Ở lứa tuổi học sinh, các em luôn có sự tích lũy kinh nghiệm sống để hình thành một tính cách riêng cho bản thân. Internet lại là một kênh quan trọng để hình thành lên điều này. Và đôi khi các em sử dụng vào các kênh bạo lực thì sẽ hình thành trong các em tính cách bạo lực. Điều đó là hoàn toàn không tránh khỏi.
Thời gian gần đây, những hành vi nữ học sinh (HS) đánh bạn, lột áo quay video clip tung lên mạng xuất hiện nhiều hơn trong các trường học, điển hình như vụ việc xảy ra vừa qua tại Trường THCS Nguyễn Hiền, quận 12, TP HCM. Các nhà nghiên cứu đã đưa ra nhiều cách lý giải về nguyên nhân như: sự biến đổi đặc điểm tâm sinh lý, việc thiếu quan tâm của gia đình, hay vấn đề bạo lực trong gia đình, sự thiếu kỹ năng sống,... là những nguyên nhân chủ yếu dẫn tới hiện tượng bạo lực học trò.Tuy nhiên, trong lần trao đổi mới đây nhất với nhóm bác sĩ tham vấn trị liệu tâm lý lâm sàng tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương II (Biên Hòa - Đồng Nai) còn cho một góc nhìn mới mà xã hội học, tâm lý học hiện đại đang bắt đầu quan tâm. Đó là mối liên hệ tương quan giữa hành vi bạo lực ở lứa tuổi HS và Internet.
Từ những trường hợp
Khoa tâm lý lâm sàng BV Tâm thần Trung ương II vừa tiếp một thân chủ có tên: H.Q (16 tuổi, đang là HS lớp 11 tại Bình Dương). Cô nữ sinh được cha mẹ đích thân đưa đến tham vấn tâm lý do nhiều tuần qua rơi vào tình trạng trầm cảm lo âu quá mức tới mức bỏ học. Song gặng hỏi thế nào H.Q. cũng không nói.
Những hình ảnh bạo lực học trò nhức nhối được tung lên mạng xuất hiện ngày càng nhiều gần đây. |
Cách đây 1 tháng, em nhận được điện thoại của một bạn nữ đe dọa rằng, em đã cướp người yêu của cô ta và hẹn gặp để nói chuyện. Kết quả của cuộc nói chuyện này là em đã bị nhóm bạn của bạn gái Q.A. túm tóc đánh cho mấy bạt tai, đồng thời đe dọa nếu tiếp tục có ý định cướp bồ như vậy sẽ được nếm tiếp những bài học còn kinh khủng hơn. Quá lo lắng, hoảng sợ, H.Q. không dám đi học, và… phát bệnh.
Cũng trong tuần qua tại TP HCM, một vụ việc rình rang tương tự như ca tham vấn trên vừa xảy ra tại Trường THCS Nguyễn Hiền, quận 12, hiện ngành Giáo dục quận còn chưa thống nhất được biện pháp xử lý kỷ luật. Đó là trường hợp nữ HS tên H. (lớp 7, Trường THCS Nguyễn Hiền, quận 12) đã bị nhóm 4 bạn gái lớp 6,7 cùng trường hành hung dã man cũng vì cái tội giựt bồ của bạn.
Nghiêm trọng hơn là nạn nhân còn bị nhóm bạn vừa đánh, vừa quay video clip và tung lên mạng. Sau đó, đọan băng này được nhóm HS trên bắn cho nhiều HS khác trong trường bằng công nghệ Bluetooth qua điện thoại. Hành vi vô cảm của học trò khiến có cô giáo trong trường đã phải bật khóc vì quá sốc và vì không thể tưởng tượng có thể xuất hiện những hành vi không thể có ở lứa tuổi học trò thời nay. Để tìm cách trấn an tư tưởng HS cũng như phụ huynh trong trường, với sự hỗ trợ của Công an, em H. vẫn đang được hỗ trợ của Công an địa phương bảo vệ trong thời gian tới trường.
Những Games thủ tìm cách lấy lại sức ngay tại tiệm net. |
Còn do chưa có luật lệ nào để xử lý với những hành vi cá biệt trên, ngày 27/4 vừa qua, BGH nhà trường đành áp dụng hình thức kỷ luật với 4 HS đã đánh bạn trên là đình chỉ học tập 1 năm, sau khi có xác nhận của chính quyền địa phương và tổ dân phố về đạo đức tốt mới được tiếp nhận trở lại học tiếp. Tìm hiểu thêm được biết, trong 4 HS trên, 1 em có cha vừa đi tù về, có em cha thường xuyên uống rượu, gây lộn với cả nhà…
Mối liên quan giữa bạo lực học đường với Internet
Để lý giải cho vấn đề: Tại sao Internet lại tác động đến đời sống tâm lý của thanh thiếu niên, học sinh, nhất là các hành vi bạo lực, Phó trưởng Khoa Tâm lý lâm sàng Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 Lê Minh Công giải thích: thanh thiếu niên đang trong giai đoạn phát triển, sự biến động cả về tâm sinh lý làm các em luôn muốn thay đổi và mong muốn khẳng định bản thân. Tuy nhiên, đôi khi ở cuộc sống thực các em không thể bộc lộ điều đó được, chính vì thế các em… bộc lộ trong Internet.
Sự thường xuyên như vậy và việc ẩn danh giúp các em mạnh dạn hơn, dần dần các em thay đổi nhận thức về hành vi bạo lực. Sự tích lũy dần cảm giác mạnh mẽ và nhận thức làm các em thay đổi cá tính, làm các em trở thành người có tính khí bạo lực. Điều này là nguyên nhân dẫn tới hành vi bạo lực ở ngoài đời.
Ở lứa tuổi các em, luôn có sự tích lũy kinh nghiệm sống để hình thành một tính cách riêng cho bản thân. Internet lại là một kênh quan trọng để hình thành lên điều này. Và đôi khi các em sử dụng vào các kênh bạo lực thì sẽ hình thành trong các em tính cách bạo lực. Điều đó là hoàn toàn không tránh khỏi. Thứ nữa, đa phần các trường hợp ảnh hưởng bởi Internet đến hành vi bạo lực ở lứa tuổi này đều ít có sự quan tâm chăm sóc của gia đình. Nhiều em có một gia đình bạo lực.
Chính vì điều đó, các em tìm đến Internet như một cách để giải thoát những khó khăn ở đời sống thực của mình. Và như vậy, các em dễ tiêm nhiễm những thói xấu ở Internet mà không hề có sự chỉ bảo, chia sẻ từ phía người lớn. Trong khi hình ảnh bạo lực, trò chơi bạo lực trên Internet thì vô cùng nhiều và ngày càng ảnh hưởng trực tiếp đến các em.
Việc phòng ngừa và xây dựng một nhân cách lành mạnh cho thanh thiếu niên đầu tiên phải bắt nguồn từ gia đình. Một gia đình luôn có sự chia sẻ, yêu thương, quan tâm lẫn nhau và dân chủ, không có hành vi bạo lực sẽ là một gia đình lành mạnh. Việc xây dựng các sân chơi lành mạnh, các chương trình giáo dục kỹ năng sống, giá trị sống cho HS sẽ tránh quá nhiều áp lực học tập, trang bị cho các em những kỹ năng sống lành mạnh, những giá trị sống phù hợp là những liều vaccin hữu hiệu phòng ngừa cho căn bệnh bạo lực học đường đang ngày càng lây lan.
Việc cấm sử dụng Internet ở lứa tuổi học sinh là một điều không thể, do vậy, ngoài những điều ở trên thì cần trang bị cho các em kỹ năng sử dụng Internet hiệu quả. Cần xây dựng chương trình đào tạo về vấn đề này để các em có cơ hội tiếp xúc với những kỹ năng sử dụng Internet hiệu quả hơn cho cuộc sống và học tập. Việc ngăn chặn và kiểm duyệt các thông tin bạo lực trên mạng, nhất là các trò chơi bạo lực là việc quan trọng. Mà vấn đề này, cần phải có sự quan tâm của các nhà quản lý chính sách và những nhà sản xuất chương trình
Theo CAND
Theo đuôi :
ADVERTISEMENT