Cuối tuần qua, chuyện một nhóm nữ sinh lớp 6 đánh bạn học lớp 7 để giành người yêu tại TP. Hồ Chí Minh một lần nữa khiến nhiều người lớn cần phải nhíu mày vì quan niệm tình yêu bạo lực ở giới trẻ hiện nay.
Trên nhiều diễn đàn, các nạn nhân và không phải là nạn nhân đã tích cực mổ xẻ về vấn đề này.

Băn khoăn về giá trị sống của giới trẻ

Chưa lúc nào chuyện tình yêu bạo lực lại trở thành "chuyện thường ngày ở huyện" như ở thời điểm này. Vấn đề là chuyện bạo lực học đường đã không chỉ xảy ra những đối tượng là học sinh cấp ba nữa mà học sinh cấp 2, thậm chí cấp 1 bây giờ cũng đã có những hành vi bạo lực để giành tình yêu, để thể hiện sự ghen tuông của bản thân mình.

Gõ từ khóa “bạo lực học đường và tình yêu học trò” trên Google.com, chỉ trong 0,22 giây bạn sẽ nhận được 1,9 triệu kết quả. Trong đó,nhan nhản những câu chuyện về bạo lực trong lớp học, là việc bị đánh vì “Ai bảo mày dám nói chuyện với bạn gái/trai tao”... Đối tượng bị bạo lực khá đa dạng, cấp 2, cấp 3, bị bạo lực trong trường, trong phòng thí nghiệm, nhà vệ sinh. Nhiều trường hợp còn bị bạo hành tại lớp học thêm.
Trên nhiều diễn đàn, các nạn nhân và không phải là nạn nhân đã tích cực mổ xẻ về vấn đề này.

Có ý kiến cho rằng, sự việc này không có gì lạ. Và cách làm tốt nhất là tránh các đối tượng được cho vào tầm ngắm của những đối tượng có “máu mặt” tại trường, tại nơi học thêm.

Vậy, việc phải dùng bạo lực để giành tình yêu có phải do quan niệm về tình yêu của giới trẻ hiện nay phải dữ dội và bạo lực như thế?

Theo một quan niệm tình yêu của giới trẻ đang lan truyền trên diễn đàn, được thực hiện bởi một nhóm học sinh học lớp 12 một trường ở Hà Nội thì các bạn trẻ cho rằng, tình yêu là không thô bạo, tình yêu là không tự tư tự lợi, tình yêu không dễ bị nổi giận, tình yêu là không ghi nhớ về những sai lầm. Như thế, chuyện bạo lực trong tình yêu đang hàng ngày diễn ra ở giới trẻ là do đâu? Và giá trị sống đẹp của giới trẻ đang trôi về đâu?

 Ảnh minh họa
Giá trị sống đẹp của giới trẻ đang trôi về đâu
Một độc giả của VnMedia chia sẻ: Khi vào năm thứ nhất đại học, thầy hiệu trưởng có tặng chúng tôi một câu nói nổi tiếng trong tác phẩm “Thép đã tôi thế đấy” của nhà văn người Nga Nikolai Ostrovsky: “Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa ân hận vì những năm tháng đã sống hoài sống phí". “Vậy thì tại sao có nhiều người trẻ lại dễ dàng sống phí hoài như thế? Có phải vì không ai dạy họ phải yêu lấy cuộc sống? Người xưa có câu: “Chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo”. Bây giờ nhiều chuyện với người trẻ chưa là “sóng cả” mà đã thấy họ buông xuôi. Học không được thì đi xin điểm, làm luận án tốt nghiệp không được thì lắp ghép từ nhiều công trình của những người khác, tình yêu không được đồng thuận thì vội vàng nghĩ đến cái chết, để tranh giành tình cảm thì sẵn sàng lên kế hoạch hành hung người khác… Chẳng lẽ, bản lĩnh vượt khó của người trẻ lại ít đến thế?”, độc giả này chia sẻ.

Nguyên nhân bắt nguồn từ người lớn

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ đầu năm học 2009-2010 đến nay, cả nước đã xảy ra 1.598 vụ học sinh đánh nhau ở trong và ngoài trường học. Các nhà trường đã xử lý kỷ luật khiển trách 881 học sinh, cảnh cáo 1.558 học sinh và buộc thôi học có thời hạn (3 ngày, 1 tuần, 1 năm học) tới 735 học sinh.

Tính bình quân, cứ 11.111 học sinh thì có 1 em bị buộc kỷ luật thôi học có thời hạn vì đánh nhau. Nguyên nhân đánh nhau của trẻ đáng tiếc chưa được phân tích đến cùng. Nhưng, phần nhiều trong đó là những cuộc đánh nhau vì ghen.

Vấn đề là vì sao, càng ngày càng có nhiều thanh niên chọn bạo lực để giành giật tình yêu? Do thiếu hiểu biết hay do xu hướng bạo lực đang càng ngày càng phát triển trong xã hội!?

Nhà báo Nguyễn Thị Lan Minh (Trưởng ban Truyền thông, Hội bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam) cho rằng, đừng trách con trẻ! Vấn nạn này là hệ quả của việc giáo dục thiên lệch - nặng về kiến thức mà xem nhẹ những bài học về tình yêu thương và sự chia sẻ”.

Ảnh minh họa
 
Theo nhà báo Nguyễn Thị Lan Minh, trường học cũng có trách nhiệm lớn trước sự băng hoại đạo đức của giới trẻ. Bên cạnh kiến thức, các em cần được giáo dục luật pháp và trang bị những kiến thức về kỹ năng sống. Nhưng điều đó hiện nay vẫn bị xem nhẹ. Ở tuổi mới lớn, trẻ hầu như không muốn thầy cô giáo và cha mẹ biết được chuyện gì đang xảy ra với nó. Do đó nhà trường và gia đình phải luôn gần gũi và hãy thật nhạy cảm với những cảm xúc của các em, tạo dựng sự tương tác giữa gia đình, nhà trường, xã hội để giúp các em đối mặt với sợ hãi và lo lắng.

Có một thực tế đang diễn ra là việc con cái tự kiếm được học bổng du học, kỳ vọng con trở thành “công dân toàn cầu” đang là đích ngắm, mục tiêu giáo dục của số đông phụ huynh thời nay. Các vị phụ huynh luôn nỗ lực tìm kiếm những trường học tốp đầu, các chương trình đào tạo mới tiên tiến, không ngại chở con đến các buổi học thêm. Nhưng lại có rất ít cha mẹ chịu đọc và kể cho con cái mình những câu chuyện cổ tích hay những tác phẩm văn học có giá trị. Nên thật dễ hiểu khi các em rất giỏi kiến thức, giỏi khoa học công nghệ nhưng lại vô cùng khó khăn để thuộc hoặc nhớ được những câu ca dao, các tích truyện dân gian - những nhân tố góp phần làm giàu tính nhân văn, nhân ái trong tâm hồn mỗi người.

Mặt khác, sự thờ ơ, bàng quan của cộng đồng cũng sẽ khiến các em gia tăng những hành vi sai trái. Người lớn chúng ta thường đưa ra lý lẽ “thương cho roi cho vọt”. Trẻ con có lỗi thì phải nghiêm phạt để uốn nắn, sửa sai. Nhưng thường thì người lớn hay tức giận trước lỗi lầm trước mắt của trẻ con mà không kịp bình tĩnh tự hỏi nguyên nhân sâu xa nào dẫn chúng đến phạm lỗi.

Hình phạt nghiêm trị chỉ thực sự áp dụng đối với những người trưởng thành, có năng lực nhận thức hoàn chỉnh và đầy đủ tư cách pháp nhân. Nhưng “nghiêm trị” đối với trẻ con là xuất phát từ lòng thương yêu, nhân hậu của người lớn, mở đường cho các em sửa chữa sai lầm và có cơ hội vươn lên sánh vai cùng bạn bè đồng trang lứa.
Theo Vnmedia

Theo đuôi :

ADVERTISEMENT