Chỉ vì những tin đồn về giá trị thực của tắc kè mà trong thời gian gần đây ở Nghệ An đã xuất hiện một "cơn sốt" săn tắc kè. Điều này đang khiến cho loài động vật quý hiếm này có nguy cơ biến mất.
Cố kiếm tắc kè 3 lạng để mong đổi đời!

 
Cơn sốt săn tắc kè đang lan rộng ở Nghệ An, tất cả bắt nguồn từ những tin đồn vô căn cứ
 
Những ngày trước và sau Tết, một số địa phương trên địa bàn tỉnh Nghệ An bỗng xuất hiện "cơn sốt" tắc kè. Mặc cho trời mưa ẩm ướt cộng thêm gió mùa khiến cho tiết trời thêm lạnh giá nhưng những kẻ săn tắc kè vẫn tay bị tay gậy leo lên từng vách núi hòng tìm kiếm cơ may săn những con tắc kè "khủng" trên 3 lạng để mong... đổi đời.
Xã Quang Thành (huyện Yên Thành) là một trong những "điểm nóng" về nạn săn tắc kè. Trên những lèn đá dựng đứng, rêu mọc nham nhở, trời lại mưa khiến cho đường lên vách núi trơn tuột như bôi mỡ.
Ấy thế mà đám trẻ chăn trâu vẫn thoăn thoắt leo lên để tìm bắt những chú tắc kè đang trốn lạnh trong các kẽ đá.
Một học sinh lớp 8, Trường THCS Quang Thành hổ hởi: "Cách đây 2 tháng có mấy người lạ mặt đến làng nói sẽ mua tắc kè với giá rất cao. Con 3 lạng giá 50 triệu đồng, cứ trên 3 lạng 1 gram là giá tăng thêm 20 triệu đồng. Nghe tin đó, làng em và cả xã đổ xô đi bắt. Mấy ngày qua em bắt được 4 con nhưng dưới 2 lạng nên họ chỉ mua với giá 150 ngàn/con".
Một trong những người "kiên trì" nhất trong việc tìm kiếm con tắc kè 3 lạng trở lên là anh Hoàng Văn Thìn, trú tại xã Kim Thành. Đã 2 tháng từ khi có tin "sốc" như trên, anh cùng một người bạn tên Hoàn ở xã Quang Thành đã cất công săn tìm tắc kè, nhưng đều bất lực và chỉ tìm được những con có trọng lượng nhỏ hơn.
Anh Thìn tâm sự: “Kể cũng lạ, tắc kè chi mà đắt rứa, mà giá cả lại chênh lệch nhiều đến vậy giữa con to và con nhỏ. Mấy tháng nay tôi tìm được có khi cũng ngót trăm con nhưng toàn là con nhỏ cỡ 1 - 2 lạng thôi, bán giá chỉ 100 - 200 nghìn đồng. Trầy trật mãi chẳng thấy bắt được con nào 3 lạng cả, đôi khi cũng nản nhưng nghe họ hét giá 50 triệu đồng 1 con 3 lạng kể ra rất hấp dẫn nên tôi sẽ cố kiếm cho bằng được khỏi mất công mất sức bấy lâu".
Cơn sốt đang lan rộng
Ở Nghệ An, "cơn sốt" tắc kè đang lan nhanh từ Yên Thành sang các khu vực có nhiều rừng núi như Quỳ Châu, Quế Phong, Tương Dương, Con Cuông, Kỳ Sơn...
Sau hơn 2 tháng kể từ khi "cơn sốt" tắc kè bùng lên, hiện nay tại vùng rừng núi Yên Thành, những "ổ" tắc kè dường như đã không còn. Tại các xã Tri Lễ, Nậm Giải, Hạnh Dịch (huyện Quế Phong) phong trào "săn" tắc kè cũng khiến cho hàng trăm người dân hàng ngày trèo đèo, lội suối đi tìm.
Anh Moong Văn Tình, trú xã Tri Lễ nói: "Nghe tin tắc kè đắt vừa mới đây thôi nhưng giờ đi đâu cũng gặp người săn tắc kè, ban đêm ánh đèn pin soi sáng cả một cánh rừng, tiếng gõ thân cây để nhử tắc kè từ trên ngọn xuống nhức hết cả tai. Vừa rồi anh Phát ở cùng xã bắt được hơn 2 chục con mà toàn hàng "tép" (con nhỏ hơn 3 lạng - PV), chỉ  1 - 2 lạng, có con chỉ mấy chục gram bán cũng chả ăn thua, tôi đang tính thôi không tìm nữa".
Tin vịt?

 
Một cậu bé chăn trâu đang săn tắc kè
 
Một "nậu" chuyên thu mua tắc kè nhập cho các đầu mối cho biết: “Tháng 1/2011, tôi được một đầu nậu ở huyện Diễn Châu tên Hiền liên hệ nhờ mua và trả hoa hồng 1 con dưới 3 lạng là 40 – 80 nghìn đồng, con 3 lạng trở lên sẽ được từ vài triệu đến 10 triệu đồng. Vậy mà đã mấy tháng nay tôi mua hàng trăm kg nhưng vẫn chưa bắt được mối nào có con 3 lạng cả".
Theo tìm hiểu của chúng tôi, đến thời điểm này, hầu như địa phương nào các đầu nậu ở Diễn Châu, TP Vinh, Hà Nội, Lạng Sơn, Quảng Ninh... cũng đã liên hệ và "cắm chốt" các "đại lý " thu mua, hàng ngày mỗi đại lý cũng thu được chừng 10 - 30kg tắc kè.
Tuy nhiên, chưa có trường hợp nào trên 3 lạng.
Lần theo thông tin của những "đại lý" ở các huyện, chúng tôi may mắn liên hệ được một đầu nậu ở TP Vinh. Tuy nhiên, qua quá trình dò hỏi chúng tôi nhận thấy người đàn ông kín tiếng này chỉ ầm ừ cho qua chuyện và có ý đuổi khéo.
Qua khai thác thông tin mãi, đầu nậu này cũng thú nhận chưa "gom" được lô hàng nào có con 3 lạng !
Để lý giải vì sao lại có người hỏi mua tắc kè 3 lạng giá "khủng" như thế, chúng tôi đã được nghe vô số lời giải thích cũng như phán đoán của nhiều người, trong đó có một số "đầu nậu" đất Bắc, nhưng tất cả chỉ dừng lại ở...tin đồn.
Đồn rằng lưỡi của tắc kè lâu năm dùng để điều trị bệnh AIDS; thịt chế được chất kích dục, máu chữa được bệnh ung thư vv...và vv... Tuy nhiên, điều đó đã được các nhà y học khẳng định chưa có một cơ sở khoa học nào để nói tắc kè chữa được những căn bệnh nan y như đã nói. Đó chỉ là lời đồn thổi!
Trước đây cũng từng xảy ra những cơn sốt tương tự như tin đồn mua đuôi mèo, móng trâu, tai ngựa, rễ cây hồi,... với giá cao ngất ngưởng. Thực tế tất cả chỉ là đồn thổi, không có thực và thực tế đã có nhiều người phải dở khóc dở cười; tiền mất, tật mang vì "trót" nghe theo những tin đồn như vậy.
  • Thành Đạt

Theo đuôi :

ADVERTISEMENT