Hiện có khoảng 90 triệu người trên thế giới sống trong phạm vi bán kính 30km và nửa tỉ người trong phạm vi bán kính 75km gần các nhà máy điện hạt nhân, có thể đối mặt với nhiều hiểm họa nếu tai nạn hạt nhân xảy ra, theo kết luận từ một nghiên cứu về an toàn điện hạt nhân đăng tải trên tạp chí khoa học Nature ngày 22-4.
Người biểu tình phản đối điện hạt nhân trước trụ sở Công ty Điện lực Tokyo tại thủ đô Tokyo ngày 23-4 -  Ảnh: AFP
Người biểu tình phản đối điện hạt nhân trước trụ sở Công ty Điện lực Tokyo tại thủ đô Tokyo ngày 23-4. Ảnh: AFP .
Nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Columbia (Mỹ) kết hợp với Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng kinh tế xã hội của NASA đã tiến hành phân tích mật độ dân cư sống trong vùng bán kính 30km gần các nhà máy điện hạt nhân trên thế giới.
Kết quả cho thấy 2/3 trong số 211 nhà máy điện hạt nhân đang hoạt động trên thế giới có số dân đông hơn so với 172.000 người gần Nhà máy điện Fukushima Daiichi ở Nhật Bản. Trong số đó, 21 nhà máy điện hạt nhân có trên 1 triệu dân sống trong phạm vi bán kính 30km và sáu nhà máy có trên 3 triệu người.
Nhà máy điện hạt nhân Kanupp ở Karachi (phía nam Pakistan) với một lò phản ứng sản xuất 125MW đứng đầu bảng xếp hạng, với 8,2 triệu dân sống trong phạm vi 30km. Đứng kế tiếp là hai nhà máy điện hạt nhân của Đài Loan là Kuoshing và Chin Shan với con số 5,4 triệu và 4,7 triệu dân sống ngay cạnh.
Nếu mở rộng bán kính ra 75km thì Trung Quốc đứng đầu danh sách với khoảng 28 triệu người sống gần một nhà máy điện hạt nhân ở tỉnh Quảng Đông. Nhưng tính tổng số thì hơn 1/3 dân số nước Mỹ (111 triệu dân) sống trong phạm vi bán kính 75km gần các nhà máy điện hạt nhân, ở Trung Quốc con số lên đến hơn 72 triệu dân và ở Ấn Độ là gần 57 triệu dân.
Người Đức cũng lo âu khi có đến 39 triệu dân sống trong vùng bán kính 75km quanh các nhà máy điện hạt nhân, hơn cả Nhật Bản (32,7 triệu) và Pháp (22,4 triệu).
Kết quả nghiên cứu trên thật đáng sợ vì hàng chục triệu người trên thế giới, thậm chí là cả 500 triệu người nếu tính theo bán kính 75km sống gần các nhà máy điện hạt nhân có thể đối mặt với nhiều nguy hiểm một khi sự cố hay tai nạn hạt nhân xảy ra, theo lời nhận xét của chuyên gia hạt nhân Ed Lyman ở Washington.
Các nhà khoa học thuộc Đại học Columbia đặt câu hỏi: liệu các nước trên thế giới có nên di dời người dân ra khỏi vùng bán kính 30km để đảm bảo an toàn cho họ và tránh khủng hoảng khi sự cố hạt nhân xảy ra? “Chúng ta cần phải cân nhắc yếu tố mật độ dân cư khi xác định vị trí xây dựng các nhà máy điện hạt nhân” - AFP dẫn lời ông Laurent Stricker, kỹ sư hạt nhân, chủ tịch Hiệp hội các nhà điều hành điện hạt nhân.
“Nếu thảm họa hạt nhân tại Nhật không xảy ra thì liệu thế giới có lo ngại về tính an toàn, ảnh hưởng của nhà máy điện hạt nhân đối với môi trường và sức khỏe con người, và thay đổi phương pháp đo lường các rủi ro của các lò hạt nhân?” - ông Tom Cochran, chuyên gia hạt nhân thuộc Hội đồng Bảo vệ tài nguyên thiên nhiên ở Washington, đặt câu hỏi.
Khi xây dựng nhà máy điện hạt nhân, các kỹ sư cũng đã tính toán kỹ lưỡng về các nguy cơ bên ngoài như động đất, sóng thần, lũ lụt hay khủng bố. Nhưng điều này không có nghĩa nhà máy điện hạt nhân thế hệ mới và nằm ngoài vùng có nguy cơ động đất, sóng thần lại an toàn tuyệt đối.
Chẳng hạn, Nhà máy Fukushima được tính toán kỹ lưỡng và xây dựng tại khu vực ít có nguy cơ động đất, sóng thần lớn. Tuy nhiên, trận động đất, sóng thần ngày 11-3 đã vượt qua tất cả những gì mà các kỹ sư tính toán trước đó.
“Sau khi đánh giá đo lường tất cả các rủi ro và nguy cơ, chúng ta cần phải có các kế hoạch rõ ràng và tốt hơn để đối phó với những trường hợp tai nạn hạt nhân khẩn cấp khi lên kế hoạch xây dựng các nhà máy điện hạt nhân” - theo kết luận của ông Stricker.
Theo Tiền Phong

Theo đuôi :

ADVERTISEMENT