Trương Phi, một dũng tướng trong Tam Quốc diễn nghĩa, mỗi khi ngủ mắt vẫn mở trừng từng. Thực tế có nhiều người cũng mắc chứng ngủ không nhắm mắt này.Trong truyện Tam quốc diễn nghĩa, hai tùy tướng của Trương Phi lập mưu ám sát ông. Chờ lúc ông ngủ, chúng xông vào giường vị dũng tướng này rồi giật mình, rụng rời chân tay khi thấy ông vẫn mở mắt trừng trừng. Chỉ đến khi nhận ra tiếng ngáy như sấm của Trương Phi, hai tên thích khách mới yên tâm hạ thủ. Việc Trương Phi ngủ không nhắm mắt được coi như một trong các biểu hiện của sự dũng mãnh của ông, nhưng y học lại coi đó là căn bệnh mà thực tế một số người vẫn mắc phải.

Ngủ mà tưởng đang thức

Anh Hòa 35 tuổi ở Nga Sơn (Thanh Hóa) gần đây mắc tật ngủ mà không nhắm mắt. Lúc đầu, chính bản thân Hòa không biết là mình bị như vậy, chỉ thấy mỗi sáng thức dậy, mắt anh cay xè rất khó chịu. Có lần vợ Hòa giữa đêm tỉnh giấc, nhìn sang thấy chồng ngủ mở mắt trừng trừng, nhìn một lúc mới biết anh vẫn ngủ và ngủ kiểu… Trương Phi.

Một trường hợp khác là An, 17 tuổi, nhà ở Khâm Thiên, Hà Nội. An cho biết đã bị như thế này vài năm. Lúc ngủ mắt An không nhắm hết mà có khi mở 1/3, có khi mở một nửa và rất hay mơ. Những người từng ngủ chung với An hoặc thấy lạ, hoặc thấy sợ khi nhìn cô ngủ. Tuy nhiên, bản thân An chưa thấy có vấn đề gì bất thường về sức khỏe cũng như các sinh hoạt thường ngày.

Hiện tượng ngủ không khép hết mi mắt còn gặp cả ở một số em bé khiến nhiều bà mẹ lo lắng. Bé An nhà chị Hiên (ngõ 146, phố Nguyễn Ngọc Nại, Thanh Xuân, Hà Nội) năm nay hai tuổi. Thỉnh thoảng chị Hiên cũng thấy bé An ngủ mà hai mi mắt chưa khép hết, mắt bé vẫn “he hé” mở. Lúc ấy, chị thường phải lấy tay “kéo” mi mắt cho con.
Nguy hại đến thị lực

Theo bác sĩ Trần An, Phó viện trưởng Bệnh viện Mắt Trung ương, trường hợp ngủ mà mắt vẫn mở như trên thực tế không nhiều. Bình thường khi ngủ thì hai mắt phải nhắm lại. Những trường hợp mắt không nhắm lại khi ngủ chắc chắn là do bệnh lý. Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này có thể là một số bệnh như lồi mắt, hở mi, tổn thương vùng mắt, bị bỏng, khối u… Một số người sau phẫu thuật sụp mí cũng gặp phải tình trạng này.

Rối loạn giấc ngủ, teo hay liệt vận động cơ mặt, vai, cánh tay ở thể bán phần (do ảnh hưởng của các dây thần kinh) cũng có thể dẫn đến ngủ mở mắt. Một vài trường hợp được cho là có nguyên nhân di truyền khi trong nhà có nhiều người cùng bị.

Bác sĩ An cho biết, với đặc điểm cấu tạo đặc biệt, mắt cần phải được cung cấp nước liên tục bằng hoạt động chớp mắt. Việc chớp mắt khiến cho nước mắt được bôi đồng đều trên giác mạc và kết mạc phía trước nhãn cầu, bảo đảm cho mắt nhuận ướt. Nếu không có nước mắt, giác mạc sẽ khô, đục và không trong suốt nữa. Điều đó đồng nghĩa với thị lực sẽ bị ảnh hưởng. Chính vì thế mà khi ta nhìn lâu, tập trung vào một thứ gì đó mà “quên” chớp thì mắt sẽ có cảm giác cay, mỏi do mất nước trên bề mặt giác mạc. Nếu khi ngủ, mi mắt không khép lại, hoạt động chớp mắt cũng không được duy trì, giác mạc sẽ bị khô, các bụi bẩn cũng có thể rơi vào.

Bác sĩ An lưu ý, tất cả các trường hợp không thể nhắm mắt khi ngủ đều phải đến bệnh viện để bác sĩ thăm khám và có hướng điều trị kịp thời. Nếu để lâu sẽ rất nguy hại cho mắt, ảnh hưởng đến thị lực và kéo theo các bệnh khác cho mắt như khô mắt, nhiễm trùng mắt, viêm kết mạc… Bệnh nhân trước tiên cần bổ sung liên tục nước mắt nhân tạo, đồng thời bác sĩ sẽ cho thuốc mỡ kháng sinh tra mắt và một số loại thuốc điều trị chuyên khoa khác. Có một giải pháp tạm thời là người bệnh có thể dùng băng che mắt khi đi ngủ để giúp bảo vệ mắt.

Riêng với trường hợp một số em bé khi ngủ mắt mở hé mà không khép chặt, theo bác sĩ An, chưa cần quá lo lắng. Khi đó có thể các bé chưa thực sự ngủ say mà chỉ “lơ mơ” nên mắt chưa nhắm hẳn. Trẻ em vẫn thường có những giấc ngủ mơ màng kiểu đó. Nếu theo dõi hằng ngày thấy bé vẫn chơi khỏe, mọi sinh hoạt đều đặn thì đó là bình thường. Hiện tượng này sẽ hết khi bé lớn lên. 
Theo Khoa Học Đời Sống

Theo đuôi :

ADVERTISEMENT