Suốt vài tháng qua, tình hình Syria trở nên phức tạp khi làn sóng "cách mạng hoa nhài" tại Bắc Phi và Trung Đông lan sang nước này.
Các cuộc biểu tình bạo lực liên tiếp nổ ra tại nhiều nơi trên lãnh thổ Syria, buộc nhà chức trách nước này phải sử dụng các biện pháp mạnh. Theo những tiết lộ mới đây của trang mạng WikiLeaks, từ nhiều năm qua, Mỹ một mặt ngấm ngầm cung cấp tiền bạc và chỉ đạo các tổ chức chống chính phủ ở Syria, mặt khác tìm cách tái can thiệp vào đất nước của Tổng thống Bashar al-Assad.
Theo các bức điện của WikiLeaks, ít nhất trong 5 năm qua, Bộ Ngoại giao Mỹ đã bí mật cung cấp tài chính và chỉ đạo các tổ chức đối lập Syria triển khai các kế hoạch chống chính phủ của ông al-Assad. Hiện nay, các khoản viện trợ tài chính của chính quyền Mỹ vẫn tiếp tục rơi vào tay lực lượng chống Chính phủ Syria, kể cả sau khi chính quyền Obama bắt đầu tái triển khai chính sách can dự vào Syria năm 2009.
Làn sóng biểu tình tại Syria có bàn tay đạo diễn của Mỹ
Tháng 1-2011, Nhà Trắng bổ nhiệm đại sứ Mỹ đầu tiên ở Syria kể từ khi chính quyền của Tổng thống George W. Bush quyết định rút Đại sứ Mỹ về nước năm 2005 vì cho rằng Chính phủ Syria liên quan trong vụ ám sát cựu Thủ tướng Lebanon Rafik Hariri. Chính quyền Obama đang nỗ lực tách Syria khỏi đồng minh thân thiết là Iran để quan hệ thân thiện hơn với Mỹ cũng như các nước đồng minh của Mỹ trong khu vực. Tuy nhiên, cho đến nay, nỗ lực đó của chính quyền Obama phần lớn bị thất bại và các cuộc biểu tình chống chính phủ lan rộng khắp Syria đã khiến tình hình nước này ngày càng trở nên phức tạp.
Cơ quan tình báo Mỹ đang tìm cách giúp chính quyền Obama hỗ trợ những người biểu tình ủng hộ dân chủ ở Syria mà không gây ảnh hưởng bất lợi đến mối quan hệ với chính quyền al-Assad. Một bức điện mật hồi tháng 4-2009 của Mỹ bày tỏ lo ngại nếu Chính phủ Syria phát hiện chính quyền Mỹ đang cung cấp tài chính cho một số tổ chức chống đối, họ sẽ coi đó là "một âm mưu phá hoại chế độ của Tổng thống al-Assad và chống lại các cải cách". Các bức điện mật của WikiLeaks cho biết phần lớn số tiền khoảng 6 triệu USD từ năm 2006 đến nay của Mỹ cung cấp cho các nhóm chống đối ở Syria đều được chuyển qua tổ chức của những người Syria lưu vong có tên "Phong trào vì sự Công bằng và Phát triển" ở London (Anh). Tổ chức này quan hệ chặt chẽ với "Đài truyền hình Barada". Gần đây, đài truyền hình này thường xuyên phát tin tức và hình ảnh về các cuộc biểu tình của công chúng diễn ra ở trong nước và khu vực để kích động các cuộc nổi dậy của công chúng Syria.
Tiết lộ trên của WikiLeaks đã được công bố một tuần sau khi các quan chức Mỹ thông báo Iran đã và đang tiếp tay cho Chính phủ Syria đàn áp các cuộc nổi dậy cũng như theo dõi người biểu tình. Rõ ràng, Syria đang trở thành một trong những chiến trường khu vực giữa Iran và Mỹ. Các đối thủ cạnh tranh thường xuyên tức giận trước ảnh hưởng và hành động của Iran tại Syria và cho rằng Iran là nước chủ yếu cung cấp các loại vũ khí cũng như tiền bạc cho phong trào Hồi giáo vũ trang Hezbollah tại Lebanon và phong trào Hồi giáo vũ trang Hamas ở Palestine. Mặc dù Washington rất muốn chấm dứt mối quan hệ thân thiện giữa Tổng thống al-Assad và Iran, nhưng nhiều quan chức Mỹ lo ngại nếu Tổng thống al-Assad sụp đổ sau các cuộc biểu tình, khoảng trống quyền lực sẽ tạo cơ hội để Iran mở rộng ảnh hưởng tại Syria. Do đó, chính quyền Mỹ chỉ đạo các nhân vật lãnh đạo biểu tình ở Syria chỉ hạn chế đòi chính phủ tiến hành các cải cách chính trị như chấm dứt tình trạng khẩn cấp áp dụng từ năm 1963, trả tự do cho các tù nhân chính trị. Đó là lý do vì sao chế độ al-Assad vẫn đứng vững cho đến nay.
Theo PL&XH
Theo đuôi :
ADVERTISEMENT