Qua giới thiệu trên các tờ rơi, có thể thấy giờ đây việc muốn có một chứng chỉ tin học hay tiếng Anh là việc không hề khó. “Thượng đế” yêu cầu gì thì có nấy - Muốn chứng chỉ loại khá, được khá. Muốn có chứng chỉ giỏi, được giỏi…

Tìm được việc làm đối với đa số sinh viên mới ra trường, không phải là đơn giản. Có biết bao "trở ngại",  khiến các tân cử nhân... phải đau đầu tìm cách vượt qua. Nào là trình độ tin học, nào là kinh nghiệm, kĩ năng mềm, rồi ngoại ngữ… Song không phải ai cũng có khả năng đáp ứng tất cả những điều kiện này. Và để giải quyết tình trạng trước mắt, thay vì bỏ công sức tiếp tục học tập, trau dồi để có được chứng chỉ "người thực, việc thực", không ít người trẻ lại nghĩ ngay tới biện pháp "đi tắt, đón đầu". Đó là mua chứng chỉ.
 
Giờ đây đi mua chứng chỉ, dễ dàng hơn đi mua mớ rau
Bán công khai… mua bình thường
Không biết có phải vào dịp cuối năm hay không, nhưng trong thời gian gần đây, ở các trường đại học dọc khu vực Xuân Thủy – Cầu Giấy xuất hiện nhiều tờ rơi giới thiệu mua chứng chỉ được phát rất công khai. Dường như cái sự công khai đó đã trở nên quá đỗi bình thường. Và đối tượng mà những tờ rơi hướng tới phần lớn là những sinh viên năm cuối chuẩn bị ra trường.
Sinh viên ra trường có biết bao nhiêu cái phải lo: lo gia đình cắt viện trợ, lo phải tự gánh vác cuộc sống sau khi tốt nghiệp… Và lo làm sao kiếm được một công việc ổn định để có thể tự nuôi được bản thân.  Muốn tìm được một công việc gọi là “tạm được” không phải dễ, chỉ tấm bằng tốt nghiệp thôi chưa đủ khi mà yêu cầu về trình độ tin học, ngoại ngữ gần như bắt buộc đối với những ứng viên xin vào làm cho các công ty, doanh nghiệp…
Nhưng không phải ai cũng nghĩ tới việc đi học để lấy kiến thức phục vụ cho công việc của mình. Mà muốn hợp thức hóa hồ sơ,  yêu cầu, nhiều cử nhân dùng phương án “đốt cháy giai đoạn” bằng việc tìm tới những địa chỉ làm chứng chỉ giả để bổ sung cho hành trang học vấn của mình.
Có cầu ắt có cung. Những tờ rơi có nội dung đại loại như “Chứng chỉ do Liên hiệp Khoa học công nghệ và ứng dụng – UIA thuộc Liên hiệp các hội Khoa học và công nghệ Việt Nam cấp. Vô thời hạn và có giá trị toàn quốc. Trình độ (A, B, C… ) và loại (Khá, Giỏi… ) theo yêu cầu của các bạn”, hoặc “có thể cấp được chứng chỉ của Bộ GD & ĐT” (?)...
Qua những lời giới thiệu của các tờ rơi, có thể thấy rõ một thực trạng là giờ đây để có một chứng chỉ tin học hay tiếng Anh không thực chất là việc không hề khó. “Thượng đế” yêu cầu gì là có nấy. Muốn có chứng chỉ khá, được chứng chỉ khá. Muốn có chứng chỉ giỏi, được chứng chỉ giỏi… Về mặt thủ tục thì như qua quảng cáo “rất nhanh chóng và đơn giản: 04 ảnh (3x4), 01 giấy CMND phô tô” là xong (?)
Cái sự công khai mua bán chứng chỉ đó chứng tỏ giờ đây đó không còn là một việc làm khiến người ta cảm thấy là mặt trái, là phải giấu diếm nữa. Ngược lại nó đã trở nên bình thường mà dù có công khai thì cũng ít ai có ý kiến, thậm chí nhiều người còn truyền nhau xem các tờ rơi, và ai đó cần thì tham khảo xem mua như thế nào cho tiện.
Cầm tờ rơi mới được phát trên tay, Huyền (sinh viên năm cuối đại học Quốc gia Hà Nội) tỉnh bơ nói: “Ui giời! mấy cái này họ phát suốt ấy mà. Giờ đầy chỗ bán chứng chỉ, muốn mua có  khó gì đâu”. Quả là bây giờ việc có những người rao bán chứng chỉ dường như đã là một việc hiển nhiên, giống như bán mớ rau ngoài chợ, có mặc cả, có giảm giá: “Đăng kí 3 người trở lên, lệ phí chỉ 190.000 đồng” (bình thường là 200.000 đồng).
Từ bình thường… cho đến khác thường
Phát tờ rơi, rao bán trên mạng, hay tổ chức mạng lưới giới thiệu trực tiếp mua chứng chỉ được xem như là chuyện bình thường mà không ít người đã xác nhận. Điều đó như một thứ tất yếu cần thiết để nhiều người ta sử dụng khi xin việc, hợp thức hóa việc thăng chức, tăng lương… Và cũng chính vì sự quá dễ dãi chấp nhận đó mà việc mua bán chứng chỉ dẫu rất đáng lên án, vẫn không chỉ có đất tồn tại, mà còn dường như ngày càng "phát triển".
Ngoài tin học, tiếng Anh, còn không ít loại chứng chỉ được giới thiệu công khai từ chứng chỉ kế toán, cho đến bằng lái xe giả, các loại bằng cấp giả… Ai cần đều có thể mua mà không phải mất thời gian để học và thi sát hạch. Cái  "tiện" đó khiến cho cả người bán và người mua đều có lợi, nhưng rõ ràng về thực chất đây chỉ có thể là "lợi bất cập hại" mà thôi.
Dù việc mua bán chứng chỉ này đang diễn ra khá là... bình thường, nhưng nó vẫn  là khác thường bởi đã vi phạm những quy định của pháp luật.
Nhưng trước thực trạng dường như đang bị thả nổi này, rất mong các cơ quan chức năng có ngay những biện pháp hữu hiệu nhằm chấm dứt hiện tượng mua bán chứng chỉ.
 Và nên chăng ngay từ phía các công ty, doanh nghiệp, cơ quan khi tuyển nhân viên vào làm việc, có quy định tiêu chí: cần có chứng chỉ tiếng Anh, tin học làm tiêu chuẩn tăng lương, thăng chức, thì cũng cần có những biện pháp kiểm tra hiệu quả để thấy rõ năng lực thực sự của nhân viên cần tuyển chọn.
Có như vậy thì việc học hành, thi cử dù chỉ là để lấy chứng chỉ, mới được chú trọng và những người nhận được chứng chỉ mới có kiến thức thực sự để thực hành cho công việc của mình.
Huyền Minh (Học viện Báo chí và Tuyên truyền)

Theo đuôi :

ADVERTISEMENT