Một mẫu xe Maserati GranTurismo.

Nữ công dân Bắc Kinh Lily Liu, 44 tuổi, là một người mê tốc độ và cũng rất chịu chi cho thú vui này. Cách đây hai năm, bà đã mua một chiếc Porsche AG 911 Carrera S màu xám với giá 1,2 triệu Nhân dân tệ, tương đương 182.000 USD, và đang muốn tậu thêm một chiếc Aston Martin.

Hiện nắm chức Chủ tịch của một công ty xây dựng, bà Liu tiết lộ với phóng viên của hãng tin Bloomberg rằng, bà cảm thấy tự hào khi trở thành trung tâm của sự chú ý mỗi khi tự mình lái siêu xe quanh thành phố.

“Xe hơi tốc độ cao vốn thường là của nam giới. Những phụ nữ sắm siêu xe là những người muốn tạo cho mình một vị thế bình đẳng với đàn ông”, bà Liu nói.

Phụ nữ chiếm 1/3 số triệu phú tại Trung Quốc, và các nữ triệu phú đang chiếm một thị phần rất lớn trên thị trường siêu xe ở nước này. Hãng Fiat cho biết, tỷ lệ phần trăm khách hàng nữ tậu xe Maserati ở Trung Quốc cao gấp 3 lần so với ở thị trường châu Âu, còn tỷ lệ khách nữ Trung Quốc mua xe Ferrari nhiều gấp 2 lần so với bình quân toàn cầu.

Theo hãng tư vấn Bain & Co, doanh số thị trường xe siêu sang tại Trung Quốc - thị trường ôtô lớn nhất thế giới hiện nay - có thể đã tăng 60% trong năm ngoái, lên mức 1.500 chiếc từ mức 948 chiếc trong năm 2009. Mức doanh số này được dự báo sẽ tăng 35% trong năm nay, khi ngày càng có nhiều người Trung Quốc dùng tới phương tiện xe hơi để chứng minh mức độ thành công của họ.

Tại Mỹ, số liệu của hãng tư vấn IHS Automotive cho biết, doanh số của những chiếc xe có giá từ 100.000 USD trở lên tăng khoảng 35% trong năm 2010, lên mức 8.500 chiếc từ mức 6.300 chiếc trong năm 2009.

Năm ngoái, số nữ triệu phú của Trung Quốc tăng 6,1%, lên 857.000 người - dữ liệu của Viện nghiên cứu Hồ Nhuận có trụ sở tại Thượng Hải cho thấy. Trong số 20 người phụ nữ giàu nhất thế giới tự mình làm ra tài sản, thì có tới 11 phụ nữ Trung Quốc. Trong đó, vị trí số 1 thuộc về bà Cheung Yan, người sáng lập kiêm Chủ tịch hãng giấy Nine Dragons, với giá trị tài sản khoảng 5,6 tỷ USD theo ước tính của Hồ Nhuận.

Cô Sarah Yao, 36 tuổi, đang muốn tìm mua thêm một siêu xe để bổ sung cho bộ sưu tập siêu xe bao gồm 9 chiếc của cô, trong đó có 2 chiếc Maserati và một chiếc Fiat 500. “Ngày nay, phụ nữ làm nhiều công việc của đàn ông. Chúng tôi cũng làm việc vất vả và muốn tự thưởng cho mình”, người phụ nữ là chủ một khách sạn ở Thanh Đảo này nói.

Đại diện của Maserati tại Trung Quốc cho biết, doanh số của chiếc Maserati tại thị trường này đã tăng 50% trong năm ngoái, lên mức 400 chiếc. Nhiều khả năng, năm nay, Trung Quốc sẽ trở thành thị trường lớn thứ hai thế giới của chiếc xe này, sau Italy.

Khách hàng nữ chiếm 30% số khách mua Maserati tại Trung Quốc, so với tỷ lệ chưa đầy 10% tại thị trường châu Âu. Mỗi chiếc Maserati GranCabrio mui xếp, động cơ 433 mã lực, có giá gần 407.000 USD tại Trung Quốc, còn giá của một chiếc Maserati GranTurismo S tại đây là xấp xỉ 392.000 USD.

Doanh số của Ferrari tại Trung Quốc cũng tăng 50% trong năm ngoái, lên mức 300 chiếc. Khách hàng nữ chiếm 20% số khách mua xe Ferrari tại thị trường này, cao hơn gấp đôi so với tỷ lệ bình quân toàn cầu.

Doanh số của chiếc Lamborghini tại thị trường xe lớn nhất thế giới thậm chí còn tăng gấp 3, lên mức 247 chiếc. Hãng Volkswagen đang có dự định đưa chiếc Bugatti tới Trung Quốc trong năm nay.

Khách hàng mua xe siêu sang ở Trung Quốc phải trả số tiền cao hơn gấp đôi so với ở Mỹ, vì thuế suất đánh vào những chiếc xe này tại Trung Quốc rất cao. Bên cạnh khoản thuế nhập khẩu 25%, khách hàng còn phải chịu mức thuế đánh vào dung tích động cơ có thể lên tới 40% đối với một chiếc Maserati GranTurismo.

Theo đuôi :

ADVERTISEMENT