Omar bin Laden - con trai lớn thứ 4 của Bin Laden. |
Những người con trai của trùm khủng bố Osama bin Laden hôm qua (10/5) đã lần đầu lên tiếng về cái chết của cha trong bối cảnh Mỹ đang tìm cách được tiếp cận với những người vợ của thủ lĩnh Al-Qaeda.
Trong một tuyên bố được gửi tới tờ New York Times, những người con trai của Bin Laden đã đặt câu hỏi, tại sao cha của họ “không bị bắt và được đưa ra xét xử tại tòa theo luật pháp để sự thật được phơi bày trước toàn thể nhân dân thế giới."
"Chúng tôi tin rằng, việc tự ý giết người không phải là một giải pháp cho các vấn đề chính trị," tuyên bố của những người con trai của Bin Laden đã viết như vậy.
Trong một tuyên bố riêng rẽ khác được đăng tải trên các website Hồi giáo, những người con trai của Bin Laden còn cáo buộc Tổng thống Barack Obama đã ra lệnh lính Mỹ thực hiện “một nhiệm vụ tội ác” là “xóa sổ toàn bộ một gia đình không tấc sắt trong tay."
Tuyên bố trên cũng cho biết, gia đình Bin Laden cảm thấy bị “xúc phạm” và “bị làm nhục” bởi việc người cha của họ bị vùi xác dưới biển. "Không thể chấp nhận được cả về mặt nhân đạo lẫn mặt tôn giáo khi vứt xác một người quan trọng và có vị thế trong lòng người dân như vậy xuống biển theo cách đó".
Hai tuyên bố trên của các con trai Bin Laden lên án về cái chết của cha họ được đưa ra theo sự chỉ đạo của Omar bin Laden, 30 tuổi. Đây là người con trai lớn thứ tư của Bin Laden. Ngoài chỉ trích về cái chết của Bin Laden, các tuyên bố của con trai Bin Laden cũng kêu gọi giới quan chức Pakistan thả 3 người vợ và những người con khác của trùm khủng bố đang bị các lực lượng an ninh, tình báo Pakistan giam giữ.
Trong lúc này, Mỹ đang tìm cách được tiếp cận với những người vợ của Bin Laden để khai thác các thông tin về tổ chức Al-Qaeda cũng như chi tiết những năm cuối đời của kẻ thù số 1 của họ. Tuy nhiên, Pakistan cho biết, họ chưa nhận được đề nghị chính thức nào từ Mỹ về việc nước này muốn được quyền tiếp xúc với những người vợ của Bin Laden.
Bin Laden đã bị các lực lượng đặc nhiệm Mỹ tiêu diệt hôm 2/5 sau một chiến dịch truy lùng gắt gao kéo dài suốt hơn 10 năm trời.
Theo Vnmedia
Theo đuôi :
ADVERTISEMENT