Phụ nữ nào cũng mong muốn lấy được người chồng tốt, yêu thương và chăm sóc vợ con. Nhưng không phải ai cũng đạt được điều đó.
Ngày càng có nhiều trường hợp ly hôn, từ người nổi tiếng đến người bình thường với những lý do rất nhỏ. Đến mức bạn nghĩ cuộc hôn nhân hạnh phúc lâu dài chỉ có trong chuyện cổ tích. Thực tế không phải vậy, chỉ cần nắm một số quy tắc dưới đây của chúng tôi, bạn sẽ chọn được người bạn đời tuyệt vời và có một cuộc hôn nhân viên mãn.
Hãy bắt đầu từ con số 1, bạn nhé!
1. Đừng bỏ qua quá khứ của anh ấy
Nếu bạn phát hiện ra một điều gì đó không tốt trong quá khứ của anh ấy, dù hiện tại anh không như thế, cũng đừng bỏ qua. Bạn cần xem xét lại ngay. Đây không phải là chuyện “bới lông tìm vết”, mà vì những điều trong quá khứ có thể lặp lại ở cuộc sống với bạn trong tương lai.
Chuyên gia tâm lý về hôn nhân gia đình ở Mỹ, tiến sĩ Terri Orbuch, nói: “Tiên đoán tốt nhất cách sống sau này của anh ấy chính là xem anh ấy đã sống thế nào”. Nếu trong quá khứ anh làm những cô người yêu cũ đau khổ vì bị phản bội, bạn hãy dè chừng. Dĩ nhiên khi yêu, bạn luôn tin rằng mình xứng đáng để anh ấy yêu hơn hoặc bạn là người có thể “cải huấn” anh.
Tuy nhiên, nếu một người đàn ông tệ bạc nhiều lần, không có lý do chắc chắn nào cho thấy điều đó không xảy ra trong tương lai. Anh ấy có thể đối xử với bạn rất tốt trong thời kỳ nồng thắm, khoảng 18 tháng, nhưng sau đó, anh ta sẽ bắt đầu “ngựa quen đường cũ”.
Chúng ta thường nói ai cũng có thể thay đổi nhưng để điều đó xảy ra, bạn cần nắm rõ quy luật. Phải xác định thói xấu đó của anh ấy là nông nổi nhất thời hay thuộc về bản chất. Để tìm ra, bạn cần có cuộc nói chuyện nghiêm túc trước khi cưới, về những thói xấu của nhau. Hãy hỏi vì sao anh ấy làm điều đó. Khi lý do anh nêu ra gắn với những trường hợp cụ thể, chẳng hạn ngày xưa anh hay nhậu vì ở chung nhà với một nhóm bạn thích nhậu nhẹt, bạn có thể tin rằng khi sống với bạn, anh ấy sẽ bỏ được thói quen đó.
Thế nhưng nếu anh ấy uống rượu để giải tỏa căng thẳng, tương lai có thể anh còn căng thẳng nhiều với cơm áo gạo tiền, con cái. Hãy cân nhắc tới việc bạn có thể “sống chung với bợm” được không?
2. Tìm điều bạn thật sự cần
Bạn hãy vẽ về một vòng tròn lớn với một vòng tròn nhỏ bên trong. Sau đó viết vào tròn nhỏ bốn đến năm điều bạn cần ở chồng. Chẳng hạn: chồng phải luôn bên cạnh khi vợ đau yếu hay “định mức” về tài chính… Tiếp theo, bạn điền vào vòng tròn lớn những tiêu chuẩn ưu tiên mà người chồng có được.
Bạn hãy liệt kê những điểm người yêu đang có. Nếu anh ấy hội tụ đủ đức tính trong vòng tròn nhỏ, bạn có thể đồng ý khi anh ta cầu hôn. Nếu bạn nhận ra anh ta có nhiều điều trong vòng tròn lớn như đẹp trai, biết ăn mặc… nhưng thiếu đi vài điều trong vòng tròn nhỏ, hãy cân nhắc lại!
Ví dụ: Anh ấy là giám đốc ngành hàng một công ty lớn, kiếm được nhiều tiền nhưng thường đi công tác. Nếu là người quảng giao, công việc cần giao tiếp nhiều, bạn sẽ phù hợp với chàng. Ngược lại, nếu là người phụ nữ của gia đình, bạn sẽ không hạnh phúc với người chồng lúc suốt ngày đi vắng.
3. Quên đi mộng tưởng và tập trung vào hiện tại
Bạn yêu chàng vì chàng học MBA ở Mỹ về? Chàng dự tính sẽ trở thành CEO của công ty nước ngoài? Bạn hãnh diện vì có được chàng, một CEO tương lai, hay sẽ phải đối mặt với những khoản nợ ngân hàng cho việc đi học chàng còn chưa trả hết và những lời phàn nàn: “Các công việc họ giao chưa xứng tầm với anh”. Hãy nhớ bạn sẽ cưới chàng của hiện tại, chứ không phải chàng trong tương lai.
Dĩ nhiên yêu một người có đam mê, khát vọng cùng với khả năng rộng mở là điều rất tốt. Song đi kèm với điều đó phải là những kế hoạch và hành động cụ thể. Bên cạnh đó, bạn phải chuẩn bị tinh thần để không vỡ mộng hay nối tiếc vì thực tế trong tương lai không như mong ước.
Không ít phụ nữ lấy nhầm người vì tiền bạc. Nhiều người mơ ước một cuộc sống sung sướng nhờ lấy chồng giàu sang mà “nhắm mắt đưa chân”. Tuy nhiên, thực sự nhiều gia đình giàu sang không hề hạnh phúc. Có nhiều cô gái sống trong chiếc lồng son khổ sở vì không có tình yêu, không có sự hòa hợp. Họ chỉ là vật trang trí hay ô-sin cho người chung chăn gối. Bạn có muốn điều đó xảy ra với bản thân không?
4. Để ý đến mối quan hệ của gia đình anh ấy
Bạn lấy chồng chứ không lấy gia đình chồng? Hiện tại bạn có thể không quan tâm đến gia đình chồng nhưng họ đóng vai trò rất lớn đấy. Nếu anh ấy sinh ra trong một gia đình với các mối quan hệ thờ ơ, lạnh nhạt trong khi gia đình ban thuộc xu hướng tình cảm và luôn đùm bọc nhau, hai bạn liệu có hạnh phúc không? Chắc chắn anh sẽ không hài lòng với cô vợ luôn chăm lo cho những người gặp khó khăn của gia đình mình.
Trường hợp thứ hai, anh ấy luôn chăm bẵm và bênh bực gia đình mình trong mọi tình huống? Bạn có tin rằng anh sẽ luôn đứng về phía bạn những lúc rắc rối với gia đình anh? Vì thế, nếu muốn tiến tới với người chồng có mối quan hệ gia đình trái ngược, bạn cần thỏa hiệp với anh việc gia đình hai bên đóng vai trò như thế nào trong tổ ấm của bạn.
5. Chắc chắn phải có tình yêu và đam mê
Cho dù bao nhiêu điểm chung về tinh thần, học vấn, sự nghiệp, điều tiên quyết là hai bạn phải đam mê nhau. Nhiều người cho rằng chỉ cần gia đình yên ấm là được. Thực tế, bạn cần có tình yêu và sự đam mê lẫn nhau để giữ mối quan hệ bền vững và hạnh phúc. Dĩ nhiên, khi đã ở bên nhau hàng năm trời, bạn không cần phải thèm được ôm hôn ngay khi thấy nhau.
Tuy nhiên, đam mê nhau vẫn cần phải có. Một cuộc hôn nhân thành công nghĩa là mối quan hệ giữa hai người phải hơn mức bạn thân. Từ việc đam mê nhau, bạn mới có “giường chiếu ấm nồng”. Điều này tuy không khiến những rắc rối biến mất, nhưng nó làm ấm ngôi nhà của bạn, nhất là trong những giai đoạn khó khăn, khi bạn gặp sóng gió cuộc đời.
6. Đừng lấy chỉ để chống ế
Hầu như mọi phụ nữ đến một lúc nào đó đều muốn lấy chồng bởi vì “tuổi xuân đã trôi qua” hay vì mẹ hoặc chị đã lập gia đình vào độ tuổi đó. Không chỉ ở nông thôn, ngay cả chốn thành thị, khái niệm “gái già” vẫn  còn nặng nề. Không ít cô gái trên ba mươi bị nhìn xéo liếc ngang hoặc xầm xì “chắc là có vấn đề” nếu vẫn một mình.
Khi bị thôi thúc lấy chồng để thoát khỏi sự cô đơn, bạn dễ vớ ngay một người không hợp. Để chắc chắn mình không quyết định vội vàng, bạn hãy tự hỏi bản thân có lấy người đó không khi bạn ở tuổi đôi mươi. Nếu câu trả lời là “có”, bạn yêu anh ấy thật lòng. Còn nếu bạn do dự, đừng ngại kéo dài thời gian độc thân của mình.
Nếu bạn lấy chồng vì muốn có con, bạn hãy biết đến khái niệm “single mom”. Việc chọn đại một người bố không xứng đáng cho con đáng sợ hơn nhiều những khó khăn bạn đối mặt khi nuôi con một mình.
 
Theo Tiếp thị và Gia đình

Theo đuôi :

ADVERTISEMENT