Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã chia sẻ những quan ngại về thực tiễn kinh doanh của Trung Quốc ở châu Phi. Bà nói rằng, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này đang thể hiện những đặc điểm của “chủ nghĩa thực dân mới” ở châu Phi.
Nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ thừa nhận rằng, Trung Quốc – nước sử dụng năng lượng lớn nhất thế giới – đã mở rộng ảnh hưởng của mình khắp châu Phi.
“Chúng ta đã thấy trong thời thuộc địa, rất dễ đến, lấy đi các nguồn tài nguyên thiên nhiên, trả tiền cho nhà lãnh đạo và ra đi”, bà Clinton nói. “Và khi bạn ra đi, bạn không để lại nhiều thứ phía sau cho những người dân nơi ấy. Chúng tôi không muốn nhìn thấy một chủ nghĩa thực dân mới ở châu Phi”.
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton Ảnh: huffingtonpost |
Đề cập tới Trung Quốc, Ngoại trưởng Clinton nói: “Tôi tin rằng, chúng ta bắt đầu nhìn thấy rất nhiều vấn đề mà bạn cần phải chú ý nhiều hơn nữa trong vòng 10 năm tới”. Ngoại trưởng Mỹ đã có buổi thu hình với một chương trình truyền hình tại Lusaka, Zambia khi bà tới thăm quốc gia châu Phi này. Bà khiến các khán giả có mặt trong buổi thu hình vỗ tay khi đưa ra kết luận: “Giới trẻ sẽ không chấp nhận việc được chỉ dẫn để làm gì”.
Bà Clinton còn thúc giục các nước châu Phi dỡ bỏ những rào cản thương mại với Mỹ. Là vị ngoại trưởng Mỹ đầu tiên thăm Zambia kể từ năm 1976, bà Clinton đã tham dự cuộc hội đàm về một thỏa thuận ưu đãi thương mại Mỹ vào đúng thời điểm Trung Quốc đã vượt qua Mỹ để trở thành đối tác thương mại hàng đầu của châu Phi.
"Sự hiện diện của Trung Quốc ở châu Phi phản ánh thực tế rằng, họ có những lợi ích quan trọng và ngày càng lớn trên châu lục này”, bà Clinton nói. "Tuy nhiên, chúng tôi lo ngại rằng, viện trợ nước ngoài và những thực tiễn đầu tư của Trung Quốc tại châu Phi không phải lúc nào cũng nhất quán với tiêu chuẩn quốc tế về sự minh bạch và quản trị tốt”, bà nhấn mạnh.
Bà cho hay, Mỹ bắt đầu trao đổi với Trung Quốc về các hoạt động của họ tại châu Phi.
Thương mại Trung Quốc – châu Phi tăng hơn 40% trong năm ngoái đạt 126,9 tỉ USD.
Rời Zambia, bà Clinton tới Tanzania, chặng dừng chân thứ hai trong chuyến công du 5 ngày tới châu Phi khi kết thúc ở Ethiopia.
Ngoại trưởng Mỹ trước bà Clinton tới châu lục đen là Henry Kissinger vào năm 1976, khi ông tuyên bố thời kỳ thuộc địa ở miền nam châu Phi là “điều của quá khứ”.
Theo economictimes, bloomberg ,vnn
Theo đuôi :
ADVERTISEMENT