Ở một số xã thuộc huyện Lục Yên (Yên Bái) tình trạng tảo hôn, ép hôn diễn ra khá phổ biến. Điều đáng nói là số học sinh bỏ học lấy vợ, lấy chồng “lan dần” từ khối THPT xuống khối THCS với nhiều học sinh lớp 8 đã lập gia đình.
Nạn tảo hôn lan rộng
Hết học kỳ I năm học 2010 – 2011, Trường THPT Hồng Quang có 12 học sinh chuyển trường và bỏ học lập gia đình, trong đó có 6 em khối 10.
Với thầy Trần Quang Thuỷ, con số đó còn là “tín hiệu mừng” vì số bỏ học thấp hơn năm ngoái: “Tình trạng học sinh bỏ học lập gia đình ở trường đã diễn ra từ cách đây nhiều năm và năm nào cũng có. Đỉnh điểm năm học 2009 – 2010, nhà trường có tới 68 học sinh bỏ học. Trong đó có hơn 40 học sinh bỏ học với mục đích lấy vợ, lấy chồng”- thầy Thuỷ nói.
Nếu những năm trước, tình trạng học sinh bỏ học để lập gia đình chỉ tập trung ở khối THPT thì trong những năm trở lại đây, tình trạng này đang có dấu hiệu “trẻ hóa” xuống các trường THCS. Thầy Lâm Bảo Tuyến - Hiệu trưởng Trường THCS xã Trung Tâm (Lục Yên, Yên Bái) chia sẻ: “Là trường cấp 2 nhưng mỗi năm trường có 6 - 7 học sinh bỏ học về nhà lấy chồng. Chỉ tính riêng học kỳ I năm học 2010 – 2011, Trường THCS xã Trung Tâm đã có 7 học sinh nghỉ học và 3 trong số đó chuẩn bị lập gia đình”.
Cũng theo thầy Tuyến, tình trạng “trẻ hóa” độ tuổi học sinh bỏ học lập gia đình không chỉ diễn ra từng cấp học mà còn diễn ra ở từng khối trong một cấp học.
“Trước chỉ có học sinh khối 9 bỏ học lấy chồng thì giờ học sinh khối 8 chiếm nhiều nhất”. Khi các em học sinh bắt đầu có hiện tượng “muốn” nghỉ học là nhà trường đã chỉ đạo các thầy cô đến tận nhà để vận động. Tuy nhiên, kết quả của những cuộc vận động này hầu như chỉ là con số không.
Lấy chồng theo lời thầy mo
Giáo viên ở Lục Yên (Yên Bái), thay vì phấn đấu đạt chỉ tiêu tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp năm sau cao hơn năm trước thì phấn đấu tỷ lệ học sinh bỏ học năm sau thấp hơn năm trước.
Lý giải nguyên nhân “trẻ hoá” học sinh bỏ học lập gia đình, các giáo viên cho biết, theo phong tục của người Dao thì con gái từ 15 - 17 tuổi có khả năng sinh con là có thể lấy chồng bất cứ lúc nào.
Đặc biệt, nếu thầy mo, thầy bói xem chân gà thấy năm nào hợp tuổi lấy chồng là bắt buộc phải tuân theo, nếu không sẽ bị “ế”. Chính điều này đã khiến nhiều phụ huynh không ngần ngại buộc con mình lấy chồng theo lời thầy mo, thầy bói.
Em Hồng Mơ, học sinh lớp 11A6, Trường THPT Hồng Quang là một trong những nạn nhân của tục xem chân gà. Được các giáo viên trong trường đánh giá là một trong những học sinh có khả năng học các môn xã hội, tuy nhiên, tất cả những ước mơ, hoài bão của Mơ nhanh chóng bị tan biến. “Chiều hôm đó, vừa thấy em đi học về bố đã nói: Tao vừa xem chân gà đôi cho mày rồi, lấy chồng được rồi. Mai mày không phải đi học nữa, mấy hôm nữa người ta mang gà đôi sang rồi”- Hồng Mơ kể lại.
Sau Mơ, Triệu Thị Cói, Nguyễn Thị Điệp (lớp 12A3), Lê Thị Nguyệt (lớp 12A4)… cũng trở thành nạn nhân của tục xem chân gà đôi. Ngoài tập tục này, việc cưới xin sớm còn có lý do “cần người làm”. Thầy Lâm Bảo Tuyến - Hiệu trưởng Trường THCS xã Trung Tâm (Lục Yên, Yên Bái) ngán ngẩm: “Thiếu người làm nương, làm rẫy, các bậc phụ huynh ở đây buộc con trai lấy vợ, con gái lấy chồng dù các em không hề mong muốn”.
Ông Bàn Văn Lương - phụ huynh em Bàn Thị Vân (15 tuổi) học sinh Trường THCS xã Trung Tâm chia sẻ: “Con gái tôi đã đến tuổi lấy chồng rồi. Thầy mo cũng đã xem chân gà rồi. Cho nó lấy chồng sớm ngày nào, gia đình tôi có thêm người làm ngày đó”.
Theo Dân Việt
Theo đuôi :
ADVERTISEMENT