Mới đây, Giám đốc công an TP Hà Nội đã đề nghị tổng kiểm tra xích lô, tịch thu xích lô dù và tiến tới không cho xích lô chạy ở thủ đô. Trước đó, từ năm 2009, đại diện UBND quận Hoàn Kiếm cũng kiến nghị không cho xích lô hoạt động trong phố cổ và sau năm 2010 xóa bỏ phương tiện này.
Những lý do được đưa ra để cấm xích lô là: không kiểm soát được xích lô “dù”; quy định xích lô chỉ được đi thành đoàn 5 chiếc, mỗi đoàn phải đi cách nhau 200 m, thường không được thực hiện; góp phần gây ách tắc giao thông.
Xe xích lô được coi là một nét văn hóa đặc trưng của Hà Nội |
Thiếu xích lô, Hà Nội không còn là Hà Nội?
Trước thông tin xích lô ở Hà Nội sắp bị xóa sổ, nhiều người đã tỏ ra bị ‘sốc’ và bày tỏ sự khó hiểu trước dự định cấm xích lô. “Bỏ xích lô đi thì Hà Nội sẽ như thế nào nhỉ? Du khách thăm quan bằng phương tiện gì, xe buýt hay taxi, xe ôm?”, thành viên Bill Bờm, điễn đàn Webtretho nhận xét.
Nhiều ý kiến thể hiện sự tiếc nuối cho xích lô, một nét văn hóa đặc trưng đã đi vào nhiều tác phẩm nghệ thuật về Hà Nội. Nick Kingston.life cho rằng: “Xích lô đậm chất văn hóa và cái ‘cổ’ của Hà Nội, nhất là trong khu vực phố cổ và rộng hơn là khu vực Hoàn Kiếm. Chứ chọn ô tô điện thì chỉ thấy hiện đại thôi, nhưng Hà Nội cổ kính một chút mới hay. Xích lô cũng không gây ô nhiễm môi trường”.
“Đi xích lô có một cái rất riêng, xe chậm, thấy mọi thứ mình lướt qua chầm chậm, đủ ngắm thật sâu thật rõ, có chút gì đó bồi hồi, suy nghĩ vẩn vơ...”, thành viên meotruli (Linkhay) thổ lộ.
Có ý kiến cho rằng cấm xích lô là không hợp lý bởi nguy cơ gây ách tắc từ chiếc xe bus, xe du lịch cỡ lớn và cả xe điện trong phố cổ là cao hơn so với xích lô, có cấm thì nên cấm những loại phương tiện này.
Thành viên only Godknowswhy đặt ra các câu hỏi: “Xe xích lô không phải đường nào cũng có, phố nào cũng có, những đoạn tắc đường hãy xem xe xích lô có phải là nguyên nhân chính lấn chiếm làn đường không? Có lẽ xích lô làm phiền lòng những người thường xuyên đi lại trên khu phố cổ? Khu phố cổ đường xá chật hẹp, ô tô, xe máy lưu thông không ít, xích lô là nguyên nhân cản trở?”.
An07 (Webtretho) lại bình luận: “Nếu bỏ hẳn thì đúng là buồn thật, ký ức một thời. Nghề đạp xích lô cũng là nghề kiếm cơm của rất nhiều người và là một văn hóa riêng của Hà Nội xưa. Theo mình bỏ hẳn thì không nên mà chỉ nên cấm ở một số tuyến phố vào một giờ nhất định nào đó để tránh tắc đường thôi”.
Hình ảnh xích lô trên phố cổ vào thập kỷ 1980. |
Hoài niệm về chiếc xích lô
Từ sự tiếc nuối, nhiều người lại nhớ về những kỷ niệm khó quên của mình đối với chiếc xe xích lô.
Thành viên Lam_blue, diễn đàn Linkhay kể: “Em chỉ nhớ hồi bé, mỗi lần về thăm nhà bà ngoại là cả nhà chen chúc lúc nhúc nhau đi xích lô, có khi một xích lô mà ních được một người lớn với 5,6 đứa trẻ con từ mẫu giáo đến lớp 3”.
“Nhớ lắm cái thời còn học cấp một, cả lũ trẻ con trong phố leo lên một cái xích lô đến Cung Việt Xô dự mít tinh, trên đường đi hát hò ầm ĩ cả đường phố”, thành viên Rhythm of the rain (Vinamap.vn) chia sẻ.
Đối với thành viên Single121 (Webtretho), chiếc xích lô từng gắn bó mật thiết với đời sống của các thành viên trong gia đình. Single121 tâm sự: “Bỏ xích lô thấy buồn lắm, bà nội mình bị tật ở chân đi lại không tiện nên ngày xưa hai bà cháu đi chơi hay thuê xích lô. Mình cực thích đi xích lô ngắm phố phường. Ông ngoại mình cũng từng đạp xích lô...”.
Ngay cả người ngoại tỉnh cũng yêu mến chiếc xích lô Hà Nội. Thành viên Itsarainysunday viết: “Em không phải người Hà Nội nhưng cảm giác như xích lô gắn liền với Hà Nội vậy. Quê em không có xích lô. Hồi bé, mỗi lần ra Hà Nội, ba mẹ con đều đi lại bằng loại phương tiện này. Thế nên, lúc về lại có dịp khoe với bạn là tớ ra Hà Nội được đi xích lô nhá, vào Lăng nhá...’.
Kỷ niêm đó nhớ lắm, lâu lâu mẹ lại nhắc... Mấy năm xuống đây học cũng không đi xích lô nữa, một phần vì to uỳnh rồi, không sợ lạc! Mặc dù không sử dụng nhưng nếu bỏ đi thì thật đáng tiếc. Sau này con em chắc chỉ biết nó qua sách vở thôi, nếu con cũng được thử ngồi xích lô trong lòng mẹ một lần thì...”.
Theo Đất Mẹ
Theo đuôi :
ADVERTISEMENT