Đỗ Anh Vũ, vị quan phụ chính dưới triều Lý Anh Tông, bị chỉ trích là kẻ đại ác, tư thông với thái hậu, không tội gì to bằng. Tuy nhiên, các phát hiện mới đây cho thấy, ông không hẳn chỉ có tội mà còn có nhiều cống hiến đối với sự ổn định của nhà Lý.

Đỗ Anh Vũ làm phụ chính triều Lý trong 20 năm. Trong suốt thời gian này, chính sự trong nước gần như đều do Đỗ Anh Vũ quyết đoán. Nguyên nhân là một phần nhờ vào tài năng và phần khác dựa vào sự ưu ái của Lê thái hậu.
Vụ án năm 1150
Đỗ Anh Vũ sinh năm 1113 ở Hồng Châu (nay thuộc Hải Dương). Ông có chị gái Đỗ thị, là mẹ của hoàng đế Lý Thần Tông và một cháu gái kết hôn với hoàng đế Lý Anh Tông.
Sử viết lại rằng, Anh Vũ vốn có ngoại hình đẹp đẽ, múa khéo, hát hay. Năm lên 8 tuổi, ông được tuyển làm thượng lâm tử đệ trong cung. Năm 15 tuổi, ông được Thái sư Trương Bá Ngọc nhận làm con nuôi. Năm 16 tuổi, Lý Thần Tông cho ông vào nội cung, hầu trong màn trướng. Khi gặp Anh Vũ, Cảm Thánh phu nhân Lê thị, vợ vua Thần Tông, đã phải lòng.

Đền Đô thờ 8 vị vua nhà Lý. (Ảnh minh họa: VOV)
Theo Việt sử giai thoại, Phụ hoàng của Lý Anh Tông là Lý Thần Tông mất lúc mới 22 tuổi, khiến các hoàng hậu và phi tần phải chịu cảnh góa bụa. Đỗ Anh Vũ muốn nhân cơ hội đó tư thông với các bà hoàng, gây chuyện dâm loạn trong cung đình, dẫn đến một vụ án lớn năm Canh Ngọ (1150). Lúc đó, vua Lý Anh Tông 14 tuổi.

Nhiều quan đã rất bất bình. Trí Minh vương cùng Phò mã Dương Tự Minh, Điện tiền chỉ huy sứ Vũ Đái đốc xuất quân sĩ kéo đến ngoài cửa Việt Thành kể tội Đỗ Anh Vũ chuyên quyền và tư thông với Thái hậu, rồi xông vào bắt ông giam ở hiên Cụ Thánh. Lê Thái hậu đã sai người đưa cơm rượu vào cho Đỗ Anh Vũ và ngầm để vàng trong cơm để ông hối lộ Vũ Đái.
Viên Hỏa đầu ở đô Cụ Thánh là Nguyễn Dương khuyên phe Vũ Đái không nên nhận vàng mà giết luôn Đỗ Anh Vũ trừ hậu họa nhưng vị quan này không nghe. Dương bèn đi tự vẫn. Vua Anh Tông không giết Đỗ Anh Vũ nhưng xử tội, truất làm tá điền.
Lê Thái hậu nghĩ cách giúp Anh Vũ được trở lại như cũ, nên thường mở hội to, tha tội nhân, mong Anh Vũ cũng được dự ân xá. Anh Vũ, nhiều lần được ân xá, được khỏi tội. Lê Thái hậu khuyên vua Anh Tông phục chức cho ông. Anh Tông bằng lòng phục chức phụ chính cho Đỗ Anh Vũ và ông được trọng dụng trở lại.
Để báo thù, ông tự lập ra đội quân hơn 100 người gọi là Phụng vệ đô, nếu có người phạm tội nào thì giao hết cho Phụng vệ đô bắt giữ. Sau đó, ông bí mật tâu với vua Anh Tông ra lệnh cho Phụng Vệ đô bắt những người cùng phe Vũ Đái giao xuống hàng quan lại ở dưới làm án trừng trị.
Anh Tông nghe theo, hạ chiếu giáng Trí Minh Vương làm tước hầu, các Hỏa đầu gồm 8 người bị đem chém ở chợ Tây, Điện tiền chỉ huy sứ Vũ Đái 20 người thì đem chém ở Giang Đầu, Phò mã Dương Tự Minh 30 người bị đày lên vùng nước độc. Số còn lại đều bị giáng chức làm khao giáp và điền hoành.
Được truy phong thành hoàng làng
Năm 1135, Đỗ Anh Vũ được vua Thần Tông cử theo Thái phó Lý Công Bình đi đánh dẹp quân Chân Lạp ở phía Nam châu Nghệ An. Năm 1136, ông đi dẹp quân "Sơn Liêu". Tiếp đó, năm 1137, vua Thần Tông qua đời, ông được thăng Kiểm hiệu Thái phó, phò tá Lý Anh Tông lên ngôi.
Năm 1138, Đỗ Anh Vũ được phong làm Phụ quốc Thái úy và được ban quốc tính (vì vậy, có tài liệu chép tên ông là Lý Anh Vũ). Cùng trong năm đó Thân Lợi, tự xưng là con của Lý Nhân Tông, chiếm cứ châu Thượng Nguyên để làm phản, thủ hạ đông hơn 1.000 người. Thái úy Đỗ Anh Vũ được lệnh đi chinh phạt.
Mặc dù trong nhiều tư liệu lịch sử không nhắc nhiều đến những cống hiến của Đỗ Anh Vũ song những gì mà triều Lý dành cho ông cũng giúp cho hậu thế có thể hình dung được những đóng góp của vị quan đại thần này đối với vương triều nhà Lý.
Sau khi qua đời, Đỗ Anh Vũ được triều đình truy phong: "Suy trung, Hiệp mưu, Bảo tiết, Thủ chính, Tả Lý Dực đái công thần; Thủ thượng thư lệnh, Khai phủ nghị đồng tam ti; Nhập nội Nội thị tỉnh đô đô trị, Kiểm hiệu Thái úy, Kiêm ngự sử đại phu, Dao thụ chư trấn Tiết độ sứ, Đồng trung thư, Minh chính Bình chương sự, Thượng trụ quốc, Thiên tứ tính. Đặc tiến phụ quốc Thượng tướng quân Nguyên soái Đại Đô thống". Đám tang do đích thân Tô Hiến Thành làm chủ lễ. Thậm chí, tại quê hương, ông được tôn là thành hoàng và thường được gọi là Đức Thánh Lác. 



Theo Đất Mẹ

Theo đuôi :

ADVERTISEMENT