“Trận Điện Biên Phủ, thực hiện quyết định đổi sang cách đánh chậm tiến chắc, trong điều kiện đó rất khó khăn vì đã chuẩn bị phương án đánh nhanh rồi, đảo lại khó lắm. Nó thế hiện bản lĩnh và tài ba của một vị tướng đã được rèn luyện, thử thách”…
GS sử học – NGND Lê Mậu Hãn, người có nhiều công trình nghiên cứu về đại tướng Võ Nguyên Giáp bình luận về vai trò của người cầm quân làm nên trận Điện Biên Phủ chấn động địa cầu.
Đại tướng trở lại thăm chiến trường xưa (ảnh: Trần Tuấn)
 “Đánh ngay sẽ là quyết định… nướng quân”
Chiến dịch Điện Biên Phủ in “dấu ấn” đại tướng Võ Nguyên Giáp với quyết định chuyển từ cách “đánh nhanh thắng nhanh” sang “đánh chắc tiến chắc” của đại tướng. Giả sử quân ta vẫn giữ chiến thuật ban đầu thì điều gì có thể xảy ra, thưa GS?
Khi Pháp nhảy dù xuống Điện Biên Phủ, trong chiến lược 1953-1954, Tổng quân Ủy đã đệ trình Bộ Chính trị phương châm đánh chắc thắng chắc, không chắc thắng không đánh. Dự kiến của Tổng Quân ủy được Bộ Chính trị nhất trí trước khi tướng Giáp lên đường. Dự kiến đánh khoảng 45 ngày.
Trong khi đó, đội quân đi trước đã kéo pháo vào trận địa để chuẩn bị phương án đánh nhanh thắng nhanh. Sau khi lên đến chiến trường, theo dõi mấy ngày, tướng Giáp băn khoăn đánh như vậy không thắng được nên quyết định thay đổi phương án. Đại tướng đã triệu tập hội nghị quân Ủy tại mặt trận.
Khi Hội nghị quyết định chuyển phương án đánh là phát huy dân chủ trong Đảng ủy mặt trận thì mọi người cuối cùng nhất trí với quyết định của đại tướng. Như vậy đánh giặc phải căn cứ phương án tác chiến đánh thế nào cho thắng chứ không thể liều. Nếu không chuyển thì chúng ta đánh nhất quyết là không thắng mà có thể gặp tổn thất lớn.
Đánh chắc là tinh thần chung của chiến dịch Đông Xuân 1953 - 1954 được quán triệt và thực hiện trước đó. Cái mới là việc ra chiến trường, đại tướng đã thay đổi phương châm sang đánh chắc thắng , thưa GS?
GS.Lê Mậu Hãn: "Nếu chọn cách ngược lại có thể sẽ tổn thất lớn"
6/12/1953, Bộ Chính trị đã thông qua chủ trương đánh chắc thắng chắc. Mấu chốt trận Điện Biên Phủ là phương châm chiến lược trên cơ sở nhìn nhận tương quan lực lượng và ý kiến của tập thể Bộ Chính trị mà trực tiếp là tướng Giáp, người chỉ huy mặt trận.
Nếu chọn cách ngược lại thì thất bại mà thất bại này sẽ tổn thất lớn. Không chắc thắng, đánh sẽ là quyết định “nướng quân”. Trận quyết chiến này mà nướng quân thì không còn gì cả vì các quân bài đã đưa ra hết rồi.
Nhiều năm sau, nhìn lại trận Điện Biên Phủ, nhiều tướng lĩnh nói: “Nghĩ lại lúc ấy mở cờ trong bụng”. Nếu đánh ngay, tổn thất có thể phải 10 năm sau mới khôi phục lại được. Giữ cách đánh ban đầu, nhiều người cũng sẽ không còn mà tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Bản lĩnh đã được thử thách
Trước khi tướng Giáp đưa ra quyết định cuối cùng về đánh chắc tiến chắc, có vị sỹ quan nào của ta đề xuất với đại tướng phương án này?
Làm sử thì phải dựa trên tài liệu, ngay cả hồi ký cũng phải xem xét, kiểm chứng. Hiện nay không biết còn tài liệu nước ngoài, tài liệu lưu trữ trong kho không nhưng không có tài liệu mà tôi tiếp thu được phản ánh việc này.
Khi tướng Giáp triệu tập hội nghị Quân ủy bàn việc thay đổi cách đánh, nhiều tướng lĩnh mới đầu rất băn khoăn vì đánh chắc nghĩa là kéo dài thời gian mà phương tiện, hậu cần, xe pháo đều rất khó khăn… Nhưng khi đại tướng hỏi lại đánh nhanh có chắc thắng 100% không, ai cũng lắc đầu kêu hỏi khó.
Chính vì thế, đại tướng mới quyết định đổi cách đánh, lệnh kéo pháo ra, chuẩn bị lại trận địa. Mọi người khi đó đều chấp hành, đồng ý, không ai đưa ý kiến khác. Không có vị tướng nào sáng kiến hơn quyết định của Bộ Chính trị. Không có đề xuất nào sáng kiến hơn Võ Nguyên Giáp.
Tôi chắc là không có. Còn có tài liệu nào khác hơn thì tôi không biết.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ năm 2004 (ảnh: Trần Tuấn)
Trong hồi ký sau này, đại tướng Võ Nguyên Giáp nói quyết định chuyển sang đánh chắc tiến chắc là quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời ông. Nhưng qua quyết định này cũng đã cho thấy bản lĩnh của người chỉ huy cao nhất ở chiến trường?
Một vị tướng, một người cầm quân, người đứng đầu nhà nước trước hết phải có tài năng và phải chịu trách nhiệm trước vận mệnh lịch sử mà Đảng và nhà nước giao cho. Cho nên quyết định này thế hiện bản lĩnh và tài ba của một người tướng đã được rèn luyện qua một quá trình cách mạng, là vị Tổng tư lệnh quân đội nhân dân VN.
Cùng với trí thông minh, vị tướng ấy còn có bản lĩnh rõ ràng. Thực hiện quyết định đó trong điều kiện rất khó khăn vì đã chuẩn bị phương án đánh nhanh rồi, đảo lại khó lắm chứ. Ông Giáp đã suy nghĩ ngày đêm, khi bản thân còn đang ốm, cuối cùng dứt khoát không có cách nào khác.
Bản lĩnh ấy đã được rèn luyện lâu dài từ ngày được Bác Hồ giao nhiệm vụ thành lập Đội VN tuyên truyền giải phóng quân, qua CMT8 dần dần tiến lên thành Tổng chỉ huy quân đội. Một bản lĩnh kiên cường, một tài năng đã được rèn luyện.
Cách nói tế nhị của vị tướng tài ba
Được biết, trước khi đại tướng lên đường chỉ huy chiến dịch, Bác Hồ có căn dặn “Tướng quân tại ngoại”. GS có bình luận gì về tinh thần chỉ đạo này và quyết định thay đổi chiến thuật của đại tướng?
Trước khi lên đường, tướng Giáp có đến gặp cụ Hồ chào. Cụ Hồ hỏi có băn khoăn gì không, ông Giáp mới nói băn khoăn vì ở xa chiến trường quá, làm sao được chỉ đạo trực tiếp của TƯ, Bộ Chính trị và đặc biệt của Bác. Cụ Hồ khi đó nói “giao cho trách nhiệm tướng quân tại ngoại, căn cứ tình hình chiến trường mà thực hiện”.
Điều đó chứng tỏ cụ Hồ đánh giá cao vị tướng này, có bản lĩnh, có kinh nghiệm. Đứng ở vị trí người chỉ huy, ra biên cương tùy tình hình phải quyết định ngay. Nếu chờ chỉ thị của hậu phương thì cơ hội hết rồi.
Quyết định chiến thuật thể hiện giá trị lớn của một vị tướng tài, bản lĩnh, có nhiều kinh nghiệm, mạnh dạn về tinh thần, có kinh nghiệm, có lý luận sắc sảo.
GS Hãn: "Võ Nguyên Giáp là vị đại tướng của toàn dân"
Khi được hỏi “vị đại tướng nào giỏi nhất Việt Nam”, tướng Giáp đã trả lời rằng “vị đại tướng giỏi nhất là đại tướng nhân dân”. Một câu trả lời bao hàm rất nhiều ý nghĩa, thưa GS?
Võ Nguyên Giáp là vị đại tướng được phong hàm năm 1948, cùng một số thiếu tướng khác, là những người cốt cán đầu tiên chỉ huy trong quân đội các cấp và đã thắng lợi trên chiến trường từng bước trong điều kiện nước nhỏ đánh nước lớn, vũ khí thô sơ đánh hiện đại. Cuộc kháng chiến chống Pháp và sau này là kháng chiến chống Mỹ là cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, chiến tranh nhân dân, toàn dân đánh giặc.
Võ Nguyên Giáp là vị tướng của toàn dân, của quân đội nhân dân VN mà quân đội đó trưởng thành từ nhân dân, sống với nhân dân cho nên ông tướng đó chính là đại tướng giỏi nhất. Giỏi nhất đó là vì người con của nhân dân, thực hiện nhiệm vụ nhân dân giao phó bằng tài ba của mình. Không có dân thì không thể có vị đại tướng làm nên lịch sử được.
Cách nói đó rất tế nhị, cũng phản ảnh bản chất, quan điểm của vị tướng tài ba và có bản lĩnh cách mạng, bản lĩnh chính trị. 

Theo Dân Việt

Theo đuôi :

ADVERTISEMENT