(Dân trí) - Với một số công ty, các cuộc khủng hoảng hay suy thoái kinh tế dường như không thành vấn đề. Hãng ô tô Bristol là một trường hợp như thế, khi không sản xuất xe cho số đông.
Những chiếc xe của Bristol được nhiều người yêu thích, nhưng cũng có không ít người cho rằng trông chúng thật xấu xí.
Trong văn phòng của ông Toby Silverton, 52 tuổi, chủ hãng ô tô Bristol của Anh, có treo ảnh một khách hàng nữ đang mỉm cười đứng bên chiếc Bristol 603 đã 30 tuổi của bà.
Ông Silverton còn nhớ như in việc bà này mua chiếc xe đã qua sử dụng cách đây 4 năm mà không hề biết rằng chủ trước của nó chính là Bono, ca sĩ chính của ban nhạc U2.
Khi phát hiện ra điều này, bà đã gọi cho ông Silverton để hỏi tại sao công ty không nói, bà sẵn sàng trả thêm tiền. (Ông Silverton từ chối tiết lộ giá xe, nhưng công ty cho biết một chiếc xe tương tự có giá khoảng 35.000 bảng Anh vào thời điểm đó, tương đương 54.800 USD ngày nay.)
“Tôi đã nói với bà ấy rằng công ty chúng tôi không kinh doanh theo kiểu đó,” ông Silverton nói.
Không giống như nhiều công ty sang sang khác, Bristol không bị ảnh hưởng nhiều bởi cuộc khủng hoảng tài chính. Trong khi nhiều nhà sản xuất ô tô phải chứng kiến tình trạng sụt giảm mạnh lượng đơn đặt hàng trong hai năm qua, thì Bristol cho biết có nhiều khách hàng đến với họ hơn, dù những mẫu xe mới và đắt tiền nhất của hãng có giá lên tới hơn nửa triệu USD.
“Các đồng nghiệp than thở với tôi rằng doanh số của họ giảm 20-30%, trong khi doanh số của chúng tôi tăng 25% kể từ đầu năm 2008,” ông Silverton nói.
Tất nhiên, 25% là một khái niệm tương đối. Bristol dự kiến bán được khoảng 150 chiếc xe lắp ráp thủ công trong năm nay. Bristol , một trong những công ty ô tô hoạt động độc lập cuối cùng trên thế giới, có số nhân công chỉ khoảng 100 người. Họ cũng chỉ có một cửa hàng duy nhất, nằm ở quận Kensington của thành phố London , Anh quốc.
Ông Syd Lovesy (bên trái) - một nhân viên kỳ cựu của Bristol đến nay vẫn còn làm việc; Toby Silverton (giữa) - chủ sở hữu hiện tại của hãng Bristol; và Sir George White IV - người có ông và cha sáng lập Bristol, cùng nhau chụp hình bên một trong những mẫu xe mới nhất của Bristol là Fighter.
Ông Silverton, xuất thân từ tầng lớp thượng lưu và từng sở hữu một công ty bán phụ tùng máy bay, cho biết Bristol vẫn có lợi nhuận, nhưng không nêu con số cụ thể.
Khách hàng của công ty, cũng như những chiếc xe Bristol , thường có cá tính lạ, thích hàng độc, và có nhiều tiền. Những mẫu xe đắt nhất của Bristol, như Fighter T, có giá lên tới 360.000 bảng Anh, tương đương 564.000 USD.
Trong khi đó, mẫu xe đắt nhất của Bentley có giá khoảng 220.000 bảng Anh (345.000 USD). Bentley cho biết doanh số của hãng đã giảm 48% xuống còn 4.005 xe vào năm ngoái.
Dù giá bán cao, nhưng những chiếc xe của Bristol lại không có hình thức phô trương - có vẻ như đây là một phần nét hấp dẫn của chúng. Nhiều mẫu xe trông giản dị, có phần “nhếch nhác” và lỗi thời, nhưng các khách hàng lại bị hấp dẫn bởi thiết kế khiêm tốn, sự khéo léo của thợ thủ công và sự chú trọng tới từng chi tiết - như có nắp xăng ở cả hai bên, tạo thuận tiện cho chủ xe khi bơm xăng.
Với nhiều người, những chiếc xe Bristol giống như một bộ vest may đo - khách hàng có thể chọn màu thảm và kiểu dáng ghế ngồi. Nhà thiết kế thời trang Paul Smith người Anh hiện vẫn lái chiếc Bristol 405 Saloon đã 55 năm tuổi của mình đi làm hằng ngày. Richard Branson có một chiếc Bristol , nhà vua Hussein của Jordan cũng vậy.
Ảnh trên là Arnolt Bristol 1945, một trong số chỉ khoảng 140 chiếc Bristol Arnolt được bán tại Mỹ.
Turplin Dixon, một kỹ sư xe lửa ở London, mua một chiếc Bristol 603 đã 15 năm tuổi bằng số tiền kiếm được từ việc bán một chiếc Bristol khác mà ông được thừa kế từ người chú.
“Từ khi 13 tuổi, tôi đã luôn nghĩ rằng chúng là những chiếc xe xấu xí. Nhưng bây giờ thì tôi lại thích chúng bởi tính độc đáo, đặc biệt,” ông Dixon , 58 tuổi, nói.
Ông Paul Newton, một chuyên gia phân tích của công ty IHS Global Insight ở London , nói: “Bristol giống như một thứ dị thường trong ngành ô tô vì bản chất kỳ quặc của những chiếc xe.” Đó có thể là lý do tại sao, theo ông, công ty vẫn làm ăn tốt trong thời suy thoái kinh tế.
Ông Silverton cũng ngạc nhiên trước nhu cầu ổn định đối với xe Bristol trong thời kỳ suy thoái kinh tế. Thời gian khách đặt mua xe phải chờ đợi đã kéo dài thêm 3 tháng lên 18 tháng. Ông lý giải “sức đề kháng” của công ty trước khủng hoảng kinh tế bằng nhiều yếu tố, trong đó có chi phí hoạt động thấp.
Cửa hàng duy nhất của Bristol ở London vẫn có các văn phòng ốp gỗ, treo cờ Anh bạc màu và dùng nội thất từ thập niên 60 như khi nó mở cửa cách đây 50 năm. Trong cửa hàng không có máy tính. Thông tin về từng khách hàng được lưu bằng giấy tờ đặt trong tủ ngăn kéo ở tầng hầm.
Thay đổi nhân sự trong công ty cũng ít. Syd Lovesy, người điều hành nhà máy ở Bristol , bước sang tuổi 91 trong tháng 11 này.
Ông Syd Lovesy vẫn điều hành nhà máy Bristol dù năm nay đã 91 tuổi. Ông vào làm việc tại nhà máy từ năm 1945. Chiếc xe yêu thích của ông là Bristol 405.
Một sai lầm của các nhà sản xuất ô tô lớn, theo ông Silverton, là tăng nhân công để đáp ứng nhu cầu thị trường tăng lên khi nền kinh tế tăng trưởng, và bị chi phí hành chính đè nặng khi xảy ra suy thoái. “Dù tình hình kinh tế xấu hay tốt, chúng tôi vẫn sản xuất như thế,” ông nói.
Được đặt theo tên thị trấn ở Anh, nơi những chiếc xe của hãng hiện vẫn đang được sản xuất, Bristol thành lập năm 1910 bởi British & Colonial Aeroplane Company. Đến cuối Thế chiến thứ hai, công ty có 400.000 nhân viên. (Sản phẩm máy bay chính của công ty trong Thế chiến thứ hai là Beaufighter, được Không quân Hoàng gia Anh sử dụng).
Chiến tranh kết thúc khiến công ty phải đa dạng hoá sản xuất, và công ty ô tô Bristol được thành lập vào năm 1946.
Ông Silverton đã mua 50% cổ phiếu Bristol vào năm 1997, và mua nốt nửa còn lại 4 năm sau đó. Đến nay công ty vẫn tự hào về nguồn gốc sản xuất máy bay, minh chứng bằng dòng xe được đặt tên theo máy bay Beaufighter, hay Blenheim, một loại máy bay ném bom khá phổ biến trong Thế chiến thứ hai.
Qua nhiều năm, ông Silverton cho biết Bristol đã tránh nhiều đề nghị mua lại doanh nghiệp, ngay cả khi những thương hiệu xe sang nổi tiếng khác của Anh như Bentley, Aston Martin, Rolls-Royce và Jaguar đều lần lượt bị các tập đoàn đa quốc gia “thôn tín”. Ông Silverton cho biết đến nay vẫn có nhiều công ty ngỏ ý muốn mua lại Bristol , khiến nhân viên của hãng nói đùa rằng, số người tới hỏi mua công ty còn nhiều hơn khách mua xe.
“Nhìn chung, người ta muốn mua lại công ty chúng tôi để dùng uy tín thương hiệu sản xuất loại xe khác. Và tôi không thích vậy,” ông Silverton nói.
Có thể Bristol đã đi qua thời hoàng kim của những năm 1950, khi liên tiếp giành chiến thắng vang dội tại những giải đua danh tiếng, nhưng ông Silverton tự tin rằng nhu cầu với xe Bristol sẽ vẫn ổn định.
Ngồi bên bàn làm việc kê ngay trước bức ảnh chụp một chiếc xe ba bánh của Bristol giành chiến thắng trên đường đua Le Mans năm 1955, ông nói: “Điều duy nhất tôi mong muốn là trong 20 năm tới, ít nhất công ty sẽ vẫn hoạt động tốt như hiện tại.”
Các chủ xe và người hâm mộ tụ họp tại Sân bay Bristol Filton hôm 18/9 để kỷ niệm sinh nhật lần thứ 64 của Bristol .
Nhật Minh
Theo NYT
Theo đuôi :
ADVERTISEMENT