gặng hỏi, anh cũng chẳng chịu hé răng nửa lời.
Mãi sau này, khi cả hai bên gia đình nội ngoại phải mở cuộc điều tra thì mới biết rằng anh bị như vậy là do…vợ đánh. Trong nhà anh chị, ngoài những thứ đồ dùng thông thường, còn có một cây thước gỗ rõ to mà chị gọi là… gia pháp chỉ chuyên dùng để dạy chồng. Sau những trận đòn của vợ, không biết tính tình anh có thay đổi nhiều hay không, nhưng vợ anh thì được tiếng là bà vợ hung hãn, bạo lực, còn anh thì được tiếng là ông chồng nhu nhược, sợ vợ như… sợ mẹ.
Theo Eva
Theo đuôi :
ADVERTISEMENT