Người dân Nghĩa Lộc, Nghệ An giờ mới thấm thía câu nói: “Ra ngõ là gặp… ung thư” mà nhiều người dân ở các địa phương khác vẫn gọi. Có xóm có tới hơn chục gia đình có người chết vì ung thư và người ta gọi đó là “xóm chết chóc”.
Bệnh ung thư với mức độ “tàn phá” khủng khiếp, đang được ví như một “sát thủ” bao trùm nhiều làng, xã ở một số địa phương trong cả nước.
Ước tính, mỗi năm tại Việt Nam có 75.000 người chết vì ung thư, gấp 7 lần số tử vong do tai nạn giao thông và đang có xu hướng gia tăng.
Riêng tại Nghệ An, mức độ ô nhiễm và chết chóc tại địa phương này nếu liệt kê thì thuộc hàng “topten” trong cả nước. Ung thư đang trở thành một tai họa, giáng xuống đầu những người dân vô tội...
Lại một làng nữa “dính” ung thư
Năm 2005, xuất xứ của tên gọi “làng ung thư” bắt đầu được khởi xướng khi các ngành chức năng tình cờ phát hiện tại xã Thạch Sơn, huyện Lâm Thao (Phú Thọ), chỉ trong vòng mấy năm, đã có hàng trăm người vô tội bị chết bởi căn bệnh ung thư. Nguyên nhân chính được xác định là do người dân quanh vùng dùng nguồn nước bị ô nhiễm, mà thủ phạm chính lại là Nhà máy Hóa chất Lâm Thao.
Từ đó tới nay, người dân ở các vùng quê, đặc biệt là các vùng nông thôn dành sự “quan tâm” đặc biệt tới căn bệnh ung thư. Người dân Nghệ An khi chưa kịp chia buồn với người dân tỉnh bạn thì mối hiểm họa bệnh ung thư lại bùng phát ở mức độ báo động cực kỳ nghiêm trọng. Danh sách mỗi năm có làng xuất hiện ung thư được kéo dài, mỗi huyện thậm chí có 4-5 làng được liệt kê.
Nạn nhân mới đây nhất tại Nghệ An bị phát hiện nhiễm bệnh ung thư theo dây chuyền là 5 xóm nhỏ nằm bên đập nước Đồng Diệc, xã Nghĩa Lộc (Nghĩa Đàn).
Phiếu xét nghiệm của nhiều người dân ở những ngôi “làng chết” đều có kết quả với bệnh án ung thư |
Tính sơ bộ, trong vòng 5 năm trở lại đây, tại 5 xóm với hơn 500 hộ, phải lần lượt chứng kiến gần 100 người nối gót nhau về với “tử thần”. Thậm chí, có hàng chục người hiện vẫn đang mang mầm bệnh quái ác này, luôn sống trong tình cảnh sợ hãi, hoang mang.
Người dân Nghĩa Lộc giờ mới thấm thía được nổi xót xa câu nói: “Ra ngõ là gặp… ung thư” mà nhiều người dân ở các địa phương khác vẫn gọi. Có xóm có tới hơn chục gia đình có người chết vì ung thư. Người dân tỏ vía khiếp đảm, gọi đó là những “xóm chết chóc”.
Mẹ con chị Sen bên bàn thờ anh Triều |
Hai xóm Tháp Lộc, Vạn Lộc 1, Vạn Lộc 2, 5 năm qua đã có gần 40 trường hợp đã chết hoặc đang bị ung thư gan, phổi, dạ dày, máu hoặc những căn bệnh khác như viêm gan B, thiếu máu huyết tán, thiếu máu tiểu cầu.
Đáng thương nhất là trường hợp của gia đình anh Trường Văn Triều, con bà Trần Thị Hương, xóm Vạn Lộc 1. Triều là con thứ 2 trong một gia đình bần hàn với nổi đau: Bố mất, anh trai bị chất độc da cam, đứa em út bị bệnh đau cột sống nên Triều trở thành trụ cột chính.
Oái oăm thay, từ khi cưới vợ, kịp có với nhau 2 mụn con nhưng Triều lại chính là gánh nặng đổ dồn trên đôi vai người vợ trẻ Trần Thị Sen. Tháng 7/2008, Triều chính thức về chầu Diêm Vương do căn bệnh quái ác gây nên. Giờ, trong ngôi nhà ấy có 2 nguời đàn bà goá bụa và mấy đứa trẻ bơ vơ bám tựa nhau.
Cách đó hơn chục nhà, chị Sen cũng “có bạn” cùng cảnh ngộ là gia đình chị Hồ Thị Thanh. Ngày anh Nguyễn Văn Cường, chồng chị phát hiện ra bệnh, ngôi nhà ấy như phủ một bầu không khí tang tóc. 3 người con thay phiên nhau bỏ học nửa chừng vì tất cả tiền bạc đều dành dụm lo chữa bệnh cho bố.
Thế nhưng, dù “vái tứ phương” cầu cứu, hết Đông y sang Tây y; hết Vinh - Hà Nội mà bệnh nào thuyên giảm. Bao nhiêu trâu, bò, lợn, gà đều lần lượt đội nón ra đi, lấy tiền chữa trị. Chỉ trong vòng 6 tháng, ngôi nhà anh Cường từ chỗ được xếp vào diện khá trong xã đã sạch trơn toàn bộ tài sản, nhưng anh vẫn không thoát khỏi lưỡi hái tử thần vào cuối năm 2008.
Cháu Hoàng Văn Vinh, SN 1998 đang học lớp 4 phải nghỉ học giữa chừng vì phát hiện có tế bào lạ. Anh Hoàng Văn Long ở xóm Vạn Lộc 2 (bố của Vinh) cho biết, đầu năm 2007, thấy Vinh bị sưng ở quai hàm, nghi bị viêm xương nên đã đưa cháu đến Bệnh viện Cửa Đông, TP Vinh để điều trị. Sau khi Vinh được chuyển đến Bệnh viện Nhi Nghệ An thì các bác sỹ ở đây đã phát hiện em bị ung thư và chuyển em đến Bệnh viện K để theo dõi.
Cháu Vinh đang đếm sự sống qua từng ngày |
Theo anh Long thì từ đó đến nay, gia đình anh đã tiêu tốn hơn 60 triệu đồng, còn cháu Vinh vẫn phải nghỉ học. Hay trường hợp của anh Dậu Văn Hùng, 49 tuổi, ở xóm Vạn Lộc 1 đang khỏe mạnh bỗng phát hiện bị u máu gan. Tháng 10/2008, ông Hùng phải cắt bỏ 1/2 gan mong giữ lại mạng sống.
Ông Lê Sỹ Hoàn, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Lộc cho biết, từ trước tới nay người chết vì ung thư nhiều lắm. Xã có 27 xóm với hơn 2.853 hộ thì hầu như xóm nào cũng được "điểm mặt chỉ tên" chết vì căn bệnh quái ác nói trên.
Điểm mặt “làng chết”
Hai xóm Đồng Luốc và Hợp Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, 11 năm qua đã có gần 80 trường hợp đã chết hoặc đang bị ung thư.
Đáng thương nhất là trường hợp của gia đình anh thương binh Trần Văn Hiến, xã Hợp Thành. Vợ chồng sinh được 3 người con nhưng cả 3 trường hợp này đều mắc căn bệnh hiểm nghèo từ khi mới sinh. Đứa con gái đầu Trần Thị Hằng, 10 tuổi đang học lớp 4 bị bệnh máu trắng. Đứa con gái thứ hai Trần Thị Hạnh cũng bị bệnh tương tự như chị và đã chết năm 2005.
Riêng đứa con trai út Trần Văn Đức, 4 tuổi bị chứng thiếu máu huyết tán. 5 năm trở lại đây, gia đình hàng tháng phải đưa cháu đi bệnh viện truyền máu theo định kỳ. Đau đớn hơn, khi những đồng tiền cuối cùng của gia đình đã cạn dần, anh Hiến tính kế chuẩn bị lấy máu mình cho con thì phát hiện mình đang bị bệnh viêm gan B.Ở xã Kim Thành, những gia đình “chết chóc” như thế không phải ít.
Người con trai đầu Nguyễn Công Thành bị ung thư gan, bỏ người vợ góa và 4 đứa con thơ dại côi cút. Vành khăn tang trắng trên đầu chưa kịp cởi xuống thì người con thứ 2 Nguyễn Công Bình cũng bị chứng bệnh như anh trai mình. Hai cái tang liên tiếp, ai cũng ngậm ngùi đau đớn thay cho gia đình ông.
Nhưng, nấm mồ của hai người con chưa kịp xanh cỏ thì người con thứ 3 Nguyễn Thị Minh cũng theo hai anh người anh mình và lại là ung thư gan!
Tại xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu) mấy năm trở lại đây bắt đầu có hiện tượng nhiều người mắc bệnh ung thư. 3 năm có gần 30 người chết vì ung thư, chưa tính những trường hợp còn ủ bệnh. Xóm Hồng Sơn, xã Đức Thành, huyện Yên Thành, 6 năm trở lại đây đã có hơn 70 trường hợp mắc phải căn bệnh ung thư.
Căn bệnh này bắt đầu lộ rõ từ năm 2004. Người đầu tiên “dính chưởng” ung thư là anh Trần Văn Sơn. Nối gót anh Sơn là anh Nguyễn Văn Quyến, nhà liền cạnh. Sau một năm đổ bệnh, gia sản theo “con” ung thư mà ra đi, anh cũng rời khỏi cõi trần.
Mới đây thôi, người dân T.P Vinh giật mình phát hiện thêm một làng ung thư mới: làng Phong Yên, xã Hưng Hoà, TP. Vinh. Con số thống kê ban đầu cho thấy, sau 5 năm phát bệnh đã có gần 40 trường hợp chết.
Nếu làm một phép tính đơn giản thì ở Nghệ An khoảng 7 năm nay, với hơn 10 làng quê nghèo tập trung ở các huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghĩa Đàn, Yên Thành, Đô Lương, Nam Đàn hay T.P Vinh...thì đã có hơn 1.000 người chết vì ung thư.
Nhiều làng quê thanh bình xứ Nghệ nay không còn yên bình. Họ đang sống trong sợ hãi, không biết đến bao giờ mình sẽ là nạn nhân kế tiếp. Dân thì hoang mang, chính quyền thì tỏ ra lúng túng bởi “bệnh tật không chừa một ai”.
Theo Bưu Điện Việt Nam
Theo đuôi :
ADVERTISEMENT