“Tôi nghĩ làm điều phúc cho mọi người thì không có gì sai cả, nên tôi không quan tâm tới những lời người ta nói. Người ta có thể cho rằng tôi hâm, tôi không bình thường nhưng liệu có ai dám “hâm” như tôi để giúp đỡ những nạn nhân xấu số kia không?”.

Đó là những lời tâm sự chân thành của người đàn ông hơn 30 năm lăn lộn với công việc nhặt xác người chết - một công việc mà nghĩ đến ai cũng thấy rợn tóc gáy.

“Ông nhặt xác” là cái tên mọi người quen gọi mỗi khi nói về ông bởi ở vùng Tam Điệp này, ngoài ông ra không ai dám làm công việc đó. Ông tên thật là Nhâm Bá Diễn (65 tuổi, phường Trung Sơn, thị xã Tam Điệp, Ninh Bình).

Ông Diễn đã hơn 30 năm “sống” cùng những xác chết

Người ta thường thấy ông cặm cụi ở ngã ba Quân Đoàn vì đây là khu vực hay xảy ra tai nạn giao thông. Những vụ tai nạn chết người tại chỗ đều do một tay ông “dọn xác tử thi”. Còn nhiều vụ ở trong núi hoặc ở sâu trong các thôn, các làng, chỉ cần gọi là ông có mặt.

Tôi gặp ông trong một buổi chiều hè gay gắt, khi ông vừa đạp xe hơn chục cây số để “nhặt xác” ở huyện Yên Mô. Khuôn mặt khắc khổ, sạm sụa của ông đỏ gay, dáng người nhỏ bé, xiêu vẹo đi vì nắng y như người say rượu. Ông vừa đưa tay quệt những giọt mồ hôi đầm đìa trên mặt, thấm đẫm cả bộ quần áo cũ kĩ lấm lem toàn bùn đất, vừa kể cho tôi nghe về chuyện ông từng... “sống cùng” những xác chết.


Từ thanh niên xung phong thành... "ông nhặt xác"


Nói về việc mình đang làm, ông cho rằng đó cũng là một cơ duyên. Bởi công việc này hầu như ai cũng sợ. Và ông cũng chưa bao giờ nghĩ mình sẽ “sống” với nó đến tận bây giờ. Ông đã quá quen với chuyện máu me be bét, những tử thi không còn nguyên vẹn khi mà người khác chỉ nhìn một lần cũng kinh hãi đến ngất đi.


Có thể vì thế mà người ta cho rằng ông không bình thường nên mới làm được như vậy. Nhưng mấy ai biết rằng, từ khi còn là thanh niên xung phong, xông pha ngoài mặt trận, ông đã phải chứng kiến và làm quen với công việc này khi những đồng đội của ông ngã xuống vì bom đạn của kẻ thù.


Ông kể lại: “Trong kháng chiến chống Mỹ, khi địch tăng cường bắn phá, có những trung đội hơn 100 người chỉ còn hai, ba người sống sót. Nhìn cảnh tượng đó tôi rất đau lòng, tôi cùng vài đồng chí nữa đành chôn cất, mai táng đồng đội ngay tại chỗ để chiến đấu tiếp”.


Khi xuất ngũ trở về, ông tham gia vào đội Cờ Đỏ tiên tiến (đội bảo vệ an ninh toàn phường) và bắt đầu với công việc bốc mộ cho các gia đình lân cận. Ông giúp đỡ mọi người rất nhiệt tình và không nhận một đồng tiền công nào. Ông chia sẻ :“Khi còn là bộ đội tôi đã quen với công việc này rồi nên ai nhờ thì tôi giúp. Con người sống với nhau phải có cái tâm, chia sẻ với nhau lúc khó khăn mới là đáng quý”.


Cũng kể từ đó, cứ có đám bốc mộ nào người ta cũng gọi ông, rồi dần dần ông chuyển sang nhặt xác cho các vụ tai nạn. Công việc đó gắn bó với ông hơn ba mươi năm nay nhưng chưa lúc nào ông nghĩ đến chuyện sẽ dừng lại để nghỉ ngơi.


Nhặt xác là công việc cần sự hi sinh...


“Ông nhặt xác” từ từ kéo chiếc túi vải sờn rách, ố vàng những vệt nắng mưa và lôi ra cho tôi xem “bộ đồ nghề” của mình. Bàn tay gân guốc, thô ráp của ông cẩn thận xếp từng thứ một bày ra bàn: một đôi găng tay cao su đã ngả sang màu đất, một chiếc khăn lau được gấp nếp vuông vắn, một gói chè khô và vài chiếc áo mưa mỏng. Đó là những vật dụng ông luôn mang theo để phục vụ cho công việc từ rửa hài cốt đến nhặt xác.


Ông giải thích: “Trước khi khâm liệm, tôi phải dùng khăn sạch để lau chùi quan tài, nếu tử thi chảy nhiều máu phải đổ chè khô hoặc gạo vào để thấm khô máu, sau đó ghép tất cả các bộ phận của cơ thể vào đúng vị trí. Việc này cần phải hết sức tỉ mỉ, kỹ càng trong từng chi tiết”.

Ngoài những lúc nhặt xác, ông Diễn bê hàng thuê cho quán nước

Còn với những vụ tai nạn tử vong tại chỗ gặp đúng hôm trời mưa thì ông phải chống ba cái cọc tre chéo nhau, buộc lại thành cái lều tạm để phủ áo mưa mỏng lên cho xác nạn nhân khỏi ướt rồi mới tiến hành “bốc xác”. Có những khi tử thi nằm ở chỗ đường thấp, nước mưa xối xuống khiến máu chảy lênh láng, loang cả một vũng to, ông lại phải ôm xác lên trên chỗ cao hơn để làm.

Nếu không thực sự tâm huyết sẽ không thể gắn bó lâu dài với công việc đầy khó khăn, vất vả này. Ông Diễn tâm sự: “Với tôi, nhặt xác không phải một nghề mà là một công việc cần sự hi sinh. Bởi vì “nghề” là việc làm để kiếm sống, còn tôi nhặt xác chỉ để giúp đỡ mọi người, và nếu đã giúp đỡ phải đến nơi đến chốn nên tôi luôn cố gắng hết sức mình”.


Thật vậy, công việc “nhặt xác” của ông không cố định thời gian, địa điểm, không kể ngày hay đêm, lúc bận rộn hay rảnh rỗi, hễ có ai gọi là đi, xảy ra tai nạn ở đâu là ông có mặt. “Có những hôm tôi đi làm cả ngày, vừa về tới nhà bưng bát cơm lên lại có người gọi, tôi lại phải bỏ mâm để tới cho kịp giờ. Hoặc lúc gia đình có việc nhưng người ta cần, tôi cũng phải gác lại để đến. Tôi không ngại đêm hôm, mưa gió, vì tôi nghĩ đó là trách nhiệm mình cần làm” – Ông kể lại.


Để làm được công việc này, ngoài lòng can đảm, người nhặt xác phải tận tụy, hết mình, hay nói cách khác là phải chấp nhận “sống” cùng người chết. Ông Diễn nhớ lại: “Cách đây 17 năm, vào nửa đêm, một chiếc ô tô chạy từ trong Nam ra đã đâm chết một người ở khu Ao Cá (Tam Điệp, Ninh Bình) rồi có ý định giấu tang chứng bằng cách lấy xác người đó mang đi. Lúc đó, tôi đã có mặt ở đấy, lấy xác người đó đắp chiếu rồi cho vào quan tài. Tôi phải nằm cả đêm để canh gác không cho họ lấy xác đi, thậm chí lái xe còn “dúi” tiền cho tôi nhưng nhất quyết tôi không nhận. Chỉ khi người nhà nạn nhân tới nhận xác tôi mới yên tâm”.


Còn những vụ tai nạn không có người nhà tới nhận xác, một tay ông phải tiến hành bốc xác rồi tự mua đồ về cúng bái, chôn cất người ta như người thân của mình. Không chỉ làm những công đoạn khiến người chứng kiến phải ớn lạnh, sợ hãi, người nhặt xác còn phải biết chịu “bẩn” thì mới làm được.


Như vụ án mạng từ năm 2003, khi người dân trong vùng phát hiện một xác chết trên núi đã thối rữa không nhìn rõ mặt, ròi bọ lúc nhúc bâu trắng khắp cơ thể, ông đã phải lên tận nơi bê cái xác đó xuống, mặc dù bị ròi bò vào rồi bu đầy người nhưng ông không thể bỏ xác xuống vì nó đã rữa hết ra, khi về nhà rũ quần áo ông thấy rùng mình: “Phải rũ ra được vài cân ròi cô ạ, quần áo cũng phải bỏ đi. Biết là bẩn nhưng mình vẫn phải làm!”.


Có lần ông phải bơi xuống ao vớt một xác chết đã rụng hết chân tay, ông phải cởi áo quấn lấy cái xác đó rồi một tay giữ, một tay bơi vào bờ và ghép các bộ phận lại với nhau sau đó mới tiến hành khâm liệm.


Gần đây nhất là vụ một người treo cổ tự tử trên cây cao su ở phường Nam Sơn, Tam Điệp, Ninh Bình. Khi người ta phát hiện thì xác chết đó chỉ còn mỗi cái đầu và những sợi gân thòng lõng buông xuống dưới. Ông phải mua một chiếc rọ rồi trèo lên cây cao su, cắt dây thừng để đầu rơi vào rọ đó và bê xuống. Những người xung quanh không dám xem vì kinh sợ, có người nghe kể đã thấy sởn da gà nhưng ông vẫn bình tĩnh làm từng bước một.


Đây chỉ là một vài trong vô số những lần ông “bốc xác” trong suốt hơn 30 năm qua. Số người mà ông đã giúp đỡ tới bây giờ thì không thể đếm nổi. Với ông, “nghĩa tử là nghĩa tận”, nên ông đã tận tụy, hết mình trong công việc để làm tròn “nghĩa tử” cho những nạn nhân xấu số.


... và cần nhiều hơn là sự cảm thông, thấu hiểu


Công việc mà “ông nhặt xác” đang làm là công việc mà chỉ nghĩ đến ai cũng thấy ớn lạnh. Nhưng không phải ai cũng cảm thông và thấu hiểu cho ông. Ông luôn tâm niệm “làm điều phúc thì mình sẽ gặp phúc”, và đó cũng là động lực giúp ông vượt qua những trở ngại trong suốt những năm tháng “sống cùng người chết”. Những ai đã từng tiếp xúc, trò chuyện với ông mới thấy trân trọng, ngưỡng mộ sự hi sinh lớn lao của ông. Ông làm công việc đó mà không màng tới lợi ích của bản thân, không so tính thiệt hơn cho mình.


“Ở chỗ tôi không ai là không biết tới ông Diễn vì chỉ có ông ấy mới dám đi nhặt xác người chết. Ban đầu tôi cũng sợ không dám đến gần ông ấy, nhưng khi tiếp xúc thì thấy ông ấy rất tốt, giúp đỡ mọi người tận tình” – Bà Nguyễn Thị Sáng (Tam Điệp, Ninh Bình) chia sẻ.


“Lòng tốt phải xuất phát từ tâm” là điều ông luôn nhắc nhở bản thân, vì vậy ông mang chữ “tâm” của mình giúp mọi người để đổi lấy niềm vui sống.


Nhưng có nhiều người vì thấy ông quá xông xáo, quá nhiệt tình, làm công việc không một chút rụt rè, sợ hãi hay ghê sợ lại nghĩ rằng ông có vấn đề về thần kinh, có người ác ý còn bảo ông bị hâm. Ông tâm sự: “Tôi không bao giờ nghĩ vậy, mình làm phúc cho người ta sao có thể gọi là bị hâm? Tôi không quan tâm người ta nói gì, việc mình thì mình làm thôi, miễn sao mình cảm thấy thanh thản là được”. Ánh mắt ông nhìn xa xăm trong cái nắng chiều mỗi lúc một nhạt dần, và héo hắt như đang cố giấu kín một nỗi buồn tận sâu thẳm trong tâm hồn.


Có lẽ, điều ông mong mỏi hơn ai hết chính là sự cảm thông, thấu hiểu của mọi người với công việc mà ông đã từng gắn bó suốt nửa đời người. Bởi có mấy ai dám “hâm” như ông để “sống” cùng những xác chết hơn 30 năm, có mấy ai dám đi bốc xác để đổi lấy những nhọc nhằn, gian lao và vất vả?


Ở đời này, nếu ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết giành phần ai?

(Theo Pháp luật xã hội)

Theo đuôi :

ADVERTISEMENT