Sau cái chết vì ăn thịt lợn bệnh của anh Đoàn Ngọc Hỷ, 44 tuổi, người dân xóm Bồi, xã Triệu Long, Triệu Phong, Quảng Trị, rất lo lắng.
Ăn lợn, gà chết là chuyện thường
Ông Võ Toàn buồn bã: “Thấy lợn chết, tui cứ tưởng nó bị bệnh bình thường, chôn thì tiếc nên cùng bà con mổ thịt. Từ xưa tới giờ, lợn, gà chết vẫn mổ ăn bình thường chớ có răng mô! Ai ngờ ra nông nỗi phải đền mạng…”.
Bệnh nhân mắc liên cầu lợn điều trị tại khoa Cấp cứu - Hồi sức - Bệnh viện T.Ư Huế.

Đây không phải là cái chết đầu tiên do ăn thịt lợn bệnh ở Quảng Trị. Trước đó, vào cuối tháng 8.2010, ông L.V.X, 45 tuổi, trú tại thôn 7, xã Triệu Vân, huyện Triệu Phong cũng đã nhập Bệnh viện T.Ư Huế trong tình trạng thần kinh rối loạn, huyết áp tụt, sốt cao, sức lực giảm nhanh. Bệnh nhân này được xác định mắc bệnh nhiễm liên cầu lợn. Theo người nhà của bệnh nhân, trước đó X có uống rượu với tiết canh, lòng lợn.
Hầu hết người dân ở đây tỏ ra rất xa lạ với bệnh liên cầu lợn. “Bệnh lợn tai xanh còn biết chứ bệnh liên cầu lợn thì thi thoảng nghe trên đài chớ cụ thể thế nào thì chịu!”.
Ăn cả lợn tai xanh
Ngày 4.5, trao đổi với phóng viên, bác sĩ Dương Văn Sinh - Trưởng khoa Cấp cứu - Hồi sức Bệnh viện T.Ư Huế, nơi điều trị nhiều bệnh nhân liên cầu lợn đến từ các tỉnh miền Trung, cho biết: Số bệnh nhân mắc bệnh này điều trị tại bệnh viện năm nay chưa nhiều như 2010. Năm ngoái, có đến 50 bệnh nhân.
Theo ông Sinh, bệnh liên cầu lợn ở người là do lây từ bệnh tai xanh ở lợn. Bệnh tai xanh làm suy giảm miễn dịch ở lợn, khiến vi khuẩn liên cầu lợn xuất hiện và phát triển. Vi khuẩn này có mặt trong khắp cơ thể lợn, đặc biệt là ở các phủ tạng và huyết. Vì vậy, người ăn bất cứ sản phẩm gì từ lợn tai xanh cũng có nguy cơ nhiễm liên cầu lợn rất cao.
Có trường hợp nhiều người cùng ăn một nồi cháo lòng, nhưng chỉ một người nhiễm liên cầu lợn do không phải miếng lòng nào cũng chín vì nhiệt độ tại một số vị trí của nồi cháo không đủ, khiến liên cầu lợn không chết.
Các bác sĩ khuyến cáo, để không mắc liên cầu lợn, người dân chỉ nên sử dụng thịt có dấu của thú y. Không dùng những sản phẩm làm từ thịt lợn chế biến chưa kỹ như nem, tiết canh, tré, thịt lợn bóp, thịt lợn nướng… vì mầm bệnh vẫn còn tồn tại. Khi ăn thịt lợn phải nấu thật chín, nếu luộc thì phải để sôi tối thiểu 10 phút.
Khi tiếp xúc với lợn nghi ngờ mắc dịch hoặc các vật dụng liên quan đến lợn phải mang gang tay để tránh lây bệnh qua vết xước và sau đó phải rửa tay bằng xà bông. Các cơ quan có thẩm quyền cần tăng cường kiểm tra, kiểm dịch để ngăn chặn việc thịt lợn mắc dịch tai xanh bị bán ra thị trường làm gia tăng người dân mắc liên cầu lợn.
Theo Dân Việt

Theo đuôi :

ADVERTISEMENT