Bà Nguyễn Thị Mai Phương - Hiệu trưởng Trường Mầm non Ánh Dương - cho biết: “Điểm trường mầm non thôn 3 xây dựng từ nguồn vốn 135 của Chính phủ. Trước đây, khu nghĩa địa của thôn 3, xã Diên Bình nằm cách xa điểm trường, qua năm tháng, người dân chôn cất người chết ngày càng sát trường học, ảnh hưởng không tốt đến môi trường sư phạm. Cứ có đám tang là học trò và cô giáo đều “nghỉ giải lao” để nghe... tiếng chiêng, tiếng mõ, tiếng cầu siêu”.
Nghĩa địa sát nách điểm Trường mầm non Ánh Dương
Phản cảm hơn, khoảng cuối năm 2010, người dân địa phương xây dựng cổng “Nghĩa trang nhân dân thôn 3” gần cổng “Trường Mầm non Ánh Dương - điểm trường thôn 3” và trông bề thế hơn. Thêm nữa, đối diện với điểm trường là nơi buôn bán quan tài của gia đình ông Trần Đình Thả. Có lẽ, các cháu học lớp mầm non học tại điểm trường này hằng ngày phải đối diện với hình ảnh, sự việc liên quan đến cái chết nhiều hơn là sự sống. Dù nhà của các cô giáo cách xa điểm trường nhiều cây số, nhưng không dám nghỉ lại qua đêm tại trường.Một cô giáo đề nghị giấu tên cho biết: “Cứ có đám tang, tụi em đóng kín tất cả các cửa của phòng học nhưng vẫn nghe tiếng trống, tiếng chiêng... Người dân đốt vàng mã, đốt vật dụng hằng ngày của người chết, khói bay vào lớp học khét lẹt. Trong buổi học, nghe âm thanh đám tang có cháu phải bịt cả hai tai...”. Mồ mả của người chết “tấn công”, “bao vây” điểm trường, nên giếng nước tại điểm trường không ai dám sử dụng vì sợ ô nhiễm xác chết. Để có được nguồn nước phục vụ sinh hoạt cho các cháu và giáo viên, các cô giáo phải chạy ra cụm dân cư xin nước.
Ông Nguyễn Kim Hùng - thôn trưởng thôn 3, xã Diên Bình - giải thích: “Trước đây, diện tích đất xây dựng điểm trường mầm non thôn 3 là sân vận động của thôn. Người ta thấy bằng phẳng, vị trí đẹp, nằm ngay trên tuyến quốc lộ 14 nên đã tiến hành xây dựng điểm trường. Điểm trường đã tạo điều kiện thuận lợi cho các cháu đến lớp, đến trường, không phải đi bộ cách xa gần 10km để đến học trường trung tâm.
Còn khu nghĩa địa đã tồn tại từ năm 1958, hằng năm, người dân chôn cất người chết của thôn 1, nhưng cũng có lúc chôn cất người chết của các thôn 2, 3, 6, thậm chí kể cả người chết ở khối 10, thị trấn huyện Đăk Tô. Việc bố trí trường mầm non gần khu nghĩa địa là phản giáo dục, tôi đã có ý kiến về việc này rồi, nhưng các ngành chức năng chưa xử lý”.
Ông Hồ Văn Châu - Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Đăk Tô - cũng thẳng thắn thừa nhận việc bố trí điểm trường ở gần khu nghĩa địa là chưa phù hợp. Ông Châu cho biết: “Sắp tới Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Đăk Tô sẽ làm việc với UBND xã Diên Bình, huyện Đăk Tô để có hướng xử lý phù hợp”.
Theo 24h
Theo đuôi :
ADVERTISEMENT