(Dân Việt) - Chấp nhận là phản đồ của Thiếu Lâm, Hoàng Phi Hồng đã mang tư tưởng Đại Trung Hoa tiến bộ trong võ thuật cách đấy hàng trăm năm.


Chính sự phá rào này đã góp phần tạo nên một Hoàng sư phụ võ nghệ vô song và dựng lên một Phật Sơn là trung tâm của võ thuật Trung Quốc.
Dám vượt qua Khổng giáo
Túy quyền - môn võ ngoại nhập được biểu diễn tại Bảo Chi Lâm
Thiếu Lâm Phúc Kiến (còn gọi là Nam Thiếu Lâm) có mối thù không đội trời chung với Mãn Thanh. Hai lần ngôi chùa này đã bị triều Thanh thiêu rụi (Ung Chính đốt năm 1723, sau đó Chí Thiện đại sư lén xây lại và Càn Long lại đốt vào năm 1763). Sau vụ phá hủy đó có 5 người trốn thoát, Thiền sư Lục A Thái, truyền nhân của Chí Thiện đại sư nằm trong số ấy. Lục A Thái truyền võ công cho Hoàng Thái, Hoàng Thái truyền cho con là Hoàng Kỳ Anh và Hoàng Phi Hồng là truyền nhân của cha và là dòng đích của "Thiếu Lâm Hồng gia".
Gần đây lại có nghiên cứu cho rằng, ngôi chùa bị đốt mà Chí Thiện đại sư trốn thoát được ấy không phải là một chi nhánh của Thiếu Lâm. Nó là chùa Tam Vân Tự ở Quảng Châu, ngôi chùa này chỉ "tự xưng" là Thiếu Lâm mà thôi.
Xin nói rõ về việc này. Hồi đó, căn cứ của các lực lượng trong phong trào "Phản Thanh, phục Minh" hầu hết là các ngôi chùa, mỗi khi các lực lượng này bị nhà Thanh triệt hạ thì lập tức dù đúng hay không các ngôi chùa ấy đều được nhân dân coi là một phân nhánh của Thiếu Lâm và những người "phản động" bị tiêu diệt đương nhiên là người của Thiếu Lâm.
Có việc này bởi Thiếu Lâm đại diện cho danh dự Đại Hán, việc tuyên truyền Thiếu Lâm bị nhà Thanh "phá chùa, giết sư" có tính kích động cao độ tới đại đa số dân tộc Hán, nhất là những người có tập luyện võ công và tôn thờ võ học Thiếu Lâm. Chính vì thế, thời kỳ này xuất hiện rất nhiều ngôi chùa mang tên Thiếu Lâm (hầu hết số này đều có xích mích với "chính quyền" Mãn Thanh).
Nhưng dù sao, Hoàng Phi Hồng vẫn phải tâm niệm rằng mình là hậu duệ của những bậc tiền nhân mang mối thù ấy. Thế nhưng, giữa phong trào "Phản Thanh, phục Minh" đang nóng bỏng, ông làm một chuyện động trời: Giao du và lén học võ một người Mãn: Võ sư Hồng Đông Huy. Đòn vô ảnh cước tuyệt luân của Hoàng sư phụ đã được Hồng Đông Huy truyền thụ.
Ông còn tiếp thụ được cả Túy quyền cũng do một người Mãn là Tô Xán sáng tạo ra. Tư tưởng đạo Khổng về chữ Hiếu đã được Hoàng Phi Hồng "bước qua" về mặt hình thức. Ông đã can đảm bước qua sự thù địch của tư tưởng "Đại Hán" để bước tới thành quả rực rỡ với tư tưởng Đại Trung Hoa: Miễn là bắt được chuột. Việc này cũng góp phần đưa võ thuật Thiếu Lâm tới một tầm cao mới nhiều năm sau.
Trận quyết đấu của Thiếu Lâm 100 năm sau
Bây giờ Phật Sơn không chỉ là đất võ của riêng Thiếu Lâm nữa, mà nó còn là thủ đô của võ thuật Trung Hoa. Thành phố này có 156 cơ sở tập luyện võ thuật với 9 vạn người tập luyện thường xuyên.
Ông Ngụy Văn Khởi - Phó Giám đốc Sở TDTT Phật Sơn
Một thế kỷ sau, năm 2009, Phật Sơn và cả thế giới võ thuật rúng động khi đoàn võ sĩ Muay Thái thách đấu các võ sư Thiếu Lâm.
Một thế kỷ trước, những lời thách đấu của các võ sĩ Không thủ đạo Nhật Bản đã khiến giới võ lâm Phật Sơn nhiều lần tắm máu, nhiều võ sư mất mạng trên võ đài. Ngay cả võ sư Diệp Vấn - Trưởng môn phái Vịnh Xuân quyền, người sau này là thầy Lý Tiểu Long đã suýt tử thương trên sàn đấu. Một thế kỷ sau, lời thách đấu của Muay Thái vẫn khiến nhiều người lo lắng. Sau Không thủ đạo (Karatedo), Muay Thái là khắc tinh cho môn phái võ thuật này.
Không thủ đạo, Muay Thái với những đòn chân khủng khiếp, những cú đá không cần chân trụ, những đòn gối "bẩn" mang uy lực kinh người… nhưng quan trọng nhất là lối đánh "vỗ mặt" - cái Thiếu Lâm còn thiếu. Các cán bộ quản lý Bảo tàng Hoàng Phi Hồng cho biết: Hầu hết các võ sư Trung Hoa một thế kỷ trước đều bị hạ sau loạt đòn đầu tiên. Võ thuật của thiền phái này không thể hình dung có người lại dùng đòn sát thương ngay đầu hiệp đấu.
Nói thẳng ra đòn sát thương của võ thuật Thiếu Lâm rất ít, trong khi đó, Muay Thái thì đã ra đòn là chờ đối thủ ngã. Nhưng cách xử lý của Trung Hoa mới đầy tính văn hóa Thiếu Lâm. Sau khi quần hùng võ lâm sôi lên vì lời thách đấu kia, Trung Quốc tuyến bố rằng "Đây là cuộc thi đấu giao lưu võ thuật bình thường giữa các vận động viên hai nước" và cử các võ sĩ của mình đến.
Nhưng những võ sĩ được cử đến đều đã được đào tạo "qua loa" tại Thiếu Lâm, thể thức thi đấu thì "chú thích, anh chiều", cho đấm, đá nhau thoải mái, không mặc giáp bảo vệ. Nhà thi đấu Lĩnh Nam Minh Châu chứng kiến cuộc giao tranh vô tiền khoáng hậu này. Kết quả Muay Thái bị thảm bại 4/5 trận đấu, mà thua theo đúng phong cách Muay Thái là nằm thẳng cẳng ra sàn đấu. Người ta còn đồn rằng, trận thua duy nhất của võ sĩ Trung Hoa là phép "lịch sự" của Thiếu Lâm.
Muay Thái đã không hiểu được rằng, tư tưởng cầu thị rộng lớn, vượt qua định kiến hẹp hòi của môn phái do Hoàng Phi Hồng khởi xướng đã thấm đẫm vào tinh thần võ học của các võ sư Thiếu Lâm bây giờ.

Theo đuôi :

ADVERTISEMENT