Mới đây, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đưa ra dự báo đà giảm của nền kinh tế Mỹ sẽ chạm đà tăng của Trung Quốc vào năm 2016, khiến dư luận đang dấy lên những cuộc tranh luận sôi nổi. Trong đó, không ít ý kiến cho rằng, Mỹ nên mừng vì điều này.
Theo tính toán của IMF, kinh tế Trung Quốc sẽ tăng từ 11,2 nghìn tỷ USD trong năm 2011 đến 19 nghìn tỷ USD trong năm 2016, còn kinh tế Mỹ sẽ tăng từ 15,2 nghìn tỷ lên 18,8 nghìn tỷ. Như vậy, tốc độ tăng trưởng của Mỹ chậm lại và chỉ đạt 17,7% giá trị kinh tế toàn cầu - thấp nhất trong thời hiện đại, trong khi Trung Quốc đạt 18% và vẫn tiếp đà tăng.

Kinh tế Mỹ luôn chiếm vị trí hàng đầu kể từ sau Thế chiến thứ hai. Ngay khi IMF công bố dự báo này, nhiều người bày tỏ quan điểm phản đối. Tuy nhiên, chuyên gia phân tích tài chính Brett thuộc Công ty tư vấn tài chính Mỹ lại cho rằng, Washington nên lạc quan và sẵn sàng đón nhận kết thúc “có hậu” này.

Có ý kiến cho rằng Mỹ nên vui mừng vì bị kinh tế Trung Quốc vượt qua.

Chuyên gia Brett đưa ra bốn lý do giải thích vì sao Mỹ nên vui mừng khi bị Trung Quốc “vượt mặt” vào năm 2016:

Người Mỹ cần trải nghiệm cảm giác của một “kẻ yếu”: Mỹ luôn tỏ rõ bản lĩnh và quyết tâm để hoàn thành mục tiêu đề ra. Kinh tế Mỹ mất vị trí hàng đầu sẽ là cơ hội ngàn vàng để Chính phủ và người dân có những khoảng lặng cần thiết, chiêm nghiệm cảm giác của “kẻ yếu thế”, để cùng chung tay thúc đẩy tiến trình phục hồi tăng trưởng kinh tế vào những năm tiếp theo.

Mỹ chưa mạnh toàn diện: Trên thực tế, Mỹ chưa phải là siêu cường chiếm thế độc tôn trên mọi lĩnh vực. Tỷ lệ người nghèo của Mỹ cao nhất trong số các nước phát triển. Thành tựu giáo dục của Mỹ cũng chỉ xếp hạng trung bình trong những năm gần đây. Theo báo cáo của Viện nghiên cứu Dayton nước Anh, Mỹ chỉ xếp vị trí thứ 10 trong số những quốc gia có nền giáo dục hoàn mỹ nhất thế giới. Tuy Mỹ “rót vốn” khổng lồ đầu tư cho y tế, nhưng tuổi thọ trung bình của người dân lại thấp hơn những quốc gia phát triển khác. Căn bệnh béo phì luôn trở thành nỗi ám ảnh với người Mỹ.

Quan điểm “Chúng ta là số một” chỉ mang tính chủ quan, phiến diện. Vì vậy, người Mỹ nên đón nhận kết cục này với tâm lý: nếu Mỹ không còn là nền kinh tế hàng đầu, thì cũng là nền kinh tế phát triển vững mạnh.

Mất thế độc tôn sẽ thôi thúc Chính phủ đưa ra những sách lược sáng suốt: Hiện Washignton đang chật vật đối phó với vấn đề thâm hụt ngân sách và số nợ quốc gia khổng lồ sắp chạm trần 14,3 nghìn tỷ USD. Những khó khăn chồng chất này khiến Chính quyền Obama nhiều phen khốn đốn, nhiều người tỏ ra bi quan và mất niềm tin về năng lực lãnh đạo, khắc phục sự cố của vị Tổng thống đương nhiệm này.

Nhiều ý kiến cho rằng, khi phải đối mặt với nguy cơ bị “soán ngôi”, bản lĩnh “hiếu chiến” của Mỹ sẽ trỗi dậy mạnh mẽ và các gói cứu trợ tài chính sẽ được tung ra triệt để, nhằm giành lại vị thế hàng đầu.

Tăng trưởng bền vững là chìa khóa dung hòa mọi nền kinh tế: Người Mỹ thường lầm tưởng nền kinh tế phát triển phải là nền kinh tế lớn mạnh với tốc độ tăng trưởng chóng mặt. Tuy nhiên, trên thực tế, rất nhiều những quốc gia có nền kinh tế đang phát triển với quy mô tăng trưởng “nhỏ bé” hơn so với Mỹ như: Nauy, Phần Lan, Đan Mạch lại trở thành những quốc gia sở hữu nền kinh tế rất ổn định và phồn thịnh. Trong đó, rất nhiều nước không quá đầu tư cho Quốc phòng, ngược lại, chú trọng quan tâm cải thiện mức sống của người dân. Trong khi Mỹ vẫn mải mê theo đuổi mục tiêu tăng cường quy mô và tốc độ phát triển kinh tế. Chuyên gia Brett cho rằng, muốn duy trì phong độ và vị trí hàng đầu của mình, Mỹ nên từng bước chú trọng xây dựng một nền kinh tế với tốc độ tăng trưởng bền vững, hài hòa. 
Theo Đất Việt

Theo đuôi :

ADVERTISEMENT