Cuộc sống hiện đại đã biến nhiều cô vợ thành công chúa từ khi chưa kết hôn đến khi lấy chồng và chính điều này khiến các ông chồng không khỏi điên đầu.

Biến chồng thành bảo mẫu
Tùng vẫn được đồng nghiệp cho là tốt số khi lấy cô vợ kém anh những 9 tuổi. Mặc dù Trang vẫn đang còn là sinh viên, nhưng mong muốn chăm sóc và ở bên cạnh Trang được Tùng trình bày một cách chân thành đã khiên gia đình nhà gái đồng ý, và đám cưới được tổ chức khi cô gái mới vừa tròn hai mươi.
Bởi còn trẻ, lại thêm lý do học hành, tuy lấy chồng rồi mà Trang vẫn giữ nếp sinh hoạt như khi còn ở nhà với cha mẹ ruột. Tất thảy việc nhà cô không thèm để mắt tới. Đặc biệt, hay dỗi. Mỗi lần thích mua gì thì nhất định đòi mua cho bằng được, kể cả khóc lóc. Mọi việc trong nhà thì hay quên. Nếu có bị nhắc nhở hay góp ý gì thì nàng lại… khóc, nhưng lần sau vẫn chứng nào tật ấy.
Được chiều chuộng đã biến các bà vợ tưởng mình là bà hoàng phải được cung phụng, chiều chuộng
Tùng tự an ủi bản thân rằng, vợ còn trẻ, sau này dần dần cuộc sống sẽ khiến cô trưởng thành hơn. Mà trước đây, cũng vì tính ngây thơ, đáng yêu này mà anh say cô như điếu đổ đấy thôi. Và anh trở thành bảo mẫu cho… vợ mình.
Không phải đàn ông lấy vợ trẻ mới rơi vào cảnh thường xuyên phải AQ với bản thân rằng: sẽ có ngày vợ đổi khác.
Hai vợ chồng anh Thanh (Đống Đa, Hà Nội) đã từng có rất nhiều xung đột vì tính nhõng nhẽo của vợ. Mới đầu yêu nhau, vì điều kiện công việc cũng như gia đình mà hai người ở xa nhau, thỉnh thoảng thấy người yêu nhõng nhẽo lại cảm thấy mình là chỗ dựa, được tỏ rõ bản lĩnh đàn ông. Đến lúc lấy nhau rồi, thời gian đầu vẫn thấy những hành động làm nũng của vợ trở nên đáng yêu. Nhưng chẳng được bao lâu, không biết do được chồng đáp ứng, chiều chuộng mọi thứ hay do thói quen được chiều chuộng ở nhà mà vợ anh ngày càng trở nên đỏng đảnh.
Công to việc lớn không nói làm gì, đằng này vợ anh luôn muốn chồng đáp ứng mọi thứ từ bữa cơm, đến giặt quần áo, mắc màn, thậm chí… bật ti vi hay xỏ giày vào chân cho vợ. Đã thế, khi ở cơ quan thường xuyên anh được nghe các cuộc điện thoại với nội dung lặp đi lặp lại của vợ: “anh có nhớ em không?”, “mình bỏ rơi em rồi”, “mình không yêu em nữa”… nhiều lúc vô tình loa để to khiến các đồng nghiệp nghe thấy, làm anh không khỏi ngượng ngùng. Thậm chí, có lần do bận quá không nghe được điện thoại, về nhà bị vợ giận và cấm vận mất một tuần.
Ngày thường đã vậy, đến khi mang bầu đứa con đầu lòng, dường như vợ anh biến thành bà hoàng trong gia đình. Cô đòi ăn hết cái nọ đến cái kia: trước khi đi mua đồ ăn cô thèm ăn phở Cồ Điệp, đến giữa đường lại đòi ăn xôi Yến, chưa đến quán xôi Yến thì đòi ăn bánh mỳ sốt vang… Mà nếu không đúng món mình thích thì cô nhất định không ăn.
Đinh ninh mệt một chút để đảm bảo dinh dưỡng và vợ thoải mái tâm lý nhưng càng cố chiều vợ bao nhiêu thì dường như vợ lại càng đòi hỏi nhiều. Đến tháng thứ 5 thì anh Thanh không thể chịu đựng với những đòi hỏi quá đáng của vợ được nữa, anh quyết định dùng phương pháp nửa dọa nạt, nửa thật: “Anh không chịu được thói nhõng nhẽo của em, dù em đang có bầu, nhưng anh quyết định chúng mình nên ly thân”. Chưa nghe dứt câu, thói tự ái và đỏng đảnh của bản thân nổi lên, vợ Thanh bỏ ngay về nhà mẹ đẻ.
Những tưởng phải đến năn nỉ, ỉ ôi xin vợ tha thứ, nhưng chắc do được cha mẹ và người thân khuyên bảo, nên hơn một tuần sau thấy vợ mang vali trở về nhà. Anh Thanh vui vẻ trêu “hóa ra, giống như một đứa trẻ: vợ cũng cần phải dọa”.
Chỉ vì quá được nuông chiều
Có thể khi yêu, những tính cách ngây thơ, nhí nhảnh của người yêu là điểm cộng trong mắt các chàng trai. Thế nhưng, cuộc sống gia đình với biết bao lo toan công việc đã khiến các ông chồng đủ mệt đầu, cộng thêm tính khí thất thường của vợ sẽ khiến người đàn ông chịu áp lực quá nhiều, dẫn đến sự không hòa hợp của hai vợ chồng và rất có thể gia đình sẽ bị rạn nứt.
Hương và Minh lấy nhau đã được 4 năm, từ những ngày đấu mới cưới về, anh đã luôn tâm sự với vợ rằng, vợ chồng mình sẽ cùng nhau làm tất cả mọi việc. Dù là việc nội trợ hay những công việc to tát hơn. Nên anh cố gắng hạn chế những buổi nhậu nhẹt với bạn bè để lo cơm nước giúp vợ. Thời gian đầu vợ chồng anh rất hạnh phúc, vì hai vợ chồng biết phân chia công việc hợp lý nên ít va chạm, lại có nhiều thời gian ở bên cạnh nhau hơn.
Sự nhõng nhẽo quá mức của các bà vợ nhiều lúc làm các ông chồng như muốn “nổ tung”, khiến nhiều gia đình có nguy cơ tan vỡ.
Thế nhưng anh Minh cũng nói rằng, càng ngày vợ anh càng hay bận rộn hơn. Cả tuần có 5 ngày đi làm thì phải bốn ngày rưỡi vợ phải làm thêm ở công ty đến 8 - 9 giờ tối mới về. Anh thương công việc của vợ vất vả nên cứ đi làm về là lo dọn dẹp nhà cửa, cơm nước, ngâm quần áo cho vào máy giặt…. giúp vợ. Có nhiều hôm mệt quá không làm được, vợ về đến nhà lại hậm hực trách móc. Có những hôm, được ngày nghỉ ở nhà, vợ lại nằm trên giường năn nỉ anh: “Anh giặt quần áo giúp em nhé em mệt lắm!”. Làm xong lại giả vờ mơ màng ngủ và nói: “Anh chịu khó đi chợ đi em ngủ một lát. Lát về em nấu cho”. Đi chợ về thấy vợ đã ngủ thật rồi. Anh cũng chẳng buồn gọi vợ dậy nữa mà tự nấu cơm, lau nhà. Xong mới gọi vợ dậy ăn.
Cho đến một hôm đang tất tưởi đi từ công ty về, anh bỗng nhận ra khuôn mặt tươi rói của vợ đang thích thú buôn chuyện với mấy cô bạn từ cửa hàng quần áo đi ra. Lại tiếp vào một cửa hàng quần áo khác… Sau này anh mới biết những hôm vợ kêu bận, hóa ra là bận đi spa, đi salon, đi massage, xem phim tán gẫu với bạn bè. Cũng chẳng phải mình vợ mà các bà bạn cùng công ty vợ, ai cũng có cái lý do công việc vĩ đại của mình để trốn việc nhà. Nhường lại cho các ông chồng
Một điều dễ dàng nhận ra là: không phải thói đỏng đảnh, nhõng nhẽo sinh ra đã có mà chỉ bởi, các bà vợ hay nhiều cô vợ trẻ được gia đình và đến cả người chồng của mình chiều chuộng quá, được đà nên càng ngày càng làm tới.
Nhiều chuyên gia cho rằng: về mặt tâm lý, sở dĩ xảy ra chuyện chồng càng cố nhịn, vợ càng làm tới và dẫn đến đổ vỡ là do người phụ nữ có khả năng chịu đựng rất cao và họ nghĩ đàn ông cũng giống như họ. Phụ nữ từ lúc sinh ra đã được cha mẹ dạy phải nhường nhịn, nhất là chị hai thì phải nhịn phần cho các em, nhường phần ngon cho người lớn...
Sự thiệt thòi của phụ nữ trong cuộc sống đã dần tôi luyện cho họ có khả năng chịu đựng phi thường. Vì vậy, những lúc ra rả bên tai chồng, họ chỉ nghĩ đơn giản là nói “cho sướng miệng, cho hả giận” và “vợ có quá một chút, có gì mà không chịu được”. Trong khi đó, người chồng lại đang gồng mình lên với sự khó chịu tột độ. Chồng đã gồng mình lên mà vợ còn quá quắt hơn nữa thì “già néo đứt dây” là chuyện khó tránh khỏi.
Vẫn biết, chồng có thể dành thời gian lo lắng, chăm sóc cho gia đình, chia sẻ những công việc vặt trong nhà với vợ là điều đáng quý, đáng khuyến khích nhưng các bà vợ cũng cần phải biết công việc chính của mình chính là chăm sóc từng “đường kim, mũi chỉ” cho chồng con. Bởi: người phụ nữ mới chính là người giữ lửa cho gia đình.
Theo VietnamNet

Theo đuôi :

ADVERTISEMENT