Không kịp nghỉ ngơi, tên đội trưởng thúc cả đám quay sang bên kia biên giới chờ hàng “độc” về. Trên đường đi, tên này phân việc cho từng người; chỉ những tay thân tín, nhanh nhẹn mới được giao vác ngà voi.

Thời gian gần đây cơ quan chức năng liên tục phát hiện hàng loạt phi vụ mua bán, vận chuyển trái phép ngà voi vào Việt Nam. Theo điều tra riêng của NTNN, ngà voi được mua bán, vận chuyển bí mật, các đối tượng buôn lậu sẽ có siêu lợi nhuận sau mỗi chuyến hàng thành công.
Việt Nam được coi là điểm trung chuyển ngà voi từ các quốc gia trên thế giới.
Chúng tôi đến cửa khẩu Cầu Treo (Hương Sơn, Hà Tĩnh) – một trong những cửa ngõ các đối tượng buôn bán ngà voi vận chuyển vào nội địa. Nhiều nguồn tin cho biết, có những chuyến bọn buôn lậu vận chuyển tới 5 tấn ngà voi qua đây, chúng chia thành nhiều gùi để cửu vạn vác qua cửa khẩu.
Nhập vai cửu vạn
Qua người họ hàng buôn bán ở cửa khẩu Cầu Treo, tôi xin được gia nhập đội cửu vạn bốc vác hàng lậu tại đây. Nghe đồn thổi đã lâu nhưng chưa bao giờ tận mắt chứng kiến ngà voi đầu đuôi, to nhỏ thế nào nên đêm đầu làm cửu vạn cũng khiến tôi hồi hộp.
Chúng tôi (đám cửu vạn) lên đường vào sẩm tối, đội trưởng đội cửu vạn cầm bộ đàm trong tay đưa cả đội đi xuyên rừng. Vượt qua mấy con dốc cao chúng tôi đến được đất Lào, cả nhóm theo hiệu lệnh của đội trưởng đứng ở cầu Nam Tuồng (Lào) chờ đợi hàng lậu về.
Một tên thân cận với đội trưởng xì xào: “Hôm nay có hàng “độc” về đấy, anh em làm mấy cuốc (gùi) bò húc, ti vi rồi quay sang chờ hàng về”. Dò la hỏi thêm, tôi mới biết hàng độc chính là ngà voi, sẽ được đưa về qua cửa khẩu.
Ngồi chưa ấm chỗ, cả đám ùa chạy theo đội trưởng, tôi giật mình cũng ùa theo. Cửa thùng chiếc xe tải mở ra, tôi thấy toàn là hàng lậu Thái Lan chuyển về với nhiều mặt hàng khác nhau. Tôi là “lính mới” nên chỉ được gùi 6 két bò húc để làm quen.
Cơ quan chức năng bắt giữ lô ngà voi ở Quảng Ninh.
Đường rừng khó đi, gặp hải quan, hay bộ đội biên phòng, vác nhẹ sẽ dễ bề chạy hơn. Chỉ trong vòng gần 1 tiếng, chuyến hàng lậu đã dễ dàng về Việt Nam, chỉ việc bốc lên xe đã chờ sẵn.
Không kịp nghỉ ngơi, tên đội trưởng thúc cả đám quay sang bên kia biên giới chờ hàng “độc” về. Trên đường đi, tên này phân việc cho từng người; chỉ những tay thân tín, nhanh nhẹn mới được giao vác ngà voi.
Tiếp cận hàng độc
Phải chờ gần hai tiếng trong đêm, đám cửu vạn chúng tôi mới được đội trưởng dẫn lên rừng. Lên một đỉnh đồi thấp nơi giao nhau giữa biên giới Lào - Việt, chúng tôi thấy một đám cửu vạn người Lào chờ sẵn ở đó.
Trong đêm tối, họ ngồi bệt giữa rừng, nhưng trên vai vẫn giữ nguyên cái gùi màu đen. Khoảng 20 chiếc gùi này, mỗi chiếc có một cặp ngà voi. Các cửu vạn nhanh chóng chuyển hàng cho nhau để rút khỏi địa điểm nhạy cảm này.
Ngà voi chủ yếu được mua bán từ các nước châu Phi, và một số ít nước châu Á. Việt Nam được coi là điểm trung chuyển ngà voi từ các quốc gia trên thế giới, sau đó bán cho các đầu nậu Trung Quốc. Các đối tượng buôn lậu luôn thay đổi phương tiện vận chuyển, khi thì máy bay, khi tàu biển, đường bộ....
Tôi được giao cầm đèn rọi đường. Hai đội rẽ hai đường khác nhau, luồn lách vào rừng rậm. Trên đường về qua cửa khẩu, đội trưởng cửu vạn đi đầu cầm bộ đàm liên tục liên lạc với chủ hàng, và dặn bộ hạ phải cẩn thận quan sát, chú ý hai bên tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng.
Đi được nửa quãng đường, thấy ánh đèn lấp loá đi ngược chiều, cả đám cửu vạn lập tức tìm những cây nhỏ kín, nằm im phăng phắc.
Tôi thì thầm hỏi một tên cửu vạn thì được cho hay là bộ đội biên phòng đi tuần. Đúng như dự đoán, mấy chiến sĩ biên phòng cầm đèn pin to, tia sáng khoảng vài chục mét đi tuần tra. Không thấy động tĩnh gì, họ lại tiếp tục đi.
Chờ cho bộ đội biên phòng đi khá xa, đám cửu vạn mới nhấp nhổm đứng dậy đi tiếp. Đến gần sáng, 20 gùi ngà voi đã được bàn giao cho những ông chủ lạ mặt.
Hỏi đám cửu vạn cũng không biết nhiều về nguồn gốc của số ngà voi này từ đâu tới, chỉ loáng thoáng là được trung chuyển qua nhiều quốc gia, từ châu Phi, qua các cảng biển Thái Lan, đến Lào sau đó vào nước ta…

May mắn tôi được tiếp cận số lượng ngà voi với nhiều chủng loại khác nhau, có giá trị hàng trăm triệu đến vài tỷ đồng mỗi cặp. Thứ xa xỉ này chỉ những đại gia mới có thể buôn bán và mua để sử dụng, hoặc làm quà.

Giá của ngà voi
Chúng tôi tiếp cận với Nam, một tay khá sừng sỏ về ngà voi ở Hương Sơn, Hà Tĩnh. Nam không phải là đối tượng buôn bán ngà voi ở vùng, nhưng thường được thuê đi kiểm tra chất lượng của ngà voi và được các chủ hàng rất tin tưởng.
Có những chiếc ngà voi đẹp giá lên tới cả tỷ đồng.
Theo Nam, ngà voi có loại trắng, loại nâu. Loại trắng đẹp và đắt hơn nâu nhiều. Giá của mỗi cặp ngà voi tùy thuộc vào chủng loại, to nhỏ, ngắn dài, thẳng cong đều được định giá trong khi mua bán giữa hai bên. Nam đã từng kiểm tra chất lượng một cặp ngà voi trắng giá 2 tỷ đồng.
Nam tấm tắc: "Cặp đấy đẹp lắm, ngà voi về Việt Nam thường hổ lốn, hàng xấu. Nhưng lần đầu tiên tôi đi "giao dịch" một cặp ngà thích như thế. Chủ hàng cũng rất "kết", sau đó bán cho một đại gia lãi gần gấp đôi. Vụ đấy tôi được thưởng to".
Ngà voi qua cửa khẩu Cầu Treo sẽ được đưa về kho của chủ, mà phải là Nam trực tiếp dẫn đường mới vào được. Những cặp ngà voi bẩn thường được làm sạch bằng hóa chất, cho ngà voi trắng lên, đẹp hơn, dễ bán hơn, và đặc biệt là lợi nhuận sẽ tăng gấp bội.
Cách đây khoảng 10 năm, ngà voi chỉ có giá 90 - 100USD/kg, nay tăng gần 200 lần, giá thế giới khoảng 1.870 USD/kg. Tại Việt Nam, giá bao giờ cũng cao gấp 3-4 lần giá thế giới đang giao dịch. Còn giá cặp đôi trung bình là 17.000 - 20.000USD/cặp, loại 50.000USD/cặp cũng rất nhiều…
Nam lý giải, các con buôn ở mình thường mua ngà voi bẩn, giá thấp không phải vì không có vốn mà mua hàng đấy về xử lý thành hàng đẹp, bán có lãi nhanh và cao hơn.
Nam đã từng làm cho 2 chủ hàng, theo Nam là đại gia có tiếng của vùng tên là L.S và L.M. Hai trùm này buôn bán khắp nơi, sang tận châu Phi để đánh hàng về, qua đó cũng truyền cho Nam khá nhiều kinh nghiệm về ngà voi. Sau đó, các chủ buôn này giao tất thảy công việc giao dịch từ Lào về Việt Nam cho Nam.
Nam cho hay: "Ngà voi châu Phi về thì nhiều, nhưng chất lượng không thể sánh bằng ngà voi châu Á. Ngà voi châu Phi thường cụt, có màu nâu, mà nhẹ hơn. Còn ngà voi châu Á thì đặc, nặng hơn, khách hàng rất thích loại này".
Ngà voi trên thế giới cũng như ở Việt Nam thường không được định giá cụ thể mà lên xuống theo thời gian, cũng như chất lượng. Nam bảo, cặp ngà voi nâu có giá khoảng 600 - 700 triệu đồng, còn ngà voi trắng thì đắt hơn nhiều, có thể lên đến vài tỷ.
Nam khoe các chủ hàng của Nam giờ có thể "hét ra lửa" ở vùng vì họ có nhiều tiền, có quan hệ rộng. Từ khi chuyển sang nghề buôn ngà voi, các đại gia này ngày càng giàu thêm, trong nhà họ luôn có một cặp ngà voi đẹp lên đến hàng tỷ đồng trang trí cho ngôi nhà sang trọng. Qua đó Nam cũng được thơm lây, cuộc sống gia đình khá giả hơn.
Đại gia mới dám chơi
Vì giá ngà voi khá đắt nên người Việt Nam rất ít có cơ hội sử dụng, chỉ các đại gia chịu chơi mới dám mua một cặp để làm vật trang trí.
Ông Đức - một đại gia bất động sản ở Hà Nội vừa mua được một cặp ngà voi hơn 1,5 tỷ đồng, khoe: "Ao ước của anh từ lâu là có một cặp ngà voi để chơi. Sau bao năm buôn bán anh mới tìm và mua được cặp mình ưng ý. Mua về anh ngắm nó mấy ngày liền không ăn không ngủ".
 
Cặp ngà voi của ông Đức được đặt ngay ở sảnh phòng khách, ai đến cũng tấm tắc khen ngợi, nên ông càng tự hào. Thực ra, ông Đức cũng không biết giá trị của ngà voi như thế nào, ông chỉ trưng bày cho sang thôi. Lúc mua về ông chỉ dám bảo giá có mấy chục triệu để vợ đỡ tiếc.
Theo quan điểm của ông Đức "đã thích ngà voi thì cao hơn nữa cũng phải chơi, đợt trước tôi vào Sài Gòn thấy cặp ngà của thằng bạn quá đẹp, giá khoảng 5 tỷ đồng. Tôi thích đến mê mẩn, gạ mua nhưng nó không bán. Trở về tôi quyết tâm đi tìm một cặp cho mát mặt mát mày".
Không chơi kiểu ngông như ông Đức, Nguyên - một giám đốc kinh doanh bên lĩnh vực môi trường, có kiến thức khá sâu về ngà voi, rất cẩn thận khi mua vì Nguyên mua để đi tặng.
Trong nhiều lần săn hàng, Nguyên về Quảng Ninh và được một người bạn đưa đến một kho hàng của doanh nhân trên TP.Móng Cái (Quảng Ninh). Trước mắt Nguyên là cả một kho hàng ngà voi với đủ chủng loại. Sau một hồi tìm kiếm, Nguyên chọn được một cặp vừa đẹp với giá 800 triệu đồng.
Nguyên thừa nhận: "Không dễ để mua được một cặp ngà voi như thế này, vì chủ hàng thường bán cả lô, chứ mình mua có một cặp nể lắm họ mới bán". Qua chủ hàng, Nguyên được biết số hàng trên được chuyển lên từ Cảng Hải Phòng, là ngà voi từ châu Phi về.
(Còn tiếp) 
Theo Dân Việt

Theo đuôi :

ADVERTISEMENT