(Dân Việt) - Độ lì của Tổng thống mãn nhiệm Laurent Gbagbo của Bờ Biển Ngà đã khiến dư luận thế giới đặt ra câu hỏi: Điều gì khiến ông kiên quyết bám trụ để giữ cái ghế Tổng thống vốn không còn thuộc về mình?

Đội quân “hổ giấy”
Giới quan sát nhận định, tiền bạc và tham vọng dường như không phải là hai lý do duy nhất để ông Gbagbo liều mình, cái quan trọng, nếu chấp nhận thất bại, ông Gbagbo sẽ phải đối mặt với những tội danh kinh khủng từ thời cầm quyền.
Vợ chồng ông Gbagbo.
Tờ Allvoices cho biết, khối tài sản kếch sù của nhà Gbagbo có được trong 10 năm cầm quyền cũng đủ cho thấy, vì sao ông cố sống chết để giữ ghế. Tờ này cũng tiết lộ, tài sản nhà Gbagbo có thể lên đến 80 triệu USD bao gồm cả những khu biệt thự sang trọng nằm khắp nơi ở Bờ Biển Ngà. Thậm chí, ông còn được mệnh danh là "Vua kim cương" khi nguồn tài nguyên quý hiếm của Bờ Biển Ngà này đã mang lại cho ông những lợi nhuận khổng lồ trong những năm đương nhiệm.
Tuy nhiên, đó chỉ là quá khứ của Gbagbo. Các biện pháp trừng phạt của cộng đồng quốc tế cuối cùng cũng đạt được kết quả mong muốn. Vấn đề không phải chỉ là Mỹ và châu Âu quyết định đóng băng tài sản của các quan chức cao cấp Bờ Biển Ngà ở nước ngoài và cấm họ ra nước ngoài mà chính các biện pháp trừng phạt của châu Phi đã mang lại thành công: Bộ trưởng Tài chính các nước thành viên Liên minh Kinh tế và Tiền tệ Tây Phi (UEMOA) không đợi phải giục mà đã nhanh chóng thu hồi chữ ký của cựu Tổng thống Gbagbo ở các tài khoản của Bờ Biển Ngà để trao cho Tổng thống đắc cử Ouattara.
Gbagbo không còn thâu tóm được nền tài chính và nguồn tài nguyên thiên nhiên gồm kim cương, quặng mangan, ca cao, bông, dầu mỏ của Bờ Biển Ngà nữa. Chính vì mất đi những kho báu đó nên ông ta không còn gì để trả lương cho cảnh sát và quân đội.
Quân đội Bờ Biển Ngà có 50.000 quân, nhưng giới phân tích gọi đó là "con hổ giấy". Gbagbo chỉ trông cậy được vào 1/10 số quân này, gồm Trung tâm chỉ huy chiến dịch an ninh, Đại đội an ninh cộng hòa, Trung đoàn chống bạo động và Lực lượng cảnh vệ quốc gia. Tất cả đều là người bộ tộc Bete ở quê hương của chính Gbagbo, nhưng lại là nơi bỏ phiếu cho Ouattara.
“Người phụ nữ khát máu”
Mặc dù quyền lực và sức mạnh đã không còn, nhưng sức mạnh tinh thần đã giúp và hỗ trợ ông Gbagbo bám trụ. Đó là người vợ đầu của ông, bà Simone Ehivet Gbagbo, 62 tuổi. Bà Simone được mệnh danh là người đàn bà thép của quốc gia Tây Phi, khi tinh thần chiến đấu được cho là luôn sôi sục trong người đàn bà này.
Dù mắc kẹt trong dinh thự Tổng thống và bị lực lượng nổi dậy khép chặt vòng vây trong vài ngày qua, nhưng bà Gbagbo vẫn không hề nao núng, tiếp tục kêu gọi những lực lượng trung thành với gia đình bà tiếp tục cuộc chiến chống lại người mà bà gọi là "quỷ dữ": Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozay và Tổng thống được Liên Hợp Quốc công nhận Alassane Ouattra, người đứng đầu lực lượng nổi dậy.
Gbagbo biết mình đang làm gì. Ông là người đi đến cùng bằng mọi cách. Ông không muốn mình chết như một người anh hùng hay theo cách bình thường, nhưng ông sẽ bằng mọi cách để cho thấy rằng ông là người nói đúng hoặc nếu ông phải ra đi thì đó là do ông bị bắt buộc phải làm thế.
Với những người ủng hộ, người đàn bà 62 tuổi này là "Hillary Clinton của vùng nhiệt đới". Với những kẻ chống đối, bà là bà đầm thép, hay ít trang trọng hơn là “người phụ nữ khát máu”.
Sinh năm 1949, Simone Ehivet là một trong 17 người con của một hiến binh cảnh sát có rất nhiều vợ. Sau khi cùng ông Laurent Gbagbo thành lập đảng chính trị giờ trở thành Mặt trận nhân dân Bờ Biển Ngà, bà bị bắt, bị bỏ tù và bị tra tấn trong cuộc đấu tranh đòi bầu cử đa đảng ở đất nước này vào những năm 1970.
Khi ông Gbagbo nắm quyền vào năm 2000, bà không hề giấu giếm công chúng rằng ông chồng mình không phải là người duy nhất cai trị Bờ Biển Ngà. Những người thân và bạn bè của đệ nhất phu nhân Gbagbo được bổ nhiệm vào các vị trí cấp cao của chính phủ. Bản thân bà Simone Ehivet tự nhận là người đứng đầu nhóm nghị sĩ của đảng cầm quyền trong Quốc hội.
Khi nội chiến bùng nổ năm 2002 ở Bờ Biển Ngà, bà trở thành một nhà dân tộc chủ nghĩa cứng rắn với những bài phát biểu thách thức dư luận và từ chối bất cứ sự nhượng bộ hay thỏa thuận nào với các lực lượng nổi dậy.
Bà Simone Ehivet cũng đã bị đưa vào danh sách đen của Liên Hợp Quốc vì xâm phạm quyền con người, bao gồm cả những cáo buộc bà tổ chức đội cảnh vệ của mình tiến hành những cuộc ám sát các nhân vật chống đối.
Bà đã hai lần bị thẩm vấn về vụ mất tích bí ẩn vào năm 2004 của Guy-Andre Kieffer, một nhà báo người Pháp chuyên điều tra các vụ tham nhũng chính trị ở thủ đô Abidjan.


Theo đuôi :

ADVERTISEMENT