Hàng loạt những cái chết thương tâm vì tai nạn giao thông đã diễn ra trong tuần qua, người bị xe buýt cán, người bị xe rờ móc kéo lê, người còn bị xe trộn bê tông húc thẳng vào xe và người… Tình hình người chết vì tai nạn giao thông ở Việt Nam báo động đến nỗi, Bộ Giao thông vận tải phải phát động chương trình “Thập kỷ hành động vì an toàn giao thông đường bộ 2011-2020".
Khoảng 19h30 tối 8/5, tại cầu Vĩnh Tuy đã xảy ra một vụ tai nạn nghiêm trọng khiến 2 người thiệt mạng. Một chiếc xe trộn bê tông đâm thẳng vào xe máy đi cùng chiều, chèn nát đôi nam nữ ngồi trên xe máy.
Theo một số nhân chứng, vào khoảng thời gian trên, chiếc xe máy Honda hiệu Wave RS mang biển số Thanh Hóa chạy qua cầu theo hướng Mai Động - Sài Đồng. Đến gần giữa cầu, đột nhiên, chiếc xe trộn bê tông BKS 29C-021.96 từ phía sau tông thẳng vào xe máy.
Cú đâm mạnh và bất ngờ đã hất tung đôi hai người ngồi trên xe máy xuống đường. Cô gái bị kéo lê chừng 20m, bánh xe chèn qua đầu, tử vong tại chỗ. Nam thanh niên điều khiển xe máy bị kéo xa hơn cô gái khoảng 30m và cũng bị xe trộn nghiền nát. Theo cơ quan chức năng, nạn nhân đang là sinh viên ở Hà Nội.
Đây chỉ là một vụ tai nạn thương tâm trong hàng loạt vụ xảy ra trong cả nước tuần qua. Ở TP. Hồ Chí Minh, chỉ trong 3 ngày, đã có 6 người chểt do xe buýt, xe tải trọng lớn gây ra.
Trong đó đáng lên án nhất là việc chiếc xe ben mang biển số 49X-0277 đua tốc độ, ngang nhiên lấn đường vào làn xe máy dẫn đến cái chết oan uổng của chị Cao Nữ Thùy Linh (27 tuổi, quê ở Đắk Nông) điều khiển chiếc xe ga biển kiểm soát 79H1-4610.
Theo báo cáo tại Hội nghị quốc tế về báo cáo “Chiến lược đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 của Việt Nam” do Bộ Giao thông Vận tải, Tổ chức Y tế Thế giới và Unicep tổ chức tại Hà Nội ngày 15/4 thì Việt Nam hiện đứng thứ 4 về số người chết vì tai nạn giao thông trên thế giới sau các nước: Trung Quốc, Mỹ, Thái Lan. Hiện trung bình mỗi ngày có 30-35 người chết vì tai nạn giao thông.
Theo ước tính của ADB (Ngân hàng Phát triển Châu Á), thiệt hại kinh tế do TNGT đường bộ hàng năm ở Việt Nam ước khoảng 880 triệu USD, chiếm 2,45% GDP (năm 2003), cao hơn mức trung bình của các nước ASEAN.
Vì sao các vụ tai nạn giao thông đang mỗi ngày một tăng và mỗi ngày một nghiêm trọng? Lý giải về vấn đề này, ngành giao thông đã đúc kết được rằng, các nguyên nhân gây TNGT chung chủ yếu do ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông. Mặc dù, đã có chuyển biến do tác động mạnh mẽ của các chiến dịch truyền thông và cưỡng chế nhưng vẫn còn một bộ phận người tham gia giao thông chưa thực sự tự giác chấp hành pháp luật ATGT.
Hơn nữa, hạ tầng giao thông tuy đã được đầu tư cải tạo nâng cấp nhưng chưa đáp ứng được với sự gia nhanh của phương tiện giao thông, vi phạm hành lang an toàn đường bộ vẫn diễn biến phức ở một số tuyến đường bộ, các điểm giao cắt đường bộ với đường sắt. Mặc khác, số phương tiện cơ giới đường bộ tăng quá nhanh… cũng là nguyên nhân gây TNGT.
Điều nghịch lý là, dù xác định rõ ràng về các nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông nhưng chúng ta đang chưa biết làm thế nào để giảm số các vụ và số những người thiệt mạng. Mục tiêu của ngành giao thông là đến năm 2020 chỉ còn 8 người chết mỗi ngày vì tai nạn giao thông, nhưng, theo đại diện Tổ chức JiCa (Nhật Bản) phân tích, để giảm số người chết vì tai nạn giao thông xuống còn 8 người vào năm 2020, có nghĩa là giảm tới 40% số người chết trong 10 năm liên tiếp, Việt Nam chỉ có thể đạt được mục tiêu này khi đạt được 2 chỉ tiêu.
Thứ nhất, phải cải thiện được ý của người tham gia giao thông. Thứ hai, các biện pháp thực hiện ATGT phải được thực một cách toàn diện nhất.
Biện pháp thực hiện an toàn giao thông phải được thực hiện một cách toàn diện nhất được hiểu là chúng ta phải có quy hoạch và phát triển giao thông một cách đồng bộ.
Nhưng, nhìn vào tình hình phát triển giao thông đô thị ở Việt Nam trong thời gian vừa qua không ngoa khi nói rằng chúng ta đang sai lầm nối tiếp sai lầm. Bởi trong các đề án trình để phát triển giao thông con người không được coi là trung tâm, là hạt nhân để phát triển giao thông bền vững mà phương tiện mới đang được coi là hạt nhân.
Chính bởi việc nhìn nhận sai đối tượng mà nhà quản lý giao thông luôn trong tình trạng đối phó với các tình huống giao thông, đường chật thì mở đường rộng hơn, đường dưới đất không đủ chỗ thì đề xuất làm đường trên cao. Tắc đường nhiều quá thì đề xuất biển chẵn đi ngày chẵn, biển lẻ đi ngày lẻ. Bà Phạm Thúy Loan, Viện phó Viện Quy hoạch kiến trúc và đô thị cảm thán rằng, đường càng rộng càng tắc, đường mở rộng ra đến đâu là thấy chật ở đấy. Lý do là vì chúng ta không đồng bộ trong quản lý giao thông và việc đề xuất các giải pháp khắc phục sự cố giao thông.
Trong quản lý giao thông, ngoài việc phân tuyến, phân luồng, phân làn, một điều khiến tình trạng vi phạm giao thông cứ tái diễn, lặp đi lặp lại với tần suất cao là do các chế tài pháp luật áp dụng cho các đối tượng vi phạm giao thông ở nước ta vẫn còn quá nhẹ. Đành rằng ý thức người đang tham gia giao thông có vấn đề, nhưng nếu có chế tài nghiêm khắc, có lẽ mọi chuyện đã khác biệt đi nhiều.
Nếu như ở Nhật, một người có nồng độ cồn vượt mức cho phép mà điều kiển xe có động cơ thì hoặc là phạt 500.000 yên Nhật hoặc là bị cải tạo giam giữ đến 3 năm thậm chí người ngồi trên xe ấy cũng bị xử phạt không nhẹ.
Còn ở một số thành phố lớn Trung Quốc cũng vừa áp dụng biện pháp này, có thể cải tạo giam giữ đến 6 tháng, thì trong các đô thị nước ta việc chấp pháp cũng như quản lí giao thông còn bỏ ngỏ. Hiện tượng vi phạm luật giao thông còn phổ biến: Điều kiển xe cơ giới trong tình trạng nồng độ cồn trong máu cao, sử dụng bằng cấp giả để điều kiển xe, phóng nhanh vượt ẩu... vẫn chưa được xử lí nghiêm.
Vừa qua (11/5), Bộ Giao thông vận tải đã phát động chương trình “Thập kỷ hành động vì an toàn giao thông đường bộ 2011-2020" với mục tiêu chính là giảm được 50% số người chết và bị thương do tai nạn giao thông đường bộ gây ra.
Nhưng, mục tiêu nếu chúng ta không có kế hoạch hành động đồng bộ, mục tiêu sẽ mãi chỉ là mục tiêu. Có lẽ đã đến lúc chúng ta cần suy nghĩ nghiêm túc về câu hỏi được đặt ra để tìm cách giải quyết giao thông cụ thể ở Việt Nam.
Theo Vnmedia
Theo đuôi :
ADVERTISEMENT